Sốc nặng
Bức tranh du lịch nghỉ dưỡng miền Trung nay toàn một gam màu xám. Cung đường Đà Nẵng đi Hội An và ngược lại vốn luôn chen chúc xe cộ thì nay rộng thênh thang, vắng bóng người. Các bãi biển, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi chỉ lác đác vài lao động trông coi, dọn dẹp vệ sinh, tưới cây xanh…
“Không có du khách, khu nghỉ vắng vẻ, vắng tiếng người, nên buồn thiu. Hiện nay, hầu như chỉ có công nhân dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây cảnh”, anh Nguyễn Văn Đồng, nhân viên Khu nghỉ dưỡng Pullcha ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết.
“Tôi nói thật, chẳng có tâm trạng để chia sẻ. Căng lắm. Furama Resort & Spa thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng là không nhận khách lưu trú, nghĩa là doanh thu bằng không. Tranh thủ thời gian này tập trung vào nâng cấp dịch vụ và hạ tầng, bảo trì, bảo dưỡng. Các khóa đào tạo nhân viên sẽ được thực hiện qua mạng nội bộ. Thực ra, đây cũng là cơ hội để nâng cấp, cải tạo khách sạn, vì thời gian vừa rồi liên tục có lượng du khách nghỉ ngơi khá đông, nên chưa làm được”, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng chia sẻ.
Là tập đoàn có nhiều khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, Sun Group cũng đang nằm trong vòng xoáy Covid-19. Theo thống kê của Tập đoàn, trong lĩnh vực vui chơi giải trí, 3 tháng đầu năm 2020, các khu vui chơi do Sun Group đầu tư đã sụt giảm khoảng 2 triệu lượt khách, dự báo cả năm 2020 sụt giảm 7,2 triệu lượt khách.
“Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, tính đến ngày 10/3, tỷ lệ lấp đầy các khu nghỉ giảm đến 70 - 80%, dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu. Dự báo năm 2020, doanh thu giảm 70% so với kế hoạch đề ra và giảm 80% so với thực hiện năm 2019. Điều này khiến dòng tiền của Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề”, đại diện của Sun Group tính toán.
Ở duyên hải Nam Trung bộ, ông Lê Văn Sơn, Tổng giám đốc khách sạn Liberty Central Khánh Hòa cho biết, khu vực Sân bay Quốc tế Cam Ranh đang vắng vẻ khác thường. “Ngay cả con đường dài từ sân bay về TP. Nha Trang cũng thưa thớt các chuyến xe qua lại, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe ngược chiều vụt qua. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp hai bên đường như Alma, Radisson Blu, Movenpick... tĩnh mịch đến lạ thường”, ông Sơn nói.
Ở điểm dừng cuối cùng của tuyến xe buýt ở trung tâm Nha Trang, các khu phố như Hùng Vương, Trần Phú... tĩnh lặng đến ngỡ ngàng, bởi nơi đây mọi khi luôn nhộn nhịp khách du lịch nước ngoài. Covid-19 đã khiến phố xá trở nên bình lặng, cuộc sống như “chậm” hơn, một hình ảnh khó tìm được ở những điểm đến nổi tiếng như Nha Trang.
Nắm tay qua cơn bĩ cực
Khánh Hòa và Đà Nẵng được nhìn nhận là hai trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của duyên hải miền Trung và cả nước. Doanh thu về du lịch tại hai địa phương này ở thời điểm ăn nên làm ra chiếm phần không nhỏ trong đóng góp ngân sách; các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương. Nay Covid-19 gây nên những “vết thương” mà phải mất nhiều thời gian mới có thể chữa lành.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch Thành phố ước phải gánh chịu thiệt hại lên tới gần 20.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh, thì con số này sẽ không dừng lại, đi kèm với đó là hàng loạt doanh nghiệp du lịch, lữ hành ngừng hoạt động.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 23.000/35.000 lao động của 800 doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Đà Nẵng tạm thời mất việc. Trong đó, nhiều nhất là lao động khối dịch vụ khách sạn, vận chuyển, điểm đến. Các đơn vị lữ hành cũng buộc phải cắt giảm tạm thời gần như toàn bộ hướng dẫn viên, để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Ở tỉnh Khánh Hòa trong quý I/2020, thiệt hại về tổng thu từ khách du lịch khoảng 5.400 tỷ đồng. Đi kèm với đó, số lao động ngành du lịch bị cắt giảm 17.100 người; lượng xe kinh doanh vận tải khách du lịch và hợp đồng phải tạm ngừng 1.780 xe.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang Khánh Hòa cho biết, doanh nghiệp trong ngành đang rất khó khăn và đề nghị UBND tỉnh, Tổng cục Du lịch kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất hoặc khoanh nợ, giãn nợ hay dừng thu nợ gốc, chỉ thu lãi để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
“Đối với các doanh nghiệp du lịch, Chính phủ nên chuẩn bị sẵn nguồn hỗ trợ cho ngành hàng không, đặc biệt là hỗ trợ giá vé nội địa cho người dân đi du lịch. Từ đây, thị trường du lịch nội địa sẽ hồi phục đầu tiên, sau đó là đến mở cửa cho các quốc gia hết dịch trước có giao thương và đường bay đã có từ trước với Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Quỳnh đề xuất.
Có chung quan điểm, đại diện của Sun Group khuyến nghị: “Chính phủ và các bộ, ngành cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19; các ngân hàng tiếp tục cho vay các khoản vay mới để doanh nghiệp tái đầu tư và thúc đẩy kinh doanh”.