Có lẽ, ông Thịnh cảm thấy bất an vì những quy định “quá xa với thực tiễn kinh doanh” mà ông đọc được trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có những vấn đề được các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 2/10 cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ.
“Tôi nói điều này vì 31 năm kinh doanh, tôi biết rõ trách nhiệm của mình trước đất nước, trước dân tộc, trước cộng đồng doanh nghiệp chân chính, trước hàng vạn cuộc đời của những người lao động trong Công ty và còn là phẩm hạnh của chính mình, chứ không chỉ đấu tranh giành giật quyền lợi cho riêng doanh nghiệp, cho địa phương hay chỉ cho ngành sản xuất hẹp của mình...”, ông Thịnh nói, trong một cuộc hội thảo.
Không biết có bao nhiêu người có trách nhiệm sẽ nghe được lời này, bao nhiêu người sẽ thực sự đến để thẩu hiểu và sẽ có bao nhiêu quyết định, hành động được đưa ra, nhưng ông Thịnh và giới kinh doanh thấm thía một thực tế rằng, trong kinh doanh, bất cứ cuộc tranh luận, một kế hoạch, một công việc nào bàn mãi không có hồi kết, doanh nghiệp sẽ dậm chân tại chỗ, sẽ đi lùi...
Nhưng nhiều doanh nghiệp sẽ không thể phát triển, không thể lớn mạnh nếu môi trường chính sách, môi trường kinh doanh từ những tư duy cũ kỹ, không theo kịp sự phát triển của thị trường, phi thực tế, chi phí tuân thủ cao và quan trọng là không an toàn.
Khi mà doanh nghiệp không an tâm với chính môi trường chính sách, môi trường kinh doanh trong nước, không cơ hội kinh doanh mới, cơ hội thị trường mới từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Nhà nước đã dày công đàm phán, ký kết... sẽ dành cho ai?
Thực ra, những câu hỏi này không hề mới, cũng phải chỉ các doanh nghiệp đặt ra. Các nỗ lực tái cơ cấu để đổi mới mô hình tăng trưởng, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, theo thông lệ quốc tế đã bắt đầu từ lâu.
Nếu tính về văn bản, thì có thể bắt đầu tư Quyết định số 339/2013/QĐ -TTg phê duyệt Đề án Tổng thế tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
Nhưng trước đó, từ những năm 2000, quan điểm tạo môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm đã được đưa ra, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân trở lại vai trò động lực phát triển...
Nhưng, cho tới thời điểm này, các cuộc tranh luận về chặng đường quá độ phát triển kinh tế thị trường, về việc hoàn thiện thể chế, về con đường của các thị trường nhân tố sản xuất... vẫn chưa kết thúc. Ngay cả những mục tiêu tưởng như có thể thực hiện được nhanh nhất là xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh, để chấm dứt sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội vẫn đang được coi là trọng tâm ưu tiên hành động.
Hiện tại, Việt Nam sẽ phát triển thế nào, để đạt được mục tiêu thịnh vượng, hùng cường trong thập kỷ tới đang là chủ đề chính được bàn luận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và từng doanh nghiệp.
Song đúng như nhiều lời khuyến nghị được nhắc tới tại nhiều cuộc tọa đàm, tại nhiều diễn đàn lớn, trong đó có Diễn đàn Cấp cao về công nghiệp 4.0 bế mạc ngày hôm qua (3/10), Diễn đàn thường niên lần thứ hai về Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 mới đây, Việt Nam cần phải hành động nhanh, với tư duy vì sự thịnh vượng dân tộc.
Bởi thập kỷ tới sẽ chứng kiến nhiều thay đổi của thế giới, gồm cả những thay đổi từng có trong nhiều thập kỷ qua. Các quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các cường quốc trở nên khó đoán định, nhưng thế giới vẫn tiếp tục kết nối ngày càng nhiều hơn; một khối lượng lớn hàng hóa, dịch vụ, vốn, con người và dữ liệu sẽ lưu chuyển qua biên giới.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các loại công nghệ liên quan sẽ tạo ra phong trào mới về nâng cao năng suất. Khoa học công nghệ sẽ phát triển nhanh, phi truyền thống, phi tuyến tính dẫn đến hàng loạt thay đổi tốc độ nhanh, trên quy mô và phạm vi lớn, khó lường... Trong bối cảnh đó, quốc gia nào nắm bắt, tận dụng được các cơ hội tạo ra bởi khoa học - công nghệ, thì quốc gia đó sẽ bứt phá và phát triển.
Ông Thịnh cũng như rất nhiều doanh nghiệp đang đau đáu với trách nhiệm trước sự phát triển mới. Họ cần sự kiến tạo, hậu thuẫn và thấu hiểu của từng công chức, từng cấp chính quyền... cũng như từng đại biểu Quốc hội.