Đột phá hạ tầng du lịch
Nếu như trước đây, nhắc đến du lịch, người ta chỉ nhắc đến các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị điều hành tour, thì ngày nay, các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này đa dạng hơn, xuất hiện nhiều tên tuổi với thương hiệu lớn.
Có thể kể đến những tên tuổi như Tập đoàn Vingroup cùng hệ thống khách sạn 5 sao Vinpearl Resorts & Villas; Tập đoàn Sungroup với hệ thống cáp treo ở nhiều khu du lịch nổi tiếng (Bà Nà Hills - Đà Nẵng; cáp treo Fansipan - Sapa - Lào Cai, cáp treo Hòn Thơm - Phú Quốc).
Các tập đoàn CEO Group, FLC, Thành Đô (sở hữu Nam An Retreat Resorts, Cocobay...), Saigontourist… đều đang góp phần tạo diện mạo mới ngành công nghiệp du lịch tại Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2017, tổng số phòng khách sạn từ 3-5 sao tại Việt Nam là khoảng 100.000 phòng. Con số này tăng mạnh trong năm 2018 với hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao bùng nổ mạnh mẽ.
Chẳng hạn, CBRE cho biết, số lượng phòng khách sạn tại riêng 4 thị trường trọng điểm là Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long và Phú Quốc vào năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên 84.300 phòng so với khoảng 53.000 phòng thời điểm hiện tại.
Khách quốc tế đến Việt Nam liên tiếp tăng trưởng mạnh trong vài năm trở lại đây. Năm 2017 đạt 13 triệu lượt khách và năm 2018 ước đạt 15-16 triệu lượt khách. Với con số này, Việt Nam có thể đuổi kịp Indonesia về lượng khách quốc tế đến và gần bằng con số 17,6 triệu lượt khách năm 2017 của Singapore.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thông thường lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh mẽ trong quý IV. Dự kiến, năm 2018, Việt Nam có thể đón 15,7-16 triệu lượt du khách ngoại.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch đã đem về doanh thu hơn 505.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với cùng kỳ. Riêng khách du lịch nội địa đạt 67,9 triệu lượt khách, trong đó một nửa là khách lưu trú.
Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và được tổ chức du lịch thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch đã đem về doanh thu hơn 505.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với cùng kỳ...
Theo ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Group, trong tương lai, Việt Nam có thể trở thành cường quốc du lịch với doanh thu 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, cùng với hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, thúc đẩy xúc tiến quảng bá thì miễn thị thực cho khách đến Việt Nam là biện pháp mang tính đột phá.
Ông Bình đưa ra ví dụ, tại Phú Quốc, từ khi du khách được miễn thị thực 30 ngày khi đến đây, lượng khách tăng vọt. Hàng chục chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc mỗi ngày, đóng góp khoảng 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Những khách này thường ở lại tối thiểu 15 ngày, với chi tiêu bình quân 1.500 - 2.000 USD/người. Thực tế, nhiều khách nước ngoài đến Phú Quốc có khi ở 1-2 tháng, hết kỳ nghỉ đông mới trở về.
Công nghệ là bí quyết cạnh tranh
Doanh nghiệp du lịch đang chuyển mình mạnh mẽ và đưa công nghệ 4.0 tham gia sâu vào chuỗi giá trị du lịch, tạo cho người dùng những trải nghiệm mới, tiết kiệm thời gian, chi phí và du lịch thông minh hơn.
Theo báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 vừa được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố, kênh đặt phòng qua Internet hiện chiếm 20,7% trong cơ cấu các kênh đặt phòng. Các khách sạn 4-5 sao ở Việt Nam cũng bày tỏ sự sẵn sàng khi có 67,3% đơn vị được hỏi cho biết đã áp dụng công nghệ để tạo ra sự khác biệt, tăng tính cạnh tranh.
Tổng cục Du lịch cho biết, 71% lượng khách quốc tế đến Việt Nam thông qua tìm kiếm trên mạng và 64% lượng khách đặt mua dịch vụ trên mạng cho chuyến đi của mình. Không riêng gì khách quốc tế, khảo sát của Q&Me cũng chỉ ra có 88% khách du lịch trong nước tra cứu thông tin qua mạng.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực du lịch vẫn còn thua kém Agoda, Booking… cả về kinh nghiệm và vốn. Muốn kinh doanh trong lĩnh vực nhiều sự cạnh tranh này phải thay đổi tư duy và tăng cường đầu tư vào công nghệ, còn nếu mang tư duy đi làm phải kiếm lợi ngay lập tức thì không thể làm được”, CEO VnTrip Lê Đắc Lâm cho hay.
Nhiều khách sạn đã tạo ra phần mềm ứng dụng dành cho khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ riêng, cũng như chủ động bán hàng qua Internet và quản lý khách sạn.
“Sự thích nghi với kết nối xã hội thông qua công nghệ thông minh, áp dụng công nghệ vào hệ thống vận hành và quản lý là phương cách tốt nhất để cải thiện dịch vụ”, Tổng giám đốc Khách sạn Moovenpick Hà Nội cho hay.
“Công nghệ đang làm thay đổi thói quen du lịch của khách hàng. Ứng dụng công nghệ 4.0 là cơ hội giúp ngành du lịch Việt Nam tạo ra những bước đột phá, để có thể đạt được mục tiêu đứng đầu về du lịch trong khu vực Đông Nam Á mà Chính phủ đặt ra”, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá.