Dự báo TTCK 19/11 - 23/11: Rập rình và cơ hội. Ảnh minh họa: dorsetforyou.gov.uk

Dự báo TTCK 19/11 - 23/11: Rập rình và cơ hội. Ảnh minh họa: dorsetforyou.gov.uk

Dự báo TTCK 19/11 - 23/11: Rập rình và cơ hội

Ba phiên giảm giá và hai phiên tăng giá trong tuần vừa qua đã khiến VNIndex giảm xuống dưới 1.000 điểm, đạt 998,2 điểm vào phiên đóng cửa cuối tuần. Tựu chung, VNIndex đã giảm 20,09 điểm, tức 1,97% trong tuần vừa qua.

Một điểm đáng chú ý là cho dù có khá nhiều cổ phiếu lớn mới được niêm yết trên sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, khối lượng giao dịch lại đang trong chiều hướng giảm sút. Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ có 8,3 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch, giảm 40% so với phiên trước đó.

 

Điều này phản ảnh sự lưỡng lự của các nhà đầu tư về xu hướng sắp tới của thị trường. Khi chưa rõ xu hướng, các nhà đầu tư tạm chuyển về vị thế phòng thủ, ngừng mua và ngừng bán.

 

 

Tại sao thị trường lại sụt giảm?

 

Đợt sụt giảm vừa qua của thị trường chứng khoán không bất ngờ đối với nhiều nhà phân tích thị trường. Tuy nhiên, ít ai dự đoán được cường lực dữ dội của đợt suy giảm, khi VNIndex mất điểm 8 phiên liên tiếp, xuống mức đáy 973 điểm.

 

Trước sự sụt giảm mạnh đột ngột của thị trường, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã hoảng loạn và mất phương hướng, dẫn tới những quyết định sai lầm. Câu hỏi đặt ra là  trong bối cảnh không có quá nhiều tin tức mới xuất hiện, tại sao thị trường lại đột ngột xấu đi nhanh đến thế?

 

Thứ nhất, đợt suy giảm vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong trào lưu suy giảm chung của thị trường chứng khoán thế giới. Những lo ngại về giá dầu tăng cao, lạm phát và sự đổ vỡ của ngành tín dụng Mỹ (với tin tức thua lỗ hàng tỷ đôla trong quý III/2007 của các ông lớn tài chính Mỹ như Morgan Stanley, Merill Lynch hay Bank of America) đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu ngập tràn màu đỏ trong 2 - 3 tuần gần đây.

 

Thị trường châu Âu giảm 3 tuần liên tiếp, thị trường Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 7 (Chỉ số Down Jones giảm từ trên 14.000 điểm xuống dưới 13.000 điểm), thị trường Trung Quốc và Nhật cũng giảm mạnh.

 

Nhìn chung, mức suy giảm trung bình của các thị trường lớn trên thế giới trong thời gian qua là khoảng 7-10%. Là một trùng hợp không ngẫu nhiên, VNIndex cũng đã giảm khoảng 9% trong 1 tháng vừa qua. Điều này cho thấy “ngôi làng toàn cầu” đang càng ngày càng “phẳng” hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu và bị tác động ngày càng trực tiếp từ nền kinh tế thế giới.

 

Thứ hai, không chỉ bị tác động từ những nhân tố ngoại lai, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phản ánh chính xác những sự yếu đi tương đối của các nhân tố cơ bản trên thị trường. Kết quả kinh doanh quý III/2007 của nhiều công ty lớn niêm yết tại Sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các siêu bluechips như FPT, VNM, REE, TDH… đã giảm sút khá nhiều so với quý II/2007.

 

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của VNM trong quý III đạt 187,4 tỷ, trong khi quý II đạt 248, 3 tỷ.  FPT trong quý III đạt mức lợi nhuận 128,3 tỷ, giảm tới gần 50% so với quý II, đạt 256,6 tỷ. Công ty REE trong quý III cũng chỉ đạt mức lợi nhuận trước thuế là 64 tỷ, trong khi quý II đạt trên 97 tỷ. (Số liệu từ VNDirect).

