Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, không thể phủ nhận việc Thông tư 36 có hiệu lực đã hỗ trợ thị trường bất động sản ấm lên với điểm nhấn là điều chỉnh hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán từ 250% xuống còn 150%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 393.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho lĩnh vực bất động sản thì tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản là 478.000 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn. Bên cạnh đó, vốn tín dụng, đầu tư của hệ thống ngân hàng cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng mạnh, trong đó hầu hết các khoản tín dụng cho lĩnh vực bất động sản có kỳ hạn trung, dài hạn.
“Các ngân hàng thương mại thích cho vay bất động sản, bởi 'miếng bánh' này quá hấp dẫn với lãi suất cao và có sẵn tài sản thế chấp. Hơn nữa, giá trị của tài sản nhà đất cũng dễ định giá, nên ngân hàng an tâm khi cho vay và thực tế, ngân hàng đổ vốn vào lĩnh vực này không ít”, TS. Hiếu nói.
Báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội tháng 2/2016 của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến 31/1/2016, nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội chiếm 3,79% trong tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm dưới 2,5% trong tổng dư nợ.
Những quan ngại về Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 thời gian qua chắc chắn là người đầu cơ bất động sản và chủ đầu tư bất động sản có năng lực tài chính yếu kém, theo Ngân hàng Nhà nước.
“Nợ xấu tăng do nhiều nguyên nhân, nhưng không thể phủ nhận cho vay bất động sản ‘đóng góp’ một phần đáng kể. Lượng nhà được cung ứng ra thị trường vẫn liên tục tăng, nhưng những người có nhu cầu thực vẫn không mua được, bởi giá quá cao so với thu nhập. Hơn bất kỳ cơ quan nào, Ngân hàng Nhà nước là nơi có con số cụ thể, chính xác về vấn đề này, nên buộc phải có động thái nhất định và đó có lẽ là lý do Ngân hàng Nhà nước Dự thảo sửa đổi Thông tư 36”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói.
Góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của các hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đồng tình với việc tăng hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%. Theo các ngân hàng, “miếng bánh” quá hấp dẫn đôi khi sẽ làm họ quên mất rủi ro và những bài học rủi ro đã từng xảy ra. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đề nghị, việc thay đổi ngay sẽ gây ảnh hưởng đột ngột tới hoạt động kinh doanh, do đó Ngân hàng Nhà nước nên xem xét có lộ trình để các tổ chức tín dụng có thời gian đưa ra chính sách hợp lý điều chỉnh hoạt động cho vay bất động sản.
Về phía những quan ngại được nêu trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chắc chắn là người đầu cơ bất động sản và chủ đầu tư bất động sản có năng lực tài chính yếu kém. Đây cũng là 2 đối tượng dễ đẩy thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh và hình thành bong bóng bất động sản, nếu không có chính sách và biện pháp quản lý hữu hiệu.
Người mua nhà để ở, người thuộc các đối tượng tham gia các chương trình, chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ và người mua bất động sản không vì mục tiêu kinh doanh không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi quy định của Thông tư 36.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét một cách thận trọng đến nội dung thời điểm hiệu lực và lộ trình thực hiện của một số quy định mới tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 nhằm giảm thiểu các rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và các bên có liên quan" - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.
“Quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước là đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững”, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.
Thực tế, Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 cho thấy, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững.
Quy định mới về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn và điều chỉnh tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản sẽ tạo động lực cho ngân hàng thương mại cấp tín dụng trung, dài hạn một cách thận trọng hơn và sàng lọc, lựa chọn cho vay đối với những khách hàng có rủi ro thấp, hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trên nhấn mạnh: “Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, đánh giá tác động và lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các đối tượng liên quan trong xã hội. Ngân hàng Nhà nước trân trọng tiếp nhận tất cả ý kiến tham gia, đóng góp của người dân và doanh nghiệp để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa dự thảo Thông tư. Chắc chắn rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét một cách thận trọng đến nội dung thời điểm hiệu lực và lộ trình thực hiện của một số quy định mới tại dự thảo Thông tư nhằm giảm thiểu các rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và các bên có liên quan”.