Dữ liệu kinh tế càng mạnh mẽ, giới đầu tư lại càng thêm lo lắng

Dữ liệu kinh tế càng mạnh mẽ, giới đầu tư lại càng thêm lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lại thêm một phiên ảm đạm trong ngày thứ Năm (3/6) khi những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ càng làm lo ngại về lạm phát đè nặng tâm lý thị trường.

Như thường lệ, đầu ngày thứ Năm, thị trường tập trung vào báo cáo thất nghiệp do Bộ Lao động Mỹ công bố. Theo đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 29/5/2021 là 385.000 người, thấp hơn một chút so với con số 393.000 dự báo từ Dow Jones.

Đây cũng là tuần đánh dấu lần đầu tiên số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống dưới mức 400.000 đơn kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, một báo cáo khác do ADP công bố vào ngày thứ Năm cho thấy, tăng trưởng việc làm tư nhân trong tháng 5 tại Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 1 năm khi các công ty thuê gần 1 triệu lao động.

Tổng số lao động được thuê trong tháng là 978.000 người, tăng vọt so với mức 654.000 người hồi tháng 4 và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.

Dữ liệu mạnh mẽ có thể buộc sẽ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thu hồi các mức hỗ trợ khủng hoảng của mình sớm hơn dự kiến, bất chấp những cam kết ngược lại của các quan chức ngân hàng trung ương trong thời gian gần đây.

Thêm vào những lo ngại về việc nới lỏng hỗ trợ là thông báo của Fed vào thứ Tư rằng họ sẽ cắt giảm chương trình tín dụng doanh nghiệp khẩn cấp.

Các nhà phân tích tại Bank of America cảnh báo rằng tin tức này là "rất tiêu cực đối với các tài sản rủi ro" và Fed đang tiến gần hơn đến việc bình thường hóa chính sách tiền tệ so với tưởng tượng của thị trường.

Mặt khác, thị trường nhận được hỗ trợ khá lớn trong phiên sau tin tức Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị hủy bỏ đề xuất tăng thuế doanh nghiệp của mình trong các cuộc đàm phán với đảng Cộng hòa. Các nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters, đây sẽ là một nhượng bộ lớn của phe Dân chủ nhằm nỗ lực để đạt được thỏa thuận về kế hoạch cơ sở hạ tầng.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones giảm 23,34 điểm (-0,07%), xuống 34.577,04 điểm. Chỉ số S&P giảm 15,27 điểm (-0,36%), xuống 4.192,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 141,82 điểm (-1,03%), xuống 13,614,51 điểm.

Chứng khoán châu Âu trái chiều trong phiên ngày thứ Năm dù dữ liệu tăng trưởng kinh doanh tích cực của khu vực đồng euro và dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ nâng cao tâm lý thi trường trong một ngày giao dịch buồn tẻ.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,65 điểm (-0,61%), xuống 7.064,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 29,96 điểm (+0,19%), lên 15.632,67. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 13,60 điểm (-0,21%), xuống 6.507,92 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ tình hình triển khai tiêm chủng khả quan.

Chứng khoán Trung Quốc đóng cửa giảm điểm sau khi một báo cáo cho thấy hoạt động dịch vụ tăng trưởng chậm lại trong tháng 5.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu lớn và lực mua ròng mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 111,97 điểm (+0,39%), lên 29.058,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,93 điểm (-0,36%), xuống 3.584,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 331,59 điểm (-1,13%), xuống 28.966,03 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 23,20 điểm (+0,72%), lên 3.247,43 điểm.

Giá vàng đêm qua giảm sâu bất chấp triển vọng kinh tế Mỹ ngày càng sáng sủa. Vàng gặp bất lợi khi USD tăng giá trên diện rộng, lợi suất trái phiếu tăng.

Kết thúc phiên 3/6, giá vàng giao ngay giảm 37,40 USD (-1,96%), xuống 1.870,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 36,60 USD (-1,92%), xuống 1.873,30 USD/ounce.

Giá dầu duy trì ổn định trong phiên ngày thứ Năm trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ. Tuần trước, tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng so với dự kiến giảm 2,4 triệu thùng, trong khi tồn trữ xăng tăng 1,5 triệu thùng và tồn trữ sản phẩm chưng cất tăng 3,7 triệu thùng.

Kết thúc phiên 3/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 68,81 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,04 USD (-0,05%), xuống 71,31 USD/thùng.

Tin bài liên quan