Kích cầu du lịch không chỉ là giảm giá

Không chỉ giảm giá, mà phải nâng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và xu hướng của khách hàng…, thì chương trình kích cầu du lịch mới đạt hiệu quả lâu dài.
Du khách check in đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai).

Du khách check in đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai).

Chi ít, vẫn được hưởng dịch vụ “hoàng gia”

Kể từ khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, những cụm từ “giảm giá”, “khuyến mãi”, “kích cầu du lịch” được nhiều người quan tâm hơn. Kích cầu du lịch cũng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động của ngành kinh tế xanh.

Tuy nhiên, việc một số du khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ tại một vài cơ sở lưu trú không như quảng cáo thời gian gần đây khiến không ít người e ngại rằng, giảm giá đồng nghĩa với giảm chất lượng.

Là “người trong cuộc”, ông Lương Duy Ngân, Chủ tịch HĐQT Newstar Group chia sẻ: “Khuyến mãi thực chất là điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh. Trước đây, khách phải chi nhiều tiền, thì nay, họ chi ít tiền hơn mà vẫn được hưởng thụ những dịch vụ “hoàng gia” vốn chỉ dành cho khách nước ngoài hoặc giới thượng lưu”.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp hút khách bằng cách giảm giá và bớt dịch vụ. Theo ông Ngân, muốn làm vậy, thì doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin để khách hàng biết và lựa chọn. “Nếu doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, sẽ phải chịu trách nhiệm và hậu quả lớn nhất là du khách sẽ tẩy chay, quay lưng”, ông Ngân nhấn mạnh. Bên cạnh đó, người đứng đầu Newstar Group khuyên du khách tìm hiểu kỹ, chọn các nhà cung cấp dịch vụ uy tín để tránh “tiền mất, tật mang”.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Thuận, chủ đầu tư nhà hàng The Deck House An Bang Beach (Hội An, Quảng Nam) cũng khẳng định, kích cầu du lịch không phải là giảm giá, giảm chất lượng, mà phải tạo cơ hội tốt nhất để du khách lựa chọn dịch vụ. “Phải giữ chất lượng, bởi đó là uy tín, là thương hiệu, nhưng chí ít cũng phải bán giá hòa vốn để doanh nghiệp trụ vững. Khuyến mãi nhưng chất lượng kém là điều tối kỵ nếu muốn đi đường dài”, ông Thuận bày tỏ.

Tích hợp ưu đãi, nâng giá trị dịch vụ

Có thể thấy, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp du lịch phản ứng khá nhanh, nên giá các chương trình kích cầu đã xuống rất thấp. Tuy nhiên, để kích cầu du lịch thực sự mang lại hiệu quả, theo ông Ngân, cần có sự chỉ đạo thống nhất.

Ông Ngân phân tích, khi khuyến mãi, giảm giá, khách hàng được hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả. Trong khi đó, khách hàng rất hay so sánh giá và thường có tâm lý chờ giá giảm sâu mới đi du lịch. Vì vậy, nếu không có sự chỉ đạo thống nhất, có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phá giá sản phẩm, dịch vụ. “Nếu chúng ta làm không tốt, sẽ lợi bất cập hại”, ông Ngân cảnh báo.

Về cách thức thực hiện, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho rằng: “Các doanh nghiệp không nên tách riêng từng dịch vụ để giảm giá, mà cần tích hợp thành các gói combo, tour trọn gói ưu đãi và nâng cao giá trị của từng dịch vụ, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách”.

Bên cạnh đó, CEO VietSense Travel đề xuất, cần có thông điệp rõ ràng từ Chính phủ, Tổng cục Du lịch, các địa phương là du lịch nội địa đang an toàn. Cùng với đó, phải xây dựng chiến dịch trên diện rộng để quảng bá toàn quốc. Các địa phương cũng cần tìm cách tạo dấu ấn riêng. Ngoài ra, có thể tạo các cổng thông tin chính thức để khách du lịch truy cập, tìm hiểu thông tin và các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nổi bật trong nước.

Tái cơ cấu sản phẩm, thị trường khách

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, kích cầu du lịch có thể thực hiện bằng cách: giảm giá, giữ nguyên chất lượng hoặc không giảm nhiều về giá, nhưng tặng thêm cho du khách dịch vụ, quà tặng... “Các doanh nghiệp du lịch phải chấp nhận “hy sinh” trong giai đoạn kích thích thị trường để hình ảnh điểm đến tốt hơn, hấp dẫn hơn. Có như vậy, sau kích cầu mới có sự tăng trưởng để bù lại chi phí cho chương trình kích cầu”, ông Bình nói.

Cùng với chương trình kích cầu, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhấn mạnh, tái cơ cấu sản phẩm và thị trường khách là điều cần thiết hiện nay, bởi Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng đi du lịch của du khách trong nước và quốc tế. 

Kết quả cuộc khảo sát đối với gần 2.000 du khách nội địa hậu Covid-19 của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho thấy, từ cuối tháng 4, sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng, hơn 53% người khảo sát cho biết sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này; gần 50% lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày); 77% ưu tiên lựa chọn các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng.

Đáng chú ý, 87% du khách nội địa được khảo sát mong muốn nhận được ưu đãi trực tiếp vào giá dịch vụ; gần 90% cho biết sẽ đi theo gia đình hoặc nhóm bạn bè. Đặc biệt, 44% cho biết sẽ tiếp tục lựa chọn cách đặt phòng khách sạn hoặc tour du lịch thông qua nền tảng trực tuyến và đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh chưa thể đón khách quốc tế, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký TAB cho rằng, chương trình kích cầu du lịch nội địa cần được truyền thông theo hướng coi đây là “cơ hội mang lại lợi ích” cho người Việt Nam để khám phá vẻ đẹp của đất nước; thúc đẩy truyền thông về dịch vụ, điểm đến du lịch an toàn và an ninh cho du khách. Đồng thời, cần cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, hướng tới du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ. Các doanh nghiệp du lịch cần hướng tới thanh toán điện tử, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), quảng bá qua mạng xã hội…

“Đặc biệt, các địa phương chủ động xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần. Điều tiết giá kích cầu thông qua miễn, giảm các loại phí, lệ phí. Ví dụ, phí tham quan sẽ miễn trong 1 - 2 tháng đầu, sau đó giảm 50% đến hết năm 2020. Cần có sự vào cuộc kết hợp của chính quyền địa phương và toàn ngành du lịch một cách đồng bộ, đảm bảo kích cầu du lịch giá rẻ đi kèm với chất lượng”, ông Chính nhấn mạnh.

Tin bài liên quan