Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) nườm nượp du khách khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: H.H

Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) nườm nượp du khách khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: H.H

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Hướng tới những giá trị riêng biệt

0:00 / 0:00
0:00
Du lịch cộng đồng gắn với nông thôn và nông nghiệp là xu thế tất yếu của thế giới, nên Việt Nam cần đầu tư xứng đáng hơn cho loại hình này, xây dựng tour, tuyến, sản phẩm…

Xu hướng du lịch thuận thiên bất biến

Dù tốc độ đô thị hóa nhanh đến đâu, trong sâu thẳm mỗi con người luôn tồn tại tình yêu đối với thiên nhiên. Cũng vì vậy, xu hướng du lịch “thuận thiên” gần như bất biến theo thời gian và đại dịch Covid-19 càng khiến con người muốn gắn bó với thiên nhiên, du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours chia sẻ: “Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa phần tài nguyên du lịch hiện nay nằm ở nông thôn và gắn với nông nghiệp, từ rừng, núi, sông, hồ đến hoạt động sản xuất và các làng nghề…”.

Theo ông Mỹ, phần lớn khách du lịch cư trú tại thành phố và các vùng đô thị hóa, còn người dân ở những miền quê nghèo thường ít có điều kiện đi du lịch. Bản chất của du lịch, ngoài nghỉ dưỡng, tận hưởng, còn là trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ. Vì vậy, nông nghiệp và nông thôn chính là nguồn cung chủ yếu.

Thời gian qua, trên cả nước xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và ấn tượng. Đó là làng rau Trà Quế (Quảng Nam); bản Thái Hải (Thái Nguyên) của người Tày; bản Sin Suối Hồ (Lai Châu) của người Mông đẹp tựa “vườn địa đàng”; ấp Cồn Chim (Trà Vinh) hiền hòa, toàn nhà lá, bốn mùa đầy hoa trái…

“Nét chung của các điểm đến này là thuận thiên. Cuộc sống theo quy luật với 3 không: không hóa chất độc hại, không tận diệt sản vật, không tệ nạn. Dịch vụ thường chỉ từ 2 đến 3 sao, nhưng tinh thần và thái độ phục vụ đạt 4 sao trở lên”, ông Mỹ nhìn nhận.

Đánh giá du lịch nông nghiệp của nước ta có tiềm năng rất lớn bởi có nhiều ngành nghề, phương thức sản xuất, đa dạng địa hình theo vùng, miền, ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours phân tích: “Việt Nam vẫn là đất nước nông nghiệp gắn với nông thôn, có nền văn minh lúa nước đã 2.000 năm, cùng các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống lâu đời. Du khách từ những thị trường chính của chúng ta là châu Âu và các nước phát triển sẽ hoàn toàn bị hấp dẫn bởi du lịch nông nghiệp của Việt Nam với sự mới mẻ, khác biệt so với nơi họ sống”.

Mặc dù vậy, nhìn nhận một cách khách quan, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ manh nha xuất hiện với các dịch vụ nhỏ lẻ, không tạo được chuỗi giá trị liên hoàn.

Tạo “cần câu” bền vững cho người dân

Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn mang ý nghĩa xã hội hơn cả một ngành kinh tế. Bởi, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, người dân tham gia làm du lịch được hưởng lợi về nhiều mặt, chứ không chỉ là xóa đói giảm nghèo, bởi họ vừa là chủ thể, đối tượng, vừa là người cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Có dịp tham gia khảo sát với Văn phòng Điều phối nông thôn mới của các địa phương, ông Nguyễn Văn Mỹ cho hay, phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn làm giàu chính đáng.

Chủ tịch Lửa Việt Tours dẫn chứng, homestay Hoa Ếch (Sa Đéc, Đồng Tháp) là hộ có đất ít nhất trong làng hoa kiểng Tân Qui Đông. Khai trương từ năm 2017, đến năm 2019, homestay Hoa Ếch đã đóng thuế gấp 40 lần so với trước khi kinh doanh dịch vụ này. Một trường hợp khác là homestay Minh Thơ (Mai Châu, Hòa Bình) ở bản nghèo của người Thái, chồng chỉ học hết lớp 4, vợ không biết chữ, hoạt động từ năm 2013. Từ một điểm nhỏ ban đầu, homestay Minh Thơ đã thu hút thêm các hộ khác cùng tham gia. Năm 2019, homestay đón gần 20.000 lượt khách lưu trú, nộp thuế cả trăm triệu đồng.

Ông Mỹ nhấn mạnh, người dân cần chính sách thiết thực, muốn có “cần câu” hơn “con cá”. Thay vì cho họ vài chục triệu đồng, tặng máy lạnh hay nhà vệ sinh, thì nên tặng lãi suất hoặc cho vay ưu đãi để họ đầu tư.

“Hiệu quả và bền vững phải là ưu tiên số 1. Trong đó, quan trọng nhất là chọn nhà tư vấn. Nhà tư vấn không chỉ cần có kiến thức thực tiễn, có mô hình hiệu quả, mà còn dám đồng hành, cầm tay chỉ việc, truyền lửa cho dân, đặc biệt là dám cam kết tiếp tục hỗ trợ sau khi dự án hoàn thành, tránh kiểu ‘tư vấn phòng lạnh’ hoặc tư vấn từ xa”, ông Mỹ nói.

Đồng quan điểm, ông Hoan khuyến nghị, mỗi địa phương hãy xác định những giá trị riêng biệt, độc đáo của mình một cách đầy đủ nhất. Dựa trên nền tảng những ngôi nhà kiến trúc truyền thống, các món ăn đặc sản, ngành nghề thủ công truyền thống của người bản địa…, ngành du lịch phối hợp với chính quyền địa phương định hướng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ ấn tượng, mang đậm dấu ấn vùng miền. Với hướng đi này, chúng ta sẽ xây dựng được bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn phong phú, hấp dẫn, có thể trở thành một trong những “át chủ bài” của ngành kinh tế xanh, nhất là trong “kỷ nguyên” Covid-19.

Cần thành lập bộ phận chỉ đạo phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cụ thể là Văn phòng Điều phối nông thôn mới và Tổng cục Du lịch, xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch bền vững. Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn để bảo tồn kiến trúc, làng nghề, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hạn chế đô thị hóa kệch cỡm. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch phát triển từng vùng, tránh kiểu làm du lịch “sinh sản vô tính”, đua nhau làm homestay, cung vượt quá cầu, phát triển ồ ạt…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Tin bài liên quan