Dự thảo Bộ Luật Lao động mới có thể trở thành “rào cản” tới sự phát triển doanh nghiệp

Dự thảo Bộ Luật Lao động mới có thể trở thành “rào cản” tới sự phát triển doanh nghiệp

(ĐTCK) Xuất phát từ “lợi ích quốc gia” với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, một số các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, hợp lý trước khi chính thức được trình tại Quốc hội và được các đại biểu bấm nút thông qua vào tháng 10/2019. 

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội.

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đang trong quá trình được sửa đổi và lấy ý kiến của các Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động từ Bộ Luật này.

Trong bối cảnh xây dựng Bộ luật lao động mới, rất nhiều các quy định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trong đó, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, Bộ luật lao động trở thành “rào cản” hoặc “ngáng chân” sự tăng trưởng sản xuất, giảm kim ngạch xuất khẩu thì chính đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và trước hết.

Theo nguyên Viện trưởng Ciem Nguyễn Đình Cung, Bộ Luật Lao động là Bộ Luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tính cạnh cạnh tranh của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới. Trong bối cảnh xây dựng Bộ luật lao động mới, rất nhiều các quy định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

“Khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề của các nước khác, thì “người yếu thế” lại chính là các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Cung nhấn mạnh.

Trong số các quy định mới của Dự thảo, có thể kể đến một số quy định tiêu biểu mà nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nói riêng. Điển hình là không thay đổi về trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn.

Dẫn chứng vị dụ cụ thể đối với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam quản lý hàng trăm nghìn lao động. Với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm có thể khiến một tháng Samsung mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất.

Vì vậy, khi áp lực quá lớn từ những quy định đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi doanh nghiệp cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động.

Góp ý chi tiết cho dự thảo Bộ Luật Lao động, bà Trần Thị Lan Anh- Phó tổng thư ký VCCI, Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động nêu lên 8 vấn đề lớn cần được xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Trong đó, đáng chú ý là thời gian làm thêm và cách tính thời gian làm thêm giờ của lao động; và vấn đề về tiền lương.

Cụ thể, theo bà Lan Anh, Bộ Luật Lao động hiện hành đang quy định tổng số giờ làm thêm tối đa trong năm của Việt Nam bị hạn chế ở mức 200 giờ/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam.

Xét trên ngành nghề, quy định này chưa phù hợp với những ngành nghề sản xuất trực tiếp, nên hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do năng suất lao động của người lao động Việt Nam còn thấp, tỷ trọng các ngành nghề thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn nên nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu thực tế, để góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

Do đó, VCCI kiến nghị, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ quy định theo năm. “Đảm bảo số giờ thêm của người lao động không quá 500 giờ/năm, trừ một số ngành nghề, công việc được làm thêm giờ không quá 600 giờ/năm”.

Theo một số hiệp hội doanh nghiệp, Dự thảo Bộ Luật Lao động mới có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo Bộ Luật mới; hoặc có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động (nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, làm dịch vụ các hàng hóa mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống…).

Trong điều kiện đó, Dự thảo Bộ Luật lao động có thể làm cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế trở nên “kém hoặc không giá trị” khi các doanh nghiệp Việt Nam bị các bên đối tác đánh giá chấm điểm trượt ngay trên “sân nhà”.

Ngoài ra, Dự thảo Bộ Luật Lao động mới còn nhiều “điểm mờ” sẽ có thể trở thành “rào cản”, gây ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp.

Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang ở thứ hạng thấp theo số liệu tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.

Thời giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là tương đương với các quốc gia có cùng trình độ phát triển như Lào, Campuchia, thậm chí những quốc gia phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Maylasia vẫn duy trì 48 giờ/tuần. Giờ làm việc ở trong khoảng 40 – 44 giờ/tuần đa phần chỉ thuộc các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore.

Theo đề xuất của các đại diện hiệp hội, một số các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, hợp lý trước khi chính thức được trình tại Quốc hội và được các đại biểu bấm nút thông qua vào tháng 10/2019.

Tin bài liên quan