Gọi bình minh thức giấc

Gọi bình minh thức giấc

(ĐTCK) Tôi thường bị ám ảnh bởi những buổi chiều. Nhất là những khi xa nhà. Mà tôi thì xa nhà từ sớm. Những năm tháng trong trẻo nhất của tuổi thanh xuân là dành cho những chuyến đi, mở cửa tâm hồn mình ra và để từng hơi thở nhân gian ùa vào.

Đi mải miết, ngày này qua tháng khác. Những cung đường không tính bằng ki-lô-mét mà tính bằng số giờ đi bộ. Đi, và luôn tràn ngập một cảm giác mến thương cuộc đời, biết ơn số phận vì đã được sinh ra.

Thế nhưng, xa nhà nhiều như thế mà chưa khi nào không thấy chênh chao trong những buổi chiều muộn.

Những buổi nhập nhoạng, ở một nơi nào đó, một mình, giữa những người xa lạ, và nhìn thấy người ta tất tả trở về nhà, nhìn thấy những ngọn khói bay lên trên các mái nhà, nghe tiếng những con ngỗng kiu kíu gọi nhau, tiếng mõ trâu, tiếng xe cộ gầm gừ sốt ruột vì tắc đường, những bà mẹ mồ hôi mồ kê nhễ nhại quát con…

Tất cả những gì cho thấy rằng, một ngày đã kết thúc rồi đấy, đều mang đến một cảm giác buồn bã y như đang mất đi cái gì.

Và cũng vì thế, tôi luôn thấy mình ngập trong một thứ hạnh phúc trong suốt, tận cùng, khi được ngắm những bình minh.

Bình minh của địa cầu có khác gì bình minh của một đời người. Nó mở ra những hy vọng. Luôn mở ra những hy vọng. Nhất là đối với những ai đã từng trải qua sóng gió, thăng trầm trồi sụt, thách thức, sống một cách vất vả, nỗ lực.

Chúng tôi quyết định lên Chiêu Lầu Thi và sẽ ngủ lại dưới chân một ngọn núi, trong tích tắc, chỉ vì một chi tiết mà các cô gái địa phương coi như một điểm trừ khi nói về Chiêu Lầu Thi, đó là: Trên đó hoàn toàn không có điện lưới, cũng không có sóng điện thoại.

Đã hàng chục năm nay, chúng ta đi qua mỗi ngày mà chưa một giây phút nào rời khỏi chiếc smartphone.

Nó thông minh tới nỗi càng lúc càng chiếm mất nhiều thời gian, càng lúc càng chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong cuộc sống, công việc của chúng ta.

Có đôi khi, tôi muốn tập trung làm một việc gì đó, và để điện thoại ở chế độ máy bay, hoặc đơn giản hơn, tôi out khỏi Messenger, Zalo, Viber, thì đến khi tôi mở trở lại, tin nhắn đã đầy ặc trong các box ứng dụng.

Gọi bình minh thức giấc ảnh 1

Cảm giác như tất cả những người liên quan đều nháo nhào vì không có cách nào liên lạc được với mình, và hẳn là đã hình dung đến bao nhiêu hiểm hoạ, phiền toái mà có thể mình đang gặp phải.

Vậy thì, biến mất khỏi thế giới, thình lình, không dấu vết, chẳng phải sẽ là điều tuyệt vời lắm sao? Chỉ vì cái ý nghĩ có ít nhiều điên rồ ấy mà chúng tôi quyết định leo núi khi trời đã ngả chiều.

Đường lên Chiêu Lầu Thi không quá xa, chỉ hơn hai chục ki-lô-mét. Chúng tôi rời trung tâm xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì, Hà Giang) lúc gần 5 giờ chiều.

Quãng đường ấy, không ngờ đã khiến chúng tôi phải tiêu hao mất đến 4 tiếng đồng hồ, trên một chiếc xe cồng kềnh, tốc độ leo núi tương đương bằng… người đi bộ.

Chiêu Lầu Thi, tiếng Quan Hoả có nghĩa là chín tầng thang. Vốn dĩ nó có chín tầng thang thật, kể từ vài chục năm trước, khi người địa phương leo lên chỉ bằng đường mòn.

Nhưng khoảng 10 năm trước, đường lên Chiêu Lầu Thi được xẻ từ núi. Những dòng nước lớn vào mùa mưa đã bào mòn mặt đường, đào những cái hố, rãnh rất sâu. Chiếc xe bò lồm cồm như một con cua, và lắc kinh hoàng khi sa vào những ổ voi ổ trâu trên mặt đường.

