Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, giải quyết các tình huống phát sinh. Ảnh: Hồ Hạ.

Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, giải quyết các tình huống phát sinh. Ảnh: Hồ Hạ.

Tìm giải pháp gỡ khó cho du lịch trước ảnh hưởng của dịch nCoV

Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng” chưa từng có do tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (dịch nCoV) gây ra. Do đó, chiều 5/2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đối với du lịch Việt Nam”.

Lữ hành “than trời”!

Mở đầu Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Phó xhủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin: Tại Việt Nam, du lịch ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019, đầu tháng 1/2020 đã lập tức rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh nCoV. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… rất phổ biến. Ước tính, thiệt hại đối với ngành kinh tế xanh là hàng chục ngàn tỷ đồng.

Không chỉ lượng khách du lịch giảm trong thời điểm có dịch mà ngay cả khi dịch kết thúc thì du lịch cũng là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, sớm nhất, gặp nhiều khó khăn nhất. Làm thế nào để tận dụng sức lao động, trí tuệ tập thể của toàn ngành… để cùng phòng, chống dịch, vừa hạn chế tác động tiêu cực của dịch đối với du lịch trong thời điểm đang có dịch và tập trung khôi phục phát triển du lịch ngay khi dịch qua đi thì cần phải tính ngay từ bây giờ.

Theo nhận định của Hiệp hội du lịch Việt Nam, dịch nCoV gây ra đã tác động lớn đến ngành du lịch. Nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20-30%, thậm chí có địa phương đã giảm tới 60-70%.

Trao đổi tại hội nghị, Phó giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Quốc tế Thái Sơn (Nghệ An) cho biết, tình trạng khách hủy tour nhiều, đòi tiền đặt cọc. Các chương trình tour hủy tới 95% vì du khách lo sợ dịch nCoV.

Vừa qua, đơn vị có đoàn 60 khách đi Thái Lan nhưng có tới 50 người ký xác nhận không đi vì lo sợ dịch. Còn các đoàn đến Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng báo hủy chương trình vì thông báo của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh yêu cầu khai báo những học sinh vừa đi du lịch Khánh Hòa để có biện pháp theo dõi phòng dịch. Chính vì vậy, một loạt phụ huynh báo hủy chương trình các điểm du lịch có bệnh nhân ghi nhận nhiễm nCoV.

Khách hàng đòi tiền cọc, nhưng tiền đó công ty cũng đã chuyển cho đối tác để giữ chỗ, mà đối tác lại không đồng ý hoàn phí đặt vé mà làm theo hợp đồng. Đó cũng là nỗi niềm của nhiều doanh nghiệp lữ hành.

Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch của Lào Cai thông tin: Hiện nay, có khoảng 30% đến 50% khách sạn tại Lào Cai bị hủy dịch vụ, di lịch tỉnh đang thiệt hại rất lớn. Sau dịch, du lịch Lào Cai còn tiếp tục khó khăn vì rất khó trông chờ vào nguồn khách du lịch từ Trung Quốc. Vì vậy, ngay từ bây giờ, du lịch Lào Cai đã chuyển hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và các thị trường khác.

“Nhưng vấn đề là làm sao kích cầu và chống khủng hoảng ngay sau dịch. Cần có giải pháp để có sự phối hợp tốt nhất giữa các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hãng vé máy bay để giữ chân du khách trong thị trường nội địa và các thị trường quốc tế chúng ta đang hướng tới. Vì các nước ở ngay cạnh chúng ta cũng sẽ có những chính sách kéo khách về với họ sau dịch”, ông Tuyên chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng cho hay, khách đến Quảng Ninh giảm đến 90% mặc dù hiện nay Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào. Dịch vụ tham quan Hạ Long, cùng thời điểm này, năm trước đón 12.000 lượt người/ngày, hiện nay chỉ còn 3.000 lượt/ngày và sắp tới còn thấp nữa. Đang có dịch, khách sạn có thể cho lao động tam thời nghỉ việc nhưng có những dịch vụ vẫn phải nuôi lao động như như đội tàu du lịch hơn 500 chiếc với trên 4.000 lao động, họ vẫn phải trực, phải trả lương, trong khi không hoạt động.

Cần xây dựng nhiều chiến dịch kích cầu

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc HanoiRedtour cho biết: "Rất nhiều khách quốc tế ngỡ ngàng khi đến các điểm di tích trong ngày 4 -5/2 bị đóng cửa. Thực tế, chúng ta hạn chế tụ tập đông người và tổ chức lễ hội theo khuyến cáo của ngành y tế và không đón khách từ thị trường Trung Quốc và vùng có dịch là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, các đoàn khách của thị trường khác, chúng ta không cấm. Khách lẻ và khách đoàn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch nCoV thì hoàn toàn có thể tham quan như bình thường".

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA travel, Việt Nam mới chỉ thông báo có dịch và cấm việc đón khách từ vùng có dịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng đang chung tay với cả nước chủ động phòng chống dịch. Thái Lan, quốc gia này có số người nhiễm nCoV cao hơn nhưng đến nay các hoạt động đón khách vẫn được diễn ra bình thường bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả.

Cùng với kiến nghị sớm mở lại cửa các điểm di tích, danh thắng khi đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, các doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị đối tác hàng không có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ hủy, hoàn vé hoặc lùi thời hạn khởi hành. 

Khẳng định dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch và du lịch sẽ còn tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng sau dịch, tại hội nghị, các đại biểu 3 miền cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp trong chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của dịch bệnh cũng được đề xuất như chung sức, phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu ngay sau khi dịch kết thúc, chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa. Những thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn đang diễn ra tương đối bình thường cần đẩy mạnh hoạt động…

Cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý.

Ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Avitour cho rằng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam như chính sách visa thông thoáng, thuế VAT, tiền điện nước, thuê đất, giãn nợ ngân hàng…

Tin bài liên quan