Phát triển sản phẩm du lịch về đêm được xem là một trong những giải pháp hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế khi Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: Hồ Hạ

Phát triển sản phẩm du lịch về đêm được xem là một trong những giải pháp hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế khi Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: Hồ Hạ

Du lịch Hà Nội hợp sức thực hiện mục tiêu kép

0:00 / 0:00
0:00
Trước sự “càn quét” của Covid-19, ngành du lịch Thủ đô đang hợp sức để thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Hợp sức để giảm thiệt hại

Covid-19 quay trở lại đã nhanh chóng “càn quét” ngành du lịch Thủ đô. Trước đó, rất nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách vẫn cửa đóng, then cài vì chưa đón được khách quốc tế.

Theo Sở Du lịch TP. Hà Nội, tính từ ngày 28/7 đến 4/8, đã có hơn 30.000 khách của 33 doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội hủy tour du lịch nội địa. Tại một số điểm du lịch, lượng khách có xu hướng giảm dần 20 - 60% so với thời điểm trước khi có ca nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng. Công suất phòng tại các khách sạn 3 - 5 sao trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt khoảng 22%. Thời điểm hiện tại, lượng khách đặt tour ở các doanh nghiệp lữ hành đã về con số 0.

Các đơn vị cần xây dựng những gói sản phẩm dành cho các nhóm gia đình, bạn bè; xác định những điểm đến chưa bị ảnh hưởng của Covid-19 để định hướng cho du khách.

- Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của Covid-19, ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch tại Đà Nẵng, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã làm việc với các hãng hàng không, đơn vị lữ hành, điểm đến, lưu trú để cùng bàn giải pháp chia sẻ khó khăn, giữ ổn định thị trường du lịch.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP. Hà Nội cho hay, qua buổi làm việc, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air đã có chính sách hỗ trợ ngành du lịch Thủ đô. Cụ thể, Vietnam Airlines cho phép khách bảo lưu vé đến hết tháng 6/2021; Vietjet Air áp dụng chính sách miễn phí đổi chuyến bay, giờ bay của khách có hành trình nội địa khởi hành từ ngày 1/8 trở đi; Bamboo Airways đồng ý cho khách có hành trình từ ngày 1/8 - 15/9 được đổi thời gian bay đến ngày 24/12/2020.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng đã gửi văn bản tới sở du lịch và hiệp hội du lịch của 7 tỉnh, thành phố (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hải Phòng) đề nghị hỗ trợ bằng hình thức bảo lưu tour, dịch vụ đến thời điểm thích hợp; không phạt đối với các trường hợp hủy tour hoặc có thể hoàn phí cho các doanh nghiệp lữ hành. Điều cần thiết nhất lúc này là các đơn vị kinh doanh du lịch tích cực chia sẻ, hỗ trợ, hợp sức để giảm thiệt hại.

Xây dựng sản phẩm mới chất lượng, hấp dẫn

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours cho rằng, du lịch Hà Nội nói riêng và ngành du lịch nói chung nên có cuộc vận động người Việt Nam chia sẻ khó khăn với ngành du lịch.

“Chúng tôi đang thực hiện chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội kêu gọi du khách chia sẻ với ngành du lịch bằng cách đồng ý chuyển hành trình dự kiến sang một thời điểm thích hợp, thay vì yêu cầu hủy”, ông Nguyễn Công Hoan cho hay.

Do ảnh hưởng của Covid-19, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 đã bị hoãn. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, chương trình kích cầu mà các doanh nghiệp lữ hành đang chuẩn bị để triển khai trong tháng 8/2020 cũng phải dừng lại. Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, đây không phải thời điểm “ngủ đông”, toàn ngành cần hợp sức để xây dựng, hoàn thiện sản phẩm mới, hấp dẫn, sẵn sàng tung ra ngay khi dịch được kiểm soát.

Covid-19 là cơ hội để du lịch Hà Nội nhìn lại chính mình và chuẩn bị cho tương lai, trong việc xây dựng sản phẩm mới chất lượng, hấp dẫn, đa dạng; xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh trực tiếp và sâu rộng ra thế giới cũng như khẳng định Hà Nội là một trong những điểm đến giàu bản sắc văn hóa, văn hiến

- PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist chia sẻ, kinh nghiệm cho thấy, địa phương, đơn vị nào chủ động xây dựng sản phẩm du lịch từ sớm, sẽ phục hồi tốt hơn. Do đó, trong thời gian hoạt động du lịch tạm lắng, các đơn vị lữ hành, điểm đến, cơ sở lưu trú nên nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của Hà Nội để sẵn sàng kích cầu trở lại khi dịch bệnh được khống chế.

Hà Nội vừa giành Giải thưởng Choice Adwards 2020 (do du khách bình chọn) của chuyên trang TripAdvisor (Mỹ) vinh danh ở vị trí thứ 15 trong 25 điểm đến nổi tiếng thế giới. Trong đó, du khách quốc tế đặc biệt ấn tượng khi được trải nghiệm khu phố cổ và ẩm thực Thủ đô. Đây là gợi ý hay để các doanh nghiệp tìm tòi, xây dựng thêm sản phẩm du lịch chuyên sâu, đặc sắc với những giá trị khác biệt. Đồng thời, phải đặc trưng hóa các sản phẩm, sao cho vừa bảo đảm chất lượng, vừa có tính cạnh tranh để không chỉ tăng được lượng khách nội địa, mà còn thu hút khách quốc tế về lâu dài, như phát triển sản phẩm du lịch về đêm.

Ông Trần Trung Hiếu cho hay, ngành du lịch Hà Nội đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đơn vị liên quan kích hoạt trở lại hệ thống phòng, chống dịch. Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu, xu hướng thị trường, trong đó phát triển du lịch về đêm sẽ là một trong những điểm nhấn trong thời gian tới.

Nhằm bảo đảm môi trường du lịch an toàn trong mọi thời điểm, việc phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và dịch bệnh nói chung của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cần trở thành việc làm thường xuyên, bài bản, thay vì chỉ thực hiện khi có dịch. Mỗi doanh nghiệp du lịch phải chủ động vượt khó, sẵn sàng đón đầu cơ hội để tăng tốc ngay khi Covid-19 được kiểm soát. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tài chính và định hướng của cơ quan quản lý cũng như sự chung tay của mỗi người dân trong nỗ lực kích cầu du lịch nội địa. 

Tin bài liên quan