Dữ liệu kinh tế khả quan kéo tâm lý giới đầu tư lạc quan trở lại

Dữ liệu kinh tế khả quan kéo tâm lý giới đầu tư lạc quan trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa tăng điểm sau phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/1) đầy biến động trước thềm kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện ở bang Georgia, nơi sẽ xác định cán cân quyền lực ở Washington.

Ngày thứ Ba, chứng khoán Mỹ tập trung đến 2 cuộc bỏ phiếu quan trọng ở Georgia, vốn sẽ xác định liệu Đảng Cộng hòa có thể giữ quyền kiểm soát tại Thượng viện hay không. Trong số 100 ghế ở Thượng viện, Đảng Cộng hòa đã nắm chắc 50 ghế và Đảng Dân chủ có 48 ghế.

Nhiều người lo ngại rằng việc tăng thuế suất và có nhiều chính sách tiến bộ hơn có thể gây áp lực lên thị trường nếu Đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ, bởi Đảng Dân chủ hiện đã giành quyền kiểm soát Nhà Trắng và Hạ viện. Tuy nhiên, kết quả như vậy có thể tạo ra cơ hội cho một gói kích thích lớn hơn và nhanh hơn.

Ngoài ra, ngày 6/1, Quốc hội Mỹ sẽ có cuộc họp quan trọng để kiểm đếm phiếu đại cử tri, xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống.

Tâm lý thị trường cũng được thúc đẩy sau dữ liệu sản xuất tại Mỹ trong tháng 12 khả quan hơn dự kiến được công bố. Chỉ số PMI khu vực sản xuất của Viện quản lý nguồn cung (ISM) tăng từ 57,5 điểm vào tháng 11 lên 60,7 điểm trong tháng 12, mức cao nhất kể từ tháng 8/2018.

Mặt khác, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trên toàn cầu và các biện pháp phong tỏa mới do biến thể virus Covid-19 mới xuất hiện tiếp tục khiến nhà đầu tư lo ngại.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số Dow Jones tăng 167,71 điểm (+0,55%), lên 30.391,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,21 điểm (+0,71%), lên 3.726,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 120,51 điểm (+0,95%), lên 12.818,96 điểm.

Chứng khoán châu Âu trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi giới đầu tư tỏ ra hoang mang trước đợt phong toả mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở Anh.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 40,37 điểm (+0,61%), lên 6.612,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 72,52 điểm (-0,55%), xuống 13.651,22 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 24,36 điểm (-0,44%), xuống 5.564,60 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên cũng có phiên biến động trái chiều vào thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản giảm khi đón nhận tin chính phủ nhiều khả năng sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và khu vực lân cận để đối phó với tình trạng nhiễm Covid-19 gia tăng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu tiêu dùng khi các nhà đầu tư hy vọng có thêm các biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng của Bắc Kinh.

Chứng khoán Hồng Kông tăng phiên thứ năm liên tiếp, dẫn đầu là nhóm viễn thông sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán New York cho biết sẽ không hủy niêm yết ba công ty viễn thông Trung Quốc mà chính quyền Trump nhắm tới.

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục nhảy vọt nhờ triển vọng tích cực cho ngành công nghiệp chip và hy vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Kết thúc phiên 5/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 99,75 điểm (-0,37%), xuống 27.158,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,72 điểm (+0,73%), lên 3.528,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 177,05 điểm (+0,64%), lên 27.649,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 46,12 điểm (+1,57%), lên 2.990,57 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Đà tăng trên thị trường kim loại quý được củng cố bởi đồng USD yếu đi trước cuộc bầu cử giành ghế Thượng viện ở Georgia.

Kết thúc phiên 5/1, giá vàng giao ngay tăng 8,30 USD (+0,43%), lên 1.950,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 7,80 USD (+0,40%), lên 1.954,40 USD/ounce.

Giá dầu tăng vọt trong phiên ngày thứ Ba sau khi có tin tức Ả Rập Xê-út tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu của mình, trong khi căng thẳng chính trị quốc tế âm ỉ xung quanh việc Iran bắt giữ một tàu Hàn Quốc.

Theo đó, Ả Rập Xê-út sẽ cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện bổ sung 1 triệu thùng/ngày vào tháng 2 và tháng 3. Việc cắt giảm này là một phần của thỏa thuận nhằm thuyết phục hầu hết các nhà sản xuất từ OPEC+ giữ sản lượng ổn định trong bối cảnh đại dịch.

Ngoại ra, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 1/1 xuống khoảng 491,3 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất đều tăng, dữ liệu từ nhóm công nghiệp của Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy hôm thứ Ba.

Kết thúc phiên 5/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,31 USD (+4,9%), lên 49,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,51 USD (+4,9%), lên 53,60 USD/thùng.

Tin bài liên quan