Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc Khối Quản trị tài chính và Nguồn vốn SCB về nội dung này.
Cuối tháng 5/2020, NHNN đã ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 01 giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng. Bà có nhận định gì về động thái này?
Tôi tin không chỉ SCB, mà các tất cả các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều đánh giá cao hành động kịp thời, linh hoạt, bám sát thị trường của cơ quan quản lý.
Thông qua dự thảo, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn với nợ được giải ngân từ 23/1/2020 đến trước ngày 25/4/2020.
Bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc Khối Quản trị tài chính và Nguồn vốn SCB
Hiện nhiều ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và ước tính trong năm 2020, xấp xỉ 70% dư nợ toàn hệ thống sẽ được cơ cấu.
Thực tế cho thấy, việc sửa đổi Thông tư 01 là rất cần thiết khi nhìn lại trong quý II/2020, chất lượng tài sản của các ngân hàng bị suy giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng nợ nhóm 2-5 của toàn ngành đã tăng lên mức 3,2% (tăng 0,5% so với mức cuối năm 2019).
Theo ước tính của NHNN, có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (khoảng 30% tín dụng toàn hệ thống) và điều này tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.
Do đó, việc giãn nợ giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng, chi phí trích lập dự phòng trong nửa đầu năm 2020 vốn đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những thay đổi đáng chú ý tại dự thảo là NHNN cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 25/4/2020. Theo bà, thay đổi này liệu có bất cập gì trong bối cảnh hiện nay?
Theo Thông tư 01 đang được áp dụng, việc cơ cấu nợ chỉ cho phép thực hiện đối với khoản vay giải ngân trước ngày 23/1/2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 2 cho thấy rất khó tiên liệu về các mốc thời gian.
Việc cho phép cơ cấu nợ theo Thông tư 01 về cơ bản là để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp có nợ đến hạn trong thời gian diễn ra dịch bệnh do chịu tác động bất lợi. Thông tư 01 quy định nợ được cơ cấu phải là nợ phát sinh trước 23/1/2020.
Tuy nhiên, thực tiễn vận hành cho thấy những bất cập và NHNN đã phân tích rất rõ khi đề xuất sửa đổi thông tư này.
Quay lại với vấn đề thời điểm hợp lý nên là thời điểm nào thì cần nhìn nhận việc cơ cấu nợ với góc nhìn của các tổ chức tín dụng. Hầu hết ngân hàng không muốn cơ cấu nợ, vì khi cơ cấu sẽ phải ngưng dự thu lãi, làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thu - chi tài chính.
Khi áp dụng Thông tư 01 để cơ cấu nợ, các tổ chức tín dụng đều xem xét và đánh giá rất kỹ lưỡng từng khách hàng để quyết định việc cơ cấu, vừa hỗ trợ khách hàng vừa hài hoà với khả năng và lợi ích tài chính của tổ chức tín dụng.
Do đó, nên chăng chỉ quy định nợ được cơ cấu là nợ đến hạn từ ngày 23/1/2020 trở về sau, không nên phân biệt nợ giải ngân thời điểm trước hay sau ngày 23/1/2020.
Điều này cũng sẽ tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nỗ lực thực hiện phương án kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng vì những khó khăn khách quan như diễn biến dịch thời gian vừa qua thì vẫn có cơ hội được xem xét cơ cấu nợ phù hợp với nguồn thu thực tế.
Đối với nội dung thứ hai, NHNN cho phép kéo dài thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi vay đến ngày 31/12/2020. Trước tình hình hiện nay, theo bà, việc điều chỉnh thời hạn này nên theo hướng nào?
Dự thảo cho phép cơ cấu nợ đến hạn từ 23/1/2020 đến 31/12/2020 trên cơ sở kịch bản Việt Nam cơ bản khống chế dịch Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020.
Thực tế, cuối tháng 7/2020 bắt đầu tái bùng phát đợt dịch thứ 2 tại Việt Nam và diễn biến phức tạp hơn đợt đầu tiên.
Đến nay, Chính phủ chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch - vừa thúc đẩy nền kinh tế và chưa thể xác định được chính xác thời điểm hết dịch.
Việc quy định khung thời gian cơ cấu nợ sẽ làm quá trình triển khai bị cứng nhắc. Mốc thời điểm 31/12/2020 tại dự thảo Thông tư sửa đổi được xây dựng dựa trên giả định đã không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trở lại với cách thức Thông tư 01 hiện đang quy định sẽ linh hoạt và phù hợp hơn. Thực tế cho thấy, tác động của dịch Covid-19 đến sức khỏe của doanh nghiệp sẽ không chỉ là 3 tháng, mà có thể lên 6 tháng hoặc 1 năm, thậm chí có thể dài hơn.
Do đó, NHNN có thể xem xét điều chỉnh Thông tư 01 theo hướng cho phép kéo dài thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ 6 tháng đến 1 năm kể từ sau khi Chính phủ công bố hết dịch.