Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank, trong quý II/2020, Ngân hàng tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Hiện dư nợ tái cơ cấu chiếm khoảng 6% tổng dư nợ Ngân hàng.
Theo đó, nợ xấu Eximbank đã tăng từ mức 1,71% hồi đầu năm lên 2,08%, cho dù tín dụng vẫn tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay.
Vì thế, Eximbank phải trích lập hơn 155 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong quý II, dẫn tới lợi nhuận trước và sau thuế giảm đến 77% so với cùng kỳ 2019, xuống mức hơn 94 tỷ đồng và 74 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Eximbank trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (trong khi cùng kỳ 2019 được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng). Vì thế, nên lợi nhuận trước và sau thuế giảm khoảng 28% so với cùng kỳ, xuống mức gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.
Sở dĩ dự phòng rủi ro của Eximbank tăng là do liên quan đến cổ phiếu STB của Sacombank của 7 khách hàng nợ quá hạn khi thế chấp để vay mua cổ phiếu EIB với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng. HÐQT Eximbank cho biết, trong năm 2020, Ngân hàng sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.
Bên cạnh tăng trích lập dự phòng, ông Vinh còn cho biết, việc phải tái cơ cấu lại nợ cho khách hàng ảnh hưởng dịch cũng tác động lên lợi nhuận nửa đầu năm nay.
Thế nhưng, trước bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, việc phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu của Eximbank gặp nhiều khó khăn, nên khả năng dự phòng sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Tương tự, Kienlongbank cũng chưa xử lý được khoản nợ liên quan đến nhóm khách hàng thế chấp cổ phiếu STB để vay gần 1.896 tỷ đồng, nay đã trở thành nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), khiến nợ xấu tăng từ 1,3% lên 6,59% đến cuối tháng 6/2020.
Việc phải tăng dự phòng rủi ro 229% trong nửa đầu năm nay là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế giảm 30,4%, xuống mức 103 tỷ đồng.
Tại BAC A BANK, chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 tăng 45,6%, lên mức 166 tỷ đồng, do tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,68% lên 0,8%. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 353 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ 2019.
Với Nam A Bank, lãi trước thuế 2 quý đầu năm 2020 giảm 55% so với cùng kỳ 2019, chỉ còn gần 201 tỷ đồng, do Ngân hàng trích lập dự phòng gấp 6 lần, lên hơn 276 tỷ đồng, cho dù tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay đã giảm từ 1,97% hồi đầu năm về 1,66%.
Vietcombank có nợ xấu tăng từ 0,79% lên 0.83% trong nửa đầu năm nay, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%, kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tin dụng tăng 21% (tương đương 4.009 tỷ đồng).
Vì thế, lợi nhuận trước và sau thuế trong 6 tháng đầu năm giảm khoảng 3% so với cùng kỳ 2019, lần lượt đạt 10.982 tỷ đồng và gần 8.788 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ cao vượt trội trong hệ thống ngân hàng, đạt 254% (tức là cứ 100 đồng nợ xấu hiện có thì Vietcombank “để dành” được 254 đồng dự phòng tổn thất), nên khi được hoàn nhập sẽ giúp tăng mạnh lợi nhuận.
MB cũng đề cao tính an toàn khi mức tăng 40% chi phí dự phòng trong nửa đầu năm 2020, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng theo, lên đến 121%. Song, việc tăng trích lập dự phòng khiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của MB chỉ đạt 5%.
ACB tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao ở mức 144%, đánh đổi là chi phí dự phòng trong kỳ tăng tới 457%, khiến lợi nhuận trước thuế cũng chỉ tăng 5% trong nửa đầu năm nay.
Thực tế trên cho thấy, các ngân hàng đề cao tính an toàn khi nợ xấu có xu hướng tăng dần. Ðiều đáng nói ở đây là việc tăng trích lập dự phòng diễn ra khi nợ xấu “chưa được che dấu” bởi Thông tư 01 (ngân hàng đang cơ cấu và giãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch) chưa bộc lộ.