Điều bất ngờ nhất là sương mù đã bủa vây chúng tôi trong chớp mắt, ngay cả khi trời còn chưa tối hẳn.

Bên trái là vách núi, bên phải là vực sâu, thỉnh thoảng chúng đổi chỗ cho nhau, vực nhảy sang bên trái, vách núi dựng sang bên phải. Những cái cây cổ thụ trơ trụi lá nhô lên sừng sững, trong khi bóng đêm đang dần dần liếm mất những phần sáng còn lại của ngày và biển sương mù mỗi lúc một dày đặc tứ phía.

Chúng tôi hoàn toàn không hình dung được rằng, chẳng mấy chốc nữa, ngay cả con đường nhờ nhờ trắng trắng mà bốn bánh xe đang bò đi cũng sẽ biến mất. Vẻ đẹp quyến rũ, ma mị, kì ảo của những vị “thần cây” giữ chặt chân bốn bánh xe lại.

Dừng xe, mở toang cửa, và tất cả đứng dàn hàng ngang trên mép vực, sững sờ đến nghẹt thở trước vẻ đẹp của hàng chục, hàng trăm cái ngọn cây khô khốc, đen đúa, dường như đã đứng đó hàng thế kỷ, vừa như im lìm vừa như đong đưa lay động trong những cơn gió đang cuốn màn sương dày và nặng trôi đi cuồn cuộn.

Tôi thực sự bị ám ảnh bởi những cái cây không lá, cành tua tủa nguều ngoào, đứng như những tội đồ bị thần núi chôn chân trong biển sương dày đặc u tối bí hiểm.

Đường càng lúc càng khó đi, vì trời tối, và vì sương mù dày che tầm nhìn chỉ còn khoảng 4 - 5 mét trước đầu xe.

Gọi bình minh thức giấc ảnh 2

Có những đoạn một người phải nhảy xuống, dò dẫm tìm chỗ để lựa bánh xe, từng cen-ti-mét. Một người đàn ông đi xe máy ngược chiều từ trên núi xuống, chúng tôi túm lấy hỏi: Còn xa không?

Ông này nói: Sắp đến rồi. 5 cây nữa thôi. Nhưng đường khó đi hơn đấy.

Ôi chao ôi! Tôi chợt nghĩ, 5 ki-lô-mét ở cao tốc thì chiếc xe này, nếu phi với tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, sẽ mất bao nhiêu phút?

Nhưng ở đây, chúng tôi đang bò trên từng mét đường, thì không biết đến lúc nào.

Không có người ở, hoàn toàn không. Căn nhà duy nhất chúng tôi gặp trên đường đã nằm ở sau lưng.

Trong căn nhà ấy có hai phụ nữ và một em bé, tất cả đang quây quanh một cái bếp lửa. Không điện, cũng không có đèn dầu. Cái bếp lửa đỏ le lói lập loè giữa núi rừng mịt mùng tối đen mênh mông vô tận, không khác gì một con… đom đóm.

Về sau, khi đã xuống núi, mọi người hỏi tôi tối hôm trước nghĩ gì mà im thin thít thế? Hay là tôi sợ quá nên chẳng nói nổi câu nào?

Tôi không sợ, tôi chỉ bị ngợp trong một thứ cảm giác kỳ lạ. Mẹ thiên nhiên luôn trao tặng chúng ta những điều kỳ diệu mà nếu như không nhấc mình khỏi những ràng buộc thường hằng, sẽ không có cách nào cảm nhận được.

Tôi đang ở bên cạnh những người bạn, chúng tôi cùng va đầu côm cốp vào thành xe, cùng thở những hơi thở phào khi xe vượt qua được một khúc cua mà không biết vực ở bên trái hay bên phải, bánh xe còn cách mép vực bao nhiêu cen-ti-mét…

Tôi đang ở giữa rừng núi, của tôi. Rừng núi đã nuôi tôi lớn lên, trao tặng những ước mơ. Vậy mà có những lúc như thế này, tôi trở nên bé nhỏ, lẫn vào, chìm nghỉm, biến mất giữa rừng. Hình dung ấy khiến tôi lặng đi.

9 giờ tối, một ánh đèn pin chợt loé lên ngay trước mặt.

Chẳng ai bảo ai, tất cả đều reo lên như trẻ con đang lạc đường bỗng nhiên nhìn thấy mẹ.

Bên ngoài rất lạnh. Không cóInternet nên ứng dụng nhiệt kế trên điện thoại cũng chẳng dùng được. Tôi đoán chỉ chừng 7 - 8 độ. Gió mạnh.

