Dữ liệu kinh tế tốt xấu đan xen, phố Wall khởi đầu tháng 9 đầy thận trọng

Dữ liệu kinh tế tốt xấu đan xen, phố Wall khởi đầu tháng 9 đầy thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tháng 9 với một phiên giao dịch thận trọng hôm thứ Tư (1/9) khi nhận được các dữ liệu kinh tế trái chiều.

Hoạt động sản xuất của Mỹ bất ngờ tăng cao hơn trong tháng 8 trong bối cảnh đơn đặt hàng tăng trưởng mạnh.

Theo dữ liệu từ Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố hôm thứ Tư, chỉ số hoạt động của các nhà máy tại Mỹ đã nhích lên mức 59,9 vào tháng 8 từ mức 59,5 của tháng 7, trong khi trước đó giới chuyên gia dự báo chỉ số này giảm xuống mức 58,6.

Tất cả sáu ngành sản xuất lớn nhất, đặc biệt máy tính và sản phẩm điện tử, sản phẩm hóa chất và thiết bị giao thông vận tải đều báo cáo mức tăng trưởng vừa phải đến mạnh.

Bên cạnh đó, báo cáo việc làm của ADP hôm thứ Tư cho thấy, khu vực tư nhân đã tăng thêm 374.000 việc làm trong tháng 8, cao hơn so với mức 326.000 việc làm trong tháng 7 song vẫn thấp hơn nhiều so với mức 613.000 dự kiến. Báo cáo đầy đủ về thị trường lao động tháng 8 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu tuần này.

Hiện tại mỗi dữ liệu kinh tế mới đều được các nhà đầu tư nhìn nhận qua lăng kính rằng, liệu nó có thể thúc đẩy Fed rút nhanh các chương trình hỗ trợ nền kinh tế hay không. Tốc độ tăng trưởng việc làm thấp hơn so với kỳ vọng có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ trì hoãn các kế hoạch thắt chặt chính sách bơm tiền.

Cổ phiếu công nghệ trở thành điểm sáng chính trên thị trường đêm qua do đây là lĩnh vực có xu hướng được hưởng lợi từ môi trường tỷ giá thấp. Apple đóng cửa tăng 0,4%, Facebook, Amazon.com và Alphabet đều tăng từ 0,2% đến 0,7%.

Trong khi Dow Jones giảm nhẹ, S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận tăng điểm trong phiên đêm qua. Trong phiên giao dịch ngoài giờ khi, cả Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng đang được phủ xanh.

Kết thúc phiên 1/9, chỉ số Dow Jones giảm 48,2 điểm (-0,14%), xuống 35.312,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,41 điểm (+0,03%), lên 4.524,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 50,15 điểm (+0,33%), lên 15.309,38 điểm.

Chứng khoán châu Âu hầu hết đóng cửa ở mức cao hơn trong phiên khởi đầu tháng 9 trong bối cảnh những dấu hiệu suy yếu mới ở các nền kinh tế châu Á được bù đắp bởi hy vọng về các biện pháp kích thích mạnh hơn, trong khi các nhà đầu tư rũ bỏ lo ngại về lạm phát gia tăng.

Kết thúc phiên 1/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,14 điểm (+0,42%), lên 7.149,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 10,80 điểm (-0,07%), xuống 15.824,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 78,51 điểm (+1,18%), lên 6.758,69 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục được phủ xanh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9. Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt sau thông tin Thủ tướng Yoshihide Suga ự định giải tán hạ viện vào giữa tháng 9 và xem xét tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 17/10.

Chứng khoán Trung Quốc tiến bước nhờ kỳ vọng gia tăng về việc tiếp tục nới lỏng chính sách, trong đó các lĩnh vực tiêu dùng, bất động sản, tài chính và cơ sở hạ tầng dẫn đầu mức tăng.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục nới đà đi lên nhờ doanh số bán lẻ tăng tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 7, với các cổ phiếu công nghệ và tài chính dẫn đầu mức tăng.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ sự thúc đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ và dữ liệu xuất khẩu mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 1/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 361,48 điểm (+1,29%), lên 28.451,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,16 điểm (+0,65%), lên 3.567,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 149,30 điểm (+0,58%), lên 26.028,29 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 7,75 điểm (+0,24%), lên 3.207,02 điểm.

Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch đêm qua bất chấp đồng USD suy yếu mạnh, lãi suất trái phiếu diễn biến bất ổn. Tuy vậy, giá vàng tiếp tục duy trì trên ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD/ounce và có xu hướng đi lên trong bối cảnh ít việc làm hơn trong khu vực tư nhân được tạo ra trong tháng 8.

Kết thúc phiên 1/9, giá vàng giao ngay tăng 0,50 USD (+0,03%), lên 1.814,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 2,00 USD (-0.11%), xuống 1.813,80 USD/ounce.

Giá dầu đi ngang trong phiên ngày thứ Tư sau khi OPEC và các đồng minh nhất trí tuân theo chính sách tăng dần sản lượng hiện tại sau cuộc họp định kỳ.

Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết, OPEC+ đã hoàn thành mục tiêu loại bỏ lượng dầu dư thừa khỏi thị trường toàn cầu và điều quan trọng là giữ cho thị trường cân bằng.

Trong khi đó, mức độ thiệt hại đầy đủ đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ do bão Ida gây ra vẫn đang được xác lập.

Hơn 80% sản lượng dầu và khí đốt ở Vịnh Mexico vẫn đang bị gián đoạn, trong khi các nhà phân tích cảnh báo rằng việc khởi động lại các nhà máy lọc dầu ở Louisiana đang bị đóng cửa bởi cơn bão có thể mất vài tuần và khiến các nhà khai thác mất doanh thu hàng chục triệu USD.

Kết thúc phiên 1/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,09 USD (+0,1%), lên 68,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,04 USD (-0,05%), xuống 71,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan