Hoàn phục môi trường sau khai thác mỏ là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý khoáng sản rất nhiều năm. Tuy nhiên, theo quan điểm kinh tế mới, tùy từng mỏ, có thể cải tạo ở mức độ thích hợp để dùng cho du lịch. Các mỏ chưa khai thác hay đang khai thác cũng cần có những giải pháp quy hoạch và cải tạo thích hợp để sau khai thác có thể chuyển sang hoạt động kinh tế du lịch.
Trên thế giới, nhiều nước đã gắn kết hoạt động sau khai thác và chế biến khoáng sản với hoạt động du lịch.
Mỏ muối Wieliczka
Mỏ muối Wieliczka (Wieliczka Salt Mine) nằm ở TP. Wieliczka trong Khu đô thị Krakow phía Nam Ba Lan. Mỏ muối này được khai thác từ thế kỷ 13 và hoạt động liên tục cho đến năm 2007. Đây là một trong những mỏ muối hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới và ngày nay nó là một điểm đến du lịch thu hút 1,2 triệu du khách hàng năm.
Mỏ muối Wieliczka được kiến tạo như một thành phố thu nhỏ dưới lòng đất. Tại đây, du khách sẽ phải trầm trồ trước vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, cũng như bàn tay tài hoa của con người. Những căn phòng, điện thờ, nhà thờ nhỏ, cùng mọi vật dụng của thợ mỏ trong vòng 700 năm qua, đã nói lên tất cả về cuộc sống, công việc của những người thợ mỏ. Lối tham quan dành cho du khách chỉ chiếm 2% chiều dài của hầm mỏ, nhưng cũng đã dài khoảng 3,2 km.
Làm việc và sinh hoạt như một thợ mỏ là một trải nghiệm thú vị với du khách
Mỏ thiếc Malaysia
Dưới thời thuộc địa, Malaysia có 2 thứ mà các nước phương Tây nhòm ngó, đó là cảng biển Malacca và các mỏ thiếc. Hiện ở ngoại ô Kuala Lumpur còn lưu giữ một bảo tàng mini mỏ thiếc với những hình ảnh, hiện vật về một thời thực dân khai thác thuộc địa, tương tự phu mỏ của Việt Nam trong các khu mỏ than, mỏ vàng dưới thời đô hộ của Pháp. Nhiều mỏ thiếc sau khai thác, bãi thải và các moong khai thác đã được dùng cho hoạt động du lịch. Kinh tế du lịch trong các mỏ sau khai thác là một nguồn thu nhập đáng kể và rất độc đáo của đất nước Malaysia.
Khu chế xuất dầu khí Brunei
Tour du lịch Việt Nam sang Brunei ghi như sau: “Tham quan Trung tâm chế xuất dầu khí Oil Field cách thủ đô khoảng 80km về phía Tây Nam với những giàn máy khai thác dầu nằm rải rác trên bãi cỏ xanh. Trên đường đi, quý khách sẽ được ngắm nhìn những bãi biển đẹp đầy cát trắng và chiêm ngưỡng cảnh đồng quê ở Tutong. Tham quan Đài kỷ niệm Billionth Barrel, Trung tâm dầu lửa Seria - OGDC (Oil & Gas Discovery Center). Du khách có dịp khám phá quá trình khai thác dầu và thỏa thích tham gia các trò chơi thật trí tuệ và khoa học…”.
Rõ ràng, du lịch Brunei đã gắn hoạt động khai thác chế biến dầu khí với một tour du lịch cụ thể. Nếu một chương trình du lịch Brunei ba ngày thì tham quan khu chế tác dầu khí đã chiếm 1/3 thời gian.
Tiềm năng du lịch mỏ Việt Nam
Đề cập đến câu chuyện này có lẽ phải bắt đầu từ Quảng Ninh. Nơi đây không chỉ có nhiều thắng cảnh đẹp như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu di tích danh thắng Yên Tử mà còn đang sở hữu nhiều mỏ than lớn nhỏ có lịch sử từ những năm cuối thế kỷ 19. Hiện ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với các công ty mỏ triển khai xây dựng và giới thiệu với du khách chương trình du lịch trải nghiệm với nghề thợ mỏ.
Mỏ than Cao Sơn được lựa chọn làm điểm đến cho du khách trải nghiệm. Hành trình tour này sẽ bắt đầu từ việc tham quan phòng truyền thống của mỏ, tìm hiểu về lịch sử ngành than, quá trình phát triển của mỏ Cao Sơn… Tiếp đó, du khách được xe đặc chủng đưa lên tham quan mỏ than, trải nghiệm công việc của người thợ mỏ.
Với mỏ than Na Dương, đây là khu mỏ được khai thác lộ thiên từ năm 1959. Đặc biệt, mỏ than này còn là một khu di sản địa chất độc đáo. Trong quá trình khai thác than, đơn vị khai thác đã phát hiện được nhiều hóa thạch động thực vật với khối lượng lớn khá hoàn chỉnh, phong phú và đa dạng, có giá trị cao về mặt khoa học. Kết quả nghiên cứu cổ sinh cho thấy, đây là một hệ sinh thái Miocen (một thế địa chất kéo dài từ 23,03 đến 5,33 triệu năm trước) độc nhất vô nhị ở Nam Á rất cần được bảo tồn.
Được sự tư vấn của các nhà địa chất, lãnh đạo công ty khai thác mỏ than Na Dương đã bổ sung quy hoạch khai thác mỏ theo hướng trở thành địa điểm du lịch sau khi khác thác hết than mà không phải hoàn nguyên. Theo đó, bên cạnh moong khai thác sẽ là một bảo tàng địa chất ngoài trời về địa tầng Miocen và các phức hệ động thục vật Miocen đã từng sinh sống tại đây. Hiện nay, Công ty đã quy hoạch ngăn nắp bãi thải và tổ chức trồng cây gây rừng trên khu bãi thải, thu gom các thân cây hóa đá và các hóa thạch động thực vật phục vụ cho xây dựng bảo tàng địa chất ngoài trời sau này. Du khách đến đây ngoài việc được thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên, còn được tìm hiểu quá trình phát triển các cấu tạo địa chất, địa tầng tại khu bảo tàng địa chất ngoài trời.
Tour du lịch tham quan mỏ than ở Quảng Ninh được đánh giá cao về tiềm năng và sự độc đáo cũng như cần sự hỗ trợ của các mỏ, ngành du lịch để phát huy trong tương lai.
Hầu hết các công ty than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đều có nhà truyền thống làm nơi lưu giữ những hiện vật gắn với mỗi quá trình xây dựng và phát triển công ty. Thăm nhà truyền thống ở các đơn vị như Than Hà Lầm, than Hà Tu, than Đèo Nai, được xem những bức ảnh về thợ mỏ khai thác than hầm lò, dưới lòng moong sâu, trạm điện…, đặc biệt là hình ảnh lao động cực nhọc, vất vả và cuộc sống của phu mỏ dưới sự đô hộ của các chủ mỏ người Pháp từ những năm đầu của thế kỷ 20. Trải nghiệm nghề khai thác mỏ là một tour độc đáo riêng có ở Quảng Ninh, hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, hiện nay có thể thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị tổ chức du lịch và các công ty than trong việc xúc tiến dự án tour tham quan công trường khai thác than chưa thật hiệu quả. Bởi đặc thù của khu mỏ, nhất là các mỏ đang hoạt động còn tồn tại khá nhiều khó khăn nếu đưa du lịch mỏ vào hoạt động. Phải bố trí hệ thống phương tiện di chuyển là những xe đặc thù, điểm trình diễn tham quan, vị trí ngắm các khai trường, khu vực dành cho du khách trải nghiệm phải thật sự an toàn...
Để xây dựng thành một sản phẩm du lịch thực sự để du khách trải nghiệm, thì sản phẩm du lịch tham quan mỏ than cũng phải cụ thể, rõ ràng hơn. Các mỏ vẫn chưa gắn được hoàn phục môi trường sau khai thác và chế biến khoáng sản với hoạt động du lịch mỏ.
Với tỉnh An Giang, địa phương này lại nổi bật với địa hình núi, đồi sót và đồng bằng ngập lụt. Núi, đồi với Thất Sơn hùng vĩ thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn gồm bốn cụm khối núi (Phú Cường, Cấm, Dài, Tô) xếp dài theo hướng Bắc Nam khoảng 34 km, chiều ngang theo hướng Đông Tây khoảng 18 km, cao nhất là núi Cấm 705 m.
Đồi Tà Pạ thuộc huyện Tri Tôn An Giang hiện nay là khu mỏ đá bỏ hoang. Moong khai thác đá nay là hồ nước, những tháp đá đã hình thành kiểu địa hình mới lạ thu hút một số du khách thăm quan.
Đồi Tà Pạ sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du lịch của huyện Tri Tôn nếu quy hoạch khu mỏ đá bỏ hoang này cùng với chùa Tà Pạ (chùa Chơn Num)… thành điểm du lịch.
Đa dạng văn hóa hình thành trên một nền tự nhiên đa dạng là tiềm năng rất lớn để An Giang phát triển địa du lịch - một loại hình du lịch mới đang được một số nước trên thế giới áp dụng và đạt được kết quả tốt. Địa du lịch là giải pháp giúp địa phương bảo tồn các di sản tự nhiên, di sản văn hóa và nâng cao đời sống của cộng đồng các dân tộc.
Tại Thanh Hóa, khu vực bãi thải mỏ Cromit Cổ Định sau khai thác cũng có triển vọng lớn để trở thành điểm du lịch mỏ gắn với du lịch tâm linh trên đỉnh Am Tiên, Núi Nưa.
Mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa được Pháp khai thác từ 1927. Sau hòa bình lập lại 1954, ta đã mở rộng khai thác và một công nghệ khai thác mỏ bằng sức nước đầu tiên của Việt Nam đã hình thành. Đặc biệt, một bãi thải sau chế biến quặng Cromit đã hình thành. Hiện nay, các bãi thải sau tuyển khoáng ở mỏ Cromit Thanh Hóa đều đã giao cho địa phương quản lý. Dân đã trồng cây cho rừng tái sinh. Sau khai thác, lòng moong đã trở thành một hồ lớn hàng trăm ha, nước trong xanh quanh năm.
Mỏ Cromit Cổ Định nằm dưới chân Núi Nưa, một khu du lịch tâm linh rất lớn của miền Trung Việt Nam vì có đỉnh Am Tiên, có huyệt đạo thiêng, có nơi xưa bà Triệu luyện binh. Hàng ngày, du khách vẫn lên đỉnh Am Tiên đi lễ, đi thăm thú. Nhưng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam vẫn chưa có dự án để phối hợp với tỉnh Thanh Hóa để khai thác du lịch mỏ kết hợp tham quan và du lịch tâm linh một cách có tổ chức.
Có thể thấy, hiện trong hàng nghìn khu mỏ đã và đang khai thác với quy mô công nghiệp ở Việt Nam, hầu như không có một mỏ nào có quy hoạch các công trình khai thác trở thành di sản địa chất ngay từ ban đầu. Điều này có thể do khái niệm về di sản địa chất còn quá mới mẻ đối với các nhà doanh nghiệp khai thác mỏ. Ngược lại, ngành du lịch cũng chưa chú ý đến một mảng du lịch trong ngành mỏ và các sản phẩm du lịch từ ngành mỏ Việt Nam.