Cú giáng chí mệnh của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” doanh nghiệp du lịch nói riêng, ngành kinh tế xanh nói chung, khiến những người cầm trịch ngành du lịch Thủ đô buộc phải suy tư, trăn trở và hành động quyết liệt hơn với nhiều chương trình, kế hoạch mang tính đột phá.
Những tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới được hình thành từ nhiều cái "bắt tay" hợp tác trong thời gian Covid-19 hoành hành đã giúp du lịch Hà Nội “lột xác”, đánh dấu giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Đầu tư về chặng đường đổi mới này.
Sau năm hơn một năm đầy khó khăn, ngành du lịch Thủ đô đã và đang triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể nào để giảm thiệt hại do đại dịch Covid-19 và giúp các doanh nghiệp nhanh chóng hồi sức, thưa bà?
Nỗ lực ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã chủ động tái cơ cấu triệt để, xoay trục trọng tâm, từ tập trung vào lượng du khách quốc tế sang thu hút, phục vụ du khách nội địa.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động thực hiện kết nối giữa cơ quan quản lý với Hiệp hội, Câu lạc bộ, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị dịch vụ liên quan như: hàng không, đường sắt, ôtô, khách sạn, lữ hành, điểm đến..., để triển khai các chương trình tái cơ cấu ngành du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp… Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.
Mặt khác, ngành du lịch Thủ đô sẽ tăng cường liên kết với các địa phương xây dựng nhiều tour du lịch liên kết hấp dẫn, độc đáo, thu hút khách du lịch tại các thị trường lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, các tỉnh miền Tây…
Tour "Giải mã Hoàng thành Thăng long" do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp cùng Công ty lữ hành Hà Nội Tourist xây dựng mang đến nhiều cảm xúc thú vị cho du khách (Ảnh: Hồ Hạ). |
Sở Du lịch Hà Nội cũng khuyến khích các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú triển khai những chương trình giảm giá, khuyến mãi lớn, xây dựng nhiều tour du lịch liên kết các điểm đến trên địa bàn Thủ đô. Hỗ trợ, khuyến khích các khu điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn như du lịch trải nghiệm đêm, du lịch thể thao mạo hiểm…
Để thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày hơn, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm văn hóa đêm. Hiện nay, hoạt động du lịch đêm tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển, đầu tư hơn nữa tại các điểm này, cũng như triển khai ở một số điểm đến mới như Phố đi bộ tại khu vực Thành cổ Sơn Tây.
Trong khuôn khổ Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 (dự kiến tổ chức ngày 16/4), Sở sẽ tổ chức “Công bố sản phẩm kích cầu du lịch nội địa năm 2021” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn, điểm đến lớn trên địa bàn. Kỳ vọng qua đó đột phá cho du lịch Hà Nội phục hồi và phát triển.
Hà Nội có 12 mùa hoa lãng mạn, nên thơ... và còn nhiều hơn thế nữa. |
Bà có thể bật mí đôi chút về những sản phẩm mới sẽ được giới thiệu tại sự kiện “Công bố sản phẩm kích cầu du lịch nội địa năm 2021” sắp tới?
Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã gặp mặt các doanh nghiệp, Hiệp hội, câu lạc bộ du lịch để bàn về việc xây dựng các sản phẩm kích cầu du lịch với thông điệp “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”.