Tôi muốn thốt lên một câu: Hãy đi, hãy rời khỏi những chiếc ghế êm ái và đặt chân xuống đất đai này. Bạn sẽ thấy, nơi chúng ta gọi là thiên nhiên, thật đẹp đẽ biết ngần nào.    

Sương mù dày, nặng, bay như mưa. Chủ nhà chạy máy nổ, ánh điện vàng vọt vừa đủ soi lối đi ướt sũng, lõng bõng những vũng nước.

Bên bếp lửa cháy bằng những gộc củi đỏ rực, một nồi cơm bằng gang đang toả ra mùi thơm của cơm mới, một con gà kẹp trong chiếc kẹp sắt dựng bên cạnh đang sem sém cháy.

Chủ nhà là hai vợ chồng người Dao, cùng cả con trai, con gái, lo một bữa cơm cho năm người.

Cái gì cũng phải mang từ dưới huyện, dưới xã lên, và đi đúng con đường mà chúng tôi vừa đi. Bọn tôi uống rượu ngô, bên bếp lửa cháy bập bùng.

Không thấy thiếu gì cả. Rượu ngon, bếp lửa ấm, và toàn bộ thế giới thì đang bỏ rơi mấy con người, hay là mấy con người này bỏ quên thế giới, cũng không biết nữa.

Đêm ấy, tôi đã cuộn tròn trong không phải một mà là hai chiếc chăn bông dày cộp, quên biến chiếc điện thoại đã hết pin nằm như một cục đá trong đáy ba lô, ngủ một giấc như là được sinh ra thêm lần nữa, trên một đỉnh núi, và dưới nhiều đỉnh núi.

5 giờ sáng, chúng tôi bò dậy đập cửa gọi nhau leo núi.

Tôi luôn có một niềm hưng phấn tột độ khi được đón những tia sáng đầu tiên của mặt trời. Dù là ở biển, trên núi, giữa rừng, hay vùng nông thôn, những tia sáng đầu tiên của mặt trời luôn mang tới một niềm xúc động đặc biệt, không lần nào giống lần nào.

Phải đi thêm 2 ki-lô-mét nữa mới tới chân núi mà phía cao tít, là đỉnh Chiêu Lầu Thi. Ông già người Dao họ Triệu nói, muốn leo núi thì cứ leo thôi. Trời cho xem mặt thì được xem, mà ông ấy không vui, không thích thì chịu.

Leo lên một ngọn núi, tụt xuống chân, và leo lên ngọn thứ hai. Cái đỉnh thép bé tí, nhọn hoắt, bên sườn khắc dòng Chiêu Lầu Thi, 2.402 m, nó nằm trên đấy.

Trời rất lạnh. Nhưng nhờ giời, leo núi bở hơi tai đã khiến cơ thể nóng lên đến độ chỉ thấy… mát.

Tôi lên đến đỉnh Chiêu Lầu Thi đúng lúc mặt trời xiên những tia sáng mảnh mai, rực rỡ, kiêu hãnh của nó qua những đám mây. Và từ từ, từ từ, từng giây một, cái hành tinh lộng lẫy nhất vũ trụ đã nhô lên, trọn vẹn, đẹp đến sững sờ.

Tôi ngồi bên cái tháp nhọn, mặt hướng về phía mặt trời, nhắm mắt lại.

Tôi nghe thấy đâu đó quanh đây hơi thở của đất đai, của cây cối, của vực sâu. Nghe thấy đâu đây, những lời thương mến mà mẹ thiên nhiên đang dành cho loài người.

Nghe thấy đâu đây, rất gần, tiếng của những loài côn trùng đang thức dậy và chào ngày mới bằng những giai điệu thần kì bất tận…

Tôi muốn thốt lên một câu: Hãy đi, hãy rời khỏi những chiếc ghế êm ái và đặt chân xuống đất đai này. Bạn sẽ thấy, nơi chúng ta gọi là thiên nhiên, thật đẹp đẽ biết ngần nào.

Khi chúng tôi xuống núi thì mặt trời lại đã biến mất sau khi nó toả những tia sáng tuyệt diệu. Đỉnh Chiêu Lầu Thi đã ở sau lưng, sau những mịt mù trĩu nặng của sương và mây. Những cái cây gộc cô đơn trong đêm tối hôm trước cũng ở lại.

Cả những bụi mâm xôi rạng rỡ rụng đầy gốc những quả đỏ mọng, ngọt lịm. Cả những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi với cành lá sum suê, trên đấy một cô Dao áo đỏ đang hái những nụ non về sao, để dành uống Tết...

Tin bài liên quan