Lại thẩm tra?
Sự xuất hiện của quy định thẩm tra điều kiện về giáo dục để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Dự thảo (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo) khiến cả giới đầu tư và các luật sư cảm thấy bối rối. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao trách nhiệm thẩm tra dự án thành lập trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và phân hiệu của những cơ sở này.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm tra các dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của các cơ sở này; cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, ở đây là trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục sẽ là thẩm định hồ sơ dự án.
Cũng phải nói rõ, quy định về thẩm tra đã từng có trong Luật Đầu tư 2005 và đã bị bãi bỏ bởi Luật Đầu tư 2014 đang có hiệu lực. Nội dung thẩm tra điều kiện đang hiện hữu trong Nghị định 73/2012/NĐ-CP về cùng nội dung.
Mặc dù trong Dự thảo, vốn từng được xác định là Dự thảo sửa đổi Nghị định 73/2012/NĐ-CP, đã ghi điều kiện, hồ sơ, quy trình và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, song phần quy định thêm lại đi ngược với chính điều này.
“Rất có thể, Ban Soạn thảo đã sơ xuất không thống nhất với nội dung của Luật Đầu tư hiện hành”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) lý giải vì không có phương án giải thích nào hợp lý hơn cho sự trở lại của quy định về thẩm tra này.
Tuy vậy, sự không kết nối giữa văn bản này và các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chắc chắn phải được đặt ra, bởi nếu không, sự không thống nhất trong quy định ngay ở bước thành lập sẽ khiến giới đầu tư trong lĩnh vực giáo dục khó bước tiếp, nhất là khi quy định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục khá đặc thù. Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải lập một pháp nhân là công ty, sau đó sử dụng pháp nhân lập ra các cơ sở giáo dục.
“Về mặt pháp lý, pháp nhân công ty sẽ chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Cơ sở giáo dục sẽ chịu sự điều chỉnh chủ yếu của các luật liên quan đến giáo dục. Nhưng vẫn chưa có điều khoản nào giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân công ty và pháp nhân trường. Đây là mấu chốt của những sự chồng chéo trong soạn thảo các văn bản pháp luật và trong quản lý nhà nước”, ông Phan Mạnh Hùng, Giám đốc pháp chế Tập đoàn Giáo dục KinderWorld Việt Nam lý giải thêm.
Thủ tục vẫn rối
So với các quy định tương đương của Nghị định 73/2012/NĐ-CP, các quy định về thủ tục giảm đi đáng kể sau khi Điều 30 của Dự thảo ghi rõ điều kiện, hồ sơ, quy trình và thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, ông Phan Mạnh Hùng không thấy sự thay đổi lớn. “Trừ mô hình trung tâm đào tạo ngắn hạn, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải trải qua 5 - 7 bước hồ sơ, nghĩa là vẫn giống như Nghị định 73/2012/NĐ-CP”, ông Hùng phân tích.
Các bước hồ sơ chính, theo ông Hùng, gồm quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định cho phép thành lập, quyết định cho phép hoạt động. Với trường đại học, bước hồ sơ tiếp theo là mở ngành hoặc có thể sẽ có thêm thủ tục liên quan đến liên kết đào tạo nếu có.
Mặc dù trong cuộc hội thảo lấy ý kiến hôm đầu tuần cho Dự thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã nhấn mạnh rằng, 3 bước đầu là theo quy định của Luật Đầu tư mà Dự thảo chỉ quy định lại, song ông Hùng cho rằng, nhà đầu tư sẽ tính tất cả thủ tục họ phải tuân thủ để đưa cơ sở giáo dục vào hoạt động.
Nhưng ngay trong quy định cho phép thành lập cơ sở giáo dục, không có gì thay đổi về trình tự thủ tục, thời gian thực hiện so với Nghị định 73/2012/NĐ-CP. “Chúng tôi còn lo vì quy định rất chung chung”, ông Hùng chia sẻ.
Hệ quả là, cùng một vấn đề, nhưng nhiều cơ quan cho ý kiến và mỗi cơ quan lại có ý kiến khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau trong khi vấn đề đó lại không thuộc thẩm quyền đánh giá và thẩm định của họ, khiến nhà đầu tư thường phải mất rất nhiều thời gian để giải trình. Đã có phản biện, trong nhiều trường hợp, thời gian để hoàn tất các bước thủ tục trên có thể lên tới… 3 năm.
Được biết, trong các điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục đang được dự thảo, nhiều nội dung tiếp tục khiến các nhà đầu tư lo ngại, như cần có văn bản giao hoặc cho thuê đất của UBND cấp tỉnh, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…, trong khi trước đó đã có nội dung các cơ sở giáo dục được thuê cơ sở vật chất…
“Nên giảm thiểu, thay đổi một số nội dung trong thủ tục theo hướng đỡ phiền hà”, ông Võ Thanh Bình, đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị.