Dự thảo cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc
Tại Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt , thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP do VCCI tổ chức, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Chính phủ nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN đã có nhiều nỗ lực để hiện thực hoá chủ trương này, thể hiện trong các điểm mới của Dự thảo.
Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, Dự thảo cần được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, Dự thảo đưa ra nhiều quy định có thể coi là điều kiện kinh doanh mới như đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản hay đại lý thanh toán. Đây là các ngành nghề kinh doanh chưa nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, do đó Ban soạn thảo cần có sự cân nhắc khi xây dựng quy định cho đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhiều điều kiện kinh doanh trong Dự thảo quy định không cụ thể, rõ ràng và không dễ tiên liệu, sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng.
Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo
Còn ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, cần nhanh chóng có kế hoạch ban hành luật vì dự thảo Nghị định có nhiều quy định hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt trong khi đó là quyền của người dân và doanh nghiệp. “Muốn hạn chế quyền thì cần phải có luật”, ông Đức nói.
Thận trọng khi hạn chế đầu tư nước ngoài
Một vấn đề nóng của Hội thảo là quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo đề xuất tại Dự thảo không quá 49%.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, có ý kiến cho rằng, mặc dù thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng tỷ lệ thanh toán ko dùng tiền mặt trong những năm nay không tăng. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nishikawa, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản), các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức để phát triển, do đó NHNN cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài.
Một số chuyên gia pháp lý đi sâu hơn khi cho rằng, việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP.
Cụ thể, quy định hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của Dự thảo cũng trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đặng Thanh Sơn, Luật sư thành viên Công ty Luật Baker McKenzie đã dẫn ra trường hợp Trung Quốc bị WTO xử thua kiện khi áp dụng hạn chế tương tự trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) bình luận, hiện nay, trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của FinTech, nên hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực FinTech.
Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng “trung gian thanh toán” không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán.
“Nếu chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường”, ông Phùng Anh Tuấn nói.
Có nên học tập kinh nghiệm Indonesia?
Theo Dự thảo Tờ trình Chính phủ kèm theo Nghị định, cơ quan soạn thảo đưa ra trường hợp hạn chế đầu tư nước ngoài của Indonesia để tham khảo. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn liệu đây có là tiền lệ tốt để Việt Nam tham khảo, vì trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, Indonesia còn tụt hậu so với Việt Nam, trong khi Chính phủ đang đặt mục tiêu đưa nước ta vào Top 4 ASEAN về phát triển số.
Theo ông Yee Chung Seck, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, thực tế thị trường tại Indonesia cho thấy, mặc dù các hạn chế đối với FinTech không quá lớn, đã có một sự chuyển hướng đáng kể dòng vốn đầu tư khỏi quốc gia này. Đây là một trường hợp Việt Nam nên tránh, khi Chính phủ đã có cam kết thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 và khuyến khích phát triển kinh tế số.
Cũng tại Hội thảo, bà Virgina Foote, đại diện AmCham Việt Nam, đồng Chủ tịch của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này do có ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư vào các cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo đề nghị, Dự thảo cần có các quy định thống nhất về điều kiện kinh doanh cho các loại hình tiền điện tử khác nhau, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN hoan nghênh các ý kiến đóng góp và khẳng định, Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự thảo sẽ tiếp thu trên tinh thần cởi mở, hợp tác. “Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung các hiệp định song phương và đa phương để có quy định hợp lý nhất trong vấn đề này”, ông Dũng nói.
Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt có 7 chương, 44 điều, thể hiện các chính sách mới về đồng bộ pháp lý về tiền điện tử, quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản, hoạt động đại lý thanh toán, hoàn thiện quy định về dịch vụ trung gian thanh toán, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Hiện nay, Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị hữu quan.