Sau buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã tung ra loạt sản phẩm mới, độc đáo và mang đến nhiều cảm xúc cho người trải nghiệm. Đơn cử, Vietravel chào bán tour trọn gói TP.HCM - Hà Nội 3 ngày 2 đêm giá chỉ từ 990.000 đồng. Đây là mức giá tốt chưa từng có từ trước tới nay. Cùng với đó, Vietravel còn có các gói combo Đà Nẵng, Mũi Né, Vũng Tàu hấp dẫn. Trong khi đó, Hà Nội Tourist ra mắt tour du lịch caravan Tây Bắc. Vietfoot Travel giới thiệu tour Hỏa Lò về đêm với các chủ đề hấp dẫn…
Các doanh nghiệp khác cũng đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều tour du lịch kích cầu hấp dẫn như: Tour du lịch chùa Hương giảm 15% giá vé; tour du lịch đền Gióng - Quốc Tử Giám giảm 15% giá vé; tour du lịch khách sạn Sofitel Metropole và city tour giảm 20% giá vé; phát triển các tour mới phục vụ du khách như tham quan Thăng Long Tứ trấn; Đình Chèm - Chùa Bồ Đề - Bát Tràng (Hà Nội); Đền Sóc - Làng hoa Mê Linh và nhiều tour kết nối Hà Nội với các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai…
Sở Du lịch Hà Nội cũng đã kết hợp với 4 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines; Vietjet Air; Bamboo Airways và Vietravel Airlines để đưa ra những sản phẩm giá tốt. Chỉ riêng Vietravel Airlines đã cam kết mỗi chuyến bay của hãng hàng không này đến hoặc đi từ Hà Nội sẽ dành 25 ghế có mức giá 0 đồng cho các hãng lữ hành xây dựng sản phẩm kích cầu.
Qua theo dõi tình hình thực tế, hoạt động du lịch Thủ đô đã có dấu hiệu phục hồi. Nhiều tour kích cầu ra tới đâu, hết tới đó. Các điểm đến di tích từ khi mở cửa lại (vào ngày 8/3 hoặc ngày 13/3) như: Chùa Hương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Làng cổ ở Đường Lâm… đã đón lượng du khách khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần.
Với thị trường nội địa khoảng 100 triệu dân có tình yêu nước nồng nàn, ngành du lịch Thủ đô tin tưởng khi có sản phẩm, dịch vụ chất lượng, quảng bá đúng đối tượng, du khách nội địa sẽ sẵn sàng ủng hộ, xách ba lô lên và đi.
Du khách quốc tế khám phá Hà Nội, trước khi Covid-19 ấp đến (Ảnh: Hồ Hạ) |
Cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng không thể xem nhẹ trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?
Chắc chắn rồi. Sở Du lịch Hà Nội luôn coi công tác quảng bá, xúc tiến liên kết du lịch là trọng tâm giúp thu hút du khách đến với Thủ đô.
Hiện nay, Sở đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử. Sở tham mưu cho UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình quốc gia VTV (VTV Travel, S Vietnam; Ẩm thực đường phố; Chương trình V Việt Nam; Chuyển động 24h…) giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, đặc trưng của Thủ đô đến du khách cả nước, trong đó có người dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang tham mưu với UBND TP Hà Nội triển khai chương trình quảng bá hình ảnh Hà Nội, hợp tác với kênh truyền hình Quốc tế CNN vào nửa cuối năm nay, nhằm đón đầu làn sóng du khách quốc tế đầu năm 2022.
Chương trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là ngành công nghiệp không khói. Với ngành du lịch Thủ đô, vấn đề này đang chuyển động như thế nào, thưa bà?
Về vấn đề chuyển đổi số, Sở Du lịch Hà Nội nhận được sự chỉ đạo theo lộ trình từ Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố tới các đơn vị, sở, ngành. Chúng tôi đã xung phong chuyển đổi số vì nhận thấy đây là xu hướng tất yếu.
Đối với du lịch, sau khi đã vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp ngành phục hồi nhanh hơn, tăng khả năng bứt phá. Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị đón du khách quốc tế, chuyển đổi số càng có vai trò quan trọng.
Ngày 24/3, Sở Du lịch Hà Nội đã ký kết Chương trình phối hợp về việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021-2025 với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Hai bên đang phối hợp triển khai kế hoạch xây dựng các nền tảng du lịch số, app du lịch, số hóa các điểm di tích, các điểm đến nhằm giúp du khách tăng cường tương tác và thử trải nghiệm trước khi du lịch Hà Nội và trải nghiệm thực tế tuyệt vời hơn khi đến Thủ đô.
Chúng tôi tin rằng, cuộc “kết duyên” này sẽ giúp ngành du lịch Thủ đô truyền tải thông tin nhiều hơn, đầy đủ hơn về các sản phẩm, điểm đến, di tích, danh thắng, vẻ đẹp các mùa hoa, ẩm thực… đến với người dân và du khách. Qua đó, giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi, mang đến những dịch vụ tốt nhất, làm hài lòng tất cả du khách khi đến Hà Nội và sẽ tiếp tục quay trở lại Thủ đô.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp về việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021-2025, ngày 24/3 (Ảnh: Hồ Hạ) |
Bà đánh giá thế nào về hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp du lịch Hà Nội?
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chuyển đổi số được họ xác định là con đường tất yếu bởi ứng dụng công nghệ để số hóa sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí , quảng bá rộng rãi hơn và các dịch vụ hoàn hảo hơn.
Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã có buổi làm việc cũng như trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn về các nội dung chuyển đổi số. Trước tiên là các doanh nghiệp trong các Hiệp hội sẽ thực hiện chuyển đổi trước, các doanh nghiệp khác thấy cần thiết sẽ triển khai và kết hợp cùng làm.
Sở Du lịch Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành để xây dựng môi trường kinh doanh nói chung, môi trường du lịch nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Chúng tôi luôn khát khao và nỗ lực tạo được bệ phóng để các doanh nghiệp du lịch "hồi sức" và phát triển.
Năm 2021, ngành du lịch Thủ đô sẽ tung ra những “đặc sản” hấp dẫn, mới lạ nào để thu hút du khách, thưa bà?
Hà Nội là thành phố của di tích, di sản và những danh thắng đẹp. Tuy nhiên, thời gian qua công tác truyền thông chưa tới hoặc sản phẩm chưa hoàn chỉnh nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Do đó, theo lộ trình, chúng tôi sẽ kết hợp với các quận, huyện, thị ở những nơi có danh lam thắng cảnh, di tích xây dựng các sản phẩm/điểm đến có dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, hoàn chỉnh.
Hiện, chúng tôi đã chuẩn hóa thuyết minh, chuyển nhiều ngữ khác nhau và có thuyết minh tự động bằng Autoguide. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ của sản phẩm/điểm đến muốn hoàn chỉnh phải đáp ứng rất nhiều yếu tố, mà trong đó trải nghiệm những giá trị đặc biệt riêng có, dấu ấn của điểm đến là rất quan trọng.
Chúng tôi đánh giá, một trong những điểm yếu của Hà Nội là quà tặng du lịch còn nhiều hạn chế. Mặc dù Hà Nội có tài nguyên vô giá là gần 1.500 làng nghề và có nghề, tạo ra nhiều sản phẩm lưu niệm phong phú, nhưng để phục vụ du khách thì cần hoàn thiện hơn về bao bì, mẫu mã, quảng bá, phân phối... Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với các làng nghề, các quận, huyện, điểm đến và các đơn vị lữ hành để xây dựng những điểm đến thực sự có chất lượng.
Đặc biệt, tôi cho rằng các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành cần có trách nhiệm xây dựng những tour/điểm đến mới. Gọi là mới nhưng thực chất là “bình cũ rượu mới.”
Đơn cử làng cổ Đường Lâm, truyền thông đã nói rất nhiều nhưng quảng bá những sản phẩm cụ thể còn rất hạn chế, thì thời gian tới những sản phẩm đặc biệt và hấp dẫn của Đường Lâm sẽ được bung ra.
Hiện thị xã Sơn Tây đang đề xuất và thành phố cũng đang xem xét việc xây dựng tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại khu vực thành cổ. Quận Tây Hồ nâng cao chất lượng, hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ ăn uống, lưu trú và trải nghiệm ở khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn...
