Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư bớt lo âu

Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư bớt lo âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall phục hồi trong phiên ngày thứ Tư (5/5) nhờ lực kéo từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ và những dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực.

Báo cáo việc làm liên bang do ADP công bố hôm thứ Tư cho thấy, số việc làm trong khu vực tư nhân tại Mỹ tiếp tục khả quan trong tháng 4 khi các doanh nghiệp ồ ạt đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt, được hỗ trợ bởi khoản viện trợ lớn từ chính phủ và chương trình tăng cường tiêm chủng vắc-xin chống lại Covid-19.

Cụ thể, khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 742.000 việc làm trong tháng 4, đồng thời ADP đã điều chỉnh báo cáo tháng 3 tăng thêm 48.000 việc làm.

Dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động sẽ toàn diện hơn sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này.

Mặt khác, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ do IHS Markit nghiên cứu tăng lên mức 64,7 trong tháng 4, cao hơn mức 63,3 được giới chuyên gia dự đoán. Trong khi đó, chỉ số PMI phi sản xuất do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) nghiên cứu thấp hơn một chút so với kỳ vọng, đạt ở mức 62,7 điểm.

Hôm thứ Ba, thị trường chứng kiến làn sóng bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lưu ý về khả năng lãi suất có thể cần phải tăng một chút khi nền kinh tế phục hồi quá nóng. Tuy nhiên, vào tối ngày thứ Ba, bà Yellen giải thích, việc tăng lãi suất trong thời gian ngắn không phải là điều mà bà đang “dự đoán hay khuyến nghị”.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Dow Jones tăng 97,31 điểm (+0,29%), lên 34.230,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,93 điểm (+0,079%), lên 4.167,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 51,08 điểm (-0,37%), xuống 13.582,42 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch tốt nhất trong gần hai tháng vào thứ Tư, phục hồi sau đợt bán tháo mạnh trong phiên trước nhờ dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro đã tăng trong tháng 4.

Theo các nhà phân tích của UBS, dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở châu Âu đang tăng nhanh, dữ liệu vĩ mô của châu Âu cũng đang được cải thiện và mùa thu nhập quý I cho thấy các công ty có thể đối phó với chi phí đầu vào cao hơn.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 116,13 điểm (+1,68%), lên 7.039,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 314,30 điểm (+2,12%), lên 15.170,78 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 87,72 điểm (+1,40%), lên 6.339,47 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ gần như cả tuần này. Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Thiếu nhi.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng suy yếu.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 139,16 điểm (-0,49%), xuống 28.417,98 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua phục hồi khi lãi suất trái phiếu Mỹ bất giờ giảm, đồng thời giá dầu thô tăng trong những phiên gần đây cũng hỗ trợ giá vàng.

Kết thúc phiên 5/5, giá vàng giao ngay tăng 7,60 USD (+0,42%), lên 1.786,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 8,30 USD (+0,47%), lên 1.791,80 USD/ounce.

Giá dầu đi ngang trong phiên đêm qua sau hai ngày tăng bất chấp sự sụt giảm mạnh trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Thị trường cân nhắc về triển vọng nhu cầu nhiên liệu với tình trạng dịch bệnh vẫn gia tăng trên toàn thế giới.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết hôm thứ Tư, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 8 triệu thùng trong tuần trước, vượt kỳ vọng giảm 2,3 triệu thùng. Xuất khẩu tăng lên 4,1 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái và sản lượng tinh chế cũng ở mức cao nhất kể từ thời điểm trên.

Các hạn chế liên quan đến đại dịch ở Mỹ và một số khu vực của châu Âu đang được nới lỏng, nhưng dịch bệnh vẫn đang gia tăng ở các nhà nhập khẩu dầu thô lớn là Ấn Độ và Nhật Bản.

Kết thúc phiên 5/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,06 USD (-0,09 %), xuống 65,63 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,08 USD (+0,12%), lên 68,96 USD/thùng.

Tin bài liên quan