 

Nhịp tăng trưởng chững lại của các “ông lớn” đã làm thất vọng nhiều nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà phân tích thị trường trước đó đã từng đưa ra các mức dự báo “hoành tráng” về kết quả kinh doanh quý III của các công ty niêm yết. Nếu như những kỳ vọng lạc quan về kết quả kinh doanh quý III đã đưa VNIndex đạt mốc trên 1100 điểm, thì chính những thực tế đôi chút thất vọng của kết quả kinh doanh quý III đã góp phần đưa VNIndex quay về mốc dưới 1000 điểm.

 

Thứ ba, những thông tin bất lợi về chính sách như Chỉ thị 03 hoặc dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định thuế thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán khá cao (25%) là những nhân tố quan trọng góp phần kìm hãm thị trường. Đã có nhiều phân tích về những điểm bất hợp lý và không tương thích với thông lệ quốc tế của các quyết định này.

 

Câu hỏi đặt ra là nếu quy định thu thuế 25% thực sự được ban hành và được thực thi, và sau đó xuất hiện một làn sóng các nhà đầu tư, cả trong nước và ngoài nước, đột ngột tháo chạy khỏi thị trường theo tâm lý bầy đàn, dẫn tới những cú shock, hoặc thậm chí là khủng hoảng, của thị trường chứng khoán Việt Nam, rồi lan truyền tới toàn bộ nền kinh tế, thì khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm cá nhân về những hệ lụy rất không đáng mong muốn đó?

 

Thứ tư, sức ép tăng vốn của các DN niêm yết và chưa niêm yết đang tạo nên một nguồn cung khổng lồ. Trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, UBCK đã cấp phép cho 48 DN phát hành cổ phiếu, kể cả lần đầu và phát hành thêm, với tổng khối lượng gần 645 triệu cổ phần. IPO Vietcombank thêm một lần lỡ hẹn, phải dời vào tháng 12 và những thông tin về giá bán thấp của Vietcombank cho đối tác nước ngoài cũng đã ảnh hưởng xấu tới tâm lý của nhà đầu tư.

 

Bao giờ thị trường phục hồi?

 

Có năm lý do chính để lòng tin của các nhà đầu tư Việt Nam sẽ dần được phục hồi trong các tuần tới:

 

- Bối cảnh chung rất lạc quan và triển vọng của nền kinh tế - chính trị - xã hôi Việt Nam tiếp tục là bệ phóng vững chắc cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

 

- Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và thị trường chứng khoán thế giới dường như đã vượt qua điểm tồi tệ nhất. Những khoản thua lỗ lớn nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng cho vay bất động sản ở Hoa Kỳ đã được phơi bày trong kết quả kinh doanh quý III của các ông lớn tài chính Hoa Kỳ.

 

Các vị CEO của các công ty này đã mất chức và đã được thay thế bởi những tên tuổi mới. Những CEO mới lên đưa ra nhận định lạc quan về tương lai của thị trường. Thông thường, sự khiếp sợ trước mối đe dọa sẽ ở mức tột đỉnh khi mối đe dọa đó còn khuất trong bóng tối, và giảm dần khi được minh bạch hóa. Nhiều khả năng thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sẽ phục hồi ngay từ tuần này.

 

- Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết, cho dù không thật tốt trong quý III, vẫn đang trong đà tăng trưởng khá mạnh nếu so với cùng kỳ 3 quý đầu năm 2006. Sau cú sốc tâm lý ban đầu, các nhà đầu tư sẽ dần dần nhận thấy kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm của các công ty niêm yết vẫn rất khả quan.

 

Dự kiến, các báo cáo kết quả kinh doanh của các tháng 10 và 11 sẽ chứng minh cho nhận định này. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường có xu hướng “chạy” doanh thu và lợi nhuận trong các quý cuối năm để có một bản báo cáo tổng kết năm đẹp đẽ.

 

- Những thông tin mới nhất về đợt IPO của Vietcombank đang ngày càng rõ ràng hơn và lạc quan hơn, cũng sẽ là một nhân tố thúc đẩy thị trường đi lên.

 

- Giá của nhiều mã cổ phiếu đã giảm xuống mức “đủ rẻ”, xét theo tương quan với các phân tích cơ bản. Tỷ lệ P/E của nhiều cổ phiều tốt đã ở mức dưới 15. Thị trường xuống sâu sẽ là cơ hội tốt để các NĐT nước ngoài sớm mua vào vì hiện nay lượng tiền mặt của họ khá dồi dào và họ vẫn đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư.