Vẻ đẹp Thành cổ Sơn Tây, Hà Nội (Ảnh: Hồ Hạ). |
Chúng tôi sẽ cùng với các đơn vị lữ hành kết nối Hà Nội với Quảng Ninh, Ninh Bình, Sapa… để ra những sản phẩm mà mục đích cuối cùng là mang lại trải nghiệm, cảm xúc khác biệt cho du khách.
Bên cạnh đó, năm 2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, Hà Nội sẽ tổ chức một số sự kiện quy mô quốc tế như Lễ hội Áo dài, Lễ hội Quà tặng, Lễ hội Ẩm thực… để thu hút du khách, nâng mức chi tiêu, số ngày lưu trú của các “thượng đế” khi du lịch Thủ đô. Chúng tôi đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết.
Một công trình kiến trúc Pháp bên hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Hồ Hạ) |
Thưa bà, chương trình kích cầu “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” được kỳ vọng sẽ giúp ngành kinh tế xanh Thủ đô “vượt bão” Covid-19 ra sao?
Theo báo cáo hàng năm, trước dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội luôn gấp 3 lần lượng khách quốc tế (chiếm 75%), trong đó chiếm phần lớn là người dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Qua đó, chúng tôi xác định người Hà Nội là một bộ phận quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và trở lại của ngành du lịch Thủ đô.
Sở Du lịch Hà Nội đang tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch trong chiến dịch kích cầu “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” với kỳ vọng sẽ làm nóng lại thị trường trong bối cảnh chưa thể thu hút du khách quốc tế.
Nếu triển khai hiệu quả chiến dịch này, ngành du lịch Thủ đô sẽ từng bước hồi phục, có thể tăng trưởng nhanh vào cuối năm, đạt mục tiêu đón từ 10,96 triệu - 15,34 triệu lượt du khách nội địa, bằng 50%-70% so với năm 2019, gấp đôi lượng khách năm 2020.
Điều chúng tôi mong muốn hơn nữa là tăng mức chi tiêu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú tại Hà Nội từ 1,3 ngày lên trên 2 ngày.
Thưa bà, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành nghiên cứu kế hoạch triển khai “hộ chiếu vắc-xin” và xây dựng lộ trình mở cửa đón du khách quốc tế. Ngành du lịch Hà Nội đã và đang chuẩn bị những gì để sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi Việt Nam mở biên?
Năm 2019, ngành công nghiệp không khói chiếm 12,54% tổng GRDP của thành phố, nhưng năm 2020, do đại dịch Covid-19, con số này giảm xuống còn 3,54%. Để phục hồi ngành du lịch Hà Nội tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời chuẩn bị nguồn lực phục vụ thị trường quốc tế ngay khi Việt Nam mở biên.
Cùng với việc ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố, chúng tôi đang đẩy mạnh quảng bá du lịch Hà Nội trên nền tảng số tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế với thông điệp điểm đến Việt Nam, Hà Nội an toàn.
Bên cạnh đó, dịch vụ tại điểm đến, cơ sở lưu trú sẽ được hoàn thiện, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách quốc tế. Mặt khác, Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân sự ngành du lịch sau thời gian phải tạm chuyển sang công việc khác do Covid-19.
75% doanh thu từ du khách nội địa không bằng 25% doanh thu từ du khách quốc tế. Thế nên, các doanh nghiệp du lịch rất nhanh nhạy. Họ sẵn sàng bung ra sản phẩm chất lượng, hấp dẫn để phục vụ du khách nước ngoài ngay khi có điều kiện.
Thời điểm này, du khách nội địa là cứu cánh, nhưng hậu Covid-19 và tương lai, ngành du lịch Thủ đô sẽ nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế, nhất là những dòng khách cao cấp, chi trả cao, lưu trú dài ngày.
Những người làm du lịch Thủ đô tin tưởng và hy vọng thị trường du lịch sẽ ấm trở lại trong năm 2021.
Vẻ đẹp hồ Gươm mùa lá non (Ảnh: Hồ Hạ) |