 

Một số nhà quản lý quỹ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam ước tính có khoảng 46 quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào Việt Nam hiện đang hoạt động với tổng tài sản chừng 7-8 tỉ đô la Mỹ. Nhiều quỹ trong số này đang tiếp tục huy động thêm vốn.

 

Ngoài ra, cũng theo nguồn tin trên, ước tính còn có khoảng 20 quỹ nước ngoài mới được thành lập với số vốn từ 3-4 tỉ đô la Mỹ đang ở dạng tiền mặt và sẵn sàng để đầu tư vào Việt Nam.

 

Phân tích kỹ thuật

 

Đồ thị phân tích kỹ thuật cho thấy thị trường vẫn tiếp tục trong xu hướng đi xuống và các chỉ số kỹ thuật chưa đưa ra tín hiệu “mua vào”. Tuy nhiên, đã xuất hiện những tín hiệu khả quan đầu tiên cho thấy xu hướng downtrend đang giảm đần cường độ.

 

- Đường hỗ trợ xu thế dài hạn (đường xanh dương đậm) đã đủ sức mạnh để ngăn cản đà suy thoái của VNIndex. Trong 3 phiên giao dịch gần đây, VNIndex biến động dọc theo đường xu thế này. Sẽ là tín hiệu rất xấu trong ngắn hạn nếu VNIndex giảm xuyên qua đường hỗ trợ này, khi đó ngưỡng hỗ trợ mới sẽ là 930 điểm.

 

- “Chỉ số tâm lý của nhà đầu tư”, được biểu diễn bởi đường xanh dương ở khung trên cùng của đồ thị, đang ở mức 16,6 điểm, tức là vượt qua ngưỡng “bán quá mức” của thị trường. Điều này cho thấy số đông các nhà đầu tư đã bi quan quá đà.

 

Đây đồng thời cũng là tín hiệu để các nhà đầu tư khôn ngoan chuẩn bị mua vào. Trong hơn một năm gần đây, có 3 lần “Chỉ số tâm lý của nhà đầu tư” xuống dưới ngưỡng bán tháo (25 điểm) vào các đợt tháng 8/2006; 4/2007 và 7/2007. Cả 3 lần tâm lý nhà đầu tư phản ứng bi quan quá mức này đều là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu của xu hướng đi lên (uptrend) rất mạnh của thị trường.

 

- Các chỉ số “Strenth Index”, MACD, RSI hay MFI đều chưa cho tín hiệu “mua vào” nhưng đều đã có những chuyển hướng ban đầu, báo hiệu xu hướng đi xuống đang dần giảm tốc độ.

 

Kết luận và khuyến nghị

 

Xu hướng đi xuống của thị trường trong hơn một tháng vừa qua vẫn chưa tới hồi kết, tuy nhiên đã có những tia nắng ấm ban đầu. Thị trường sẽ khó có thể giảm sâu bền vững trong thời gian tới, cho dù một số phiên giảm mạnh vẫn có thể xuất hiện.

 

Các nhà đầu tư đang ở trong tình trạng lưỡng lự về xu hướng của thị trường và họ sẽ rất nhạy cảm với các tin tức sắp tới, đặc biệt 2 luồng thông tin quan trọng là: (1) đợt IPO của VCB và (2) biến động của thị trường chứng khoán thế giới.

 

Nếu không có tin tức đột biến nào, dự kiến tuần tới là một tuần phục hồi nhẹ của thị trường xung quanh mức 1000 điểm.

 

Dự báo trung hạn và dài hạn vẫn tương đối khả quan. Triển vọng VNIndex vượt 1200 điểm vào mùa công bố kết quả kinh doanh cuối năm (cuối năm 2007 và quý 1/2008) vẫn là khá chắc chắn.

 

Trong bối cảnh như vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên dừng việc bán tháo cổ phiếu, tận dụng cơ hội thị trường đi xuống để tái cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu có kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm thuyết phục. Cơ cấu tiền và cổ phiếu nên duy trì ở mức 40:60.