Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Ảnh: Lê Toàn

Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Ảnh: Lê Toàn

Dự báo sớm thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2018

(ĐTCK) Năm nay, ngoại trừ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, các nghiệp vụ khác đều gặp khó trong tăng trưởng doanh thu. Sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển các dự án/sản phẩm bảo hiểm mới sẽ là một trong những đòn bẩy chính cho sự tăng trưởng ổn định của thị trường trong thời gian tới.

Diễn biến đáng chú ý năm 2017

Từ đầu năm đến nay, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tập trung vào các sản phẩm như bảo hiểm xe cơ giới, sức khỏe, tai nạn con người, các sản phẩm liên kết ngân hàng - bảo hiểm… Các sản phẩm này là yếu tố chính trong sự tăng trưởng của thị trường, chiếm tỷ trọng lớn (hơn 60%) trong cơ cấu doanh thu của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngược lại, nhiều nghiệp vụ bảo hiểm thương mại truyền thống như bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm hàng hải gặp khó khăn trong việc tăng trưởng doanh thu, ngoại trừ nghiệp vụ tài sản. Tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật (điều kiện/điều khoản, giá phí, mức khấu trừ, hoa hồng, gia tăng chi phí khai thác…) vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, tình hình tổn thất có diễn biến theo chiều hướng phức tạp (tần suất tổn thất, mức độ nghiêm trọng, tình trạng trục lợi bảo hiểm…), dẫn đến khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận nghiệp vụ.

Về kênh phân phối sản phẩm, thị trường có sự phát triển đa dạng các kênh phân phối, gồm bán trực tiếp qua đại lý, bán online, bán qua điện thoại, qua hệ thống bưu điện, ngân hàng… Trong đó, việc hợp tác bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng là một trong những hình thức phân phối chủ đạo.

Đáng chú ý, thời gian qua chứng kiến xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A), với sự thâm nhập sâu hơn của một số doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khi sở hữu cổ phần với tỷ lệ lớn tại doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Theo đó, doanh nghiệp ngoại can thiệp sâu vào đường hướng kinh doanh của doanh nghiệp nội thông qua điều chỉnh mô hình hoạt động, chiến lược khai thác, phân phối sản phẩm và quản trị doanh nghiệp.

Ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc VINARE tại Hội nghị Tái bảo hiểm lần thứ VII 

Trong năm 2017, các chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện (Nghị định 73, Thông tư 50, Nghị định 119, Thông tư 329…).

Năm nay, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt 40.920 tỷ đồng doanh thu, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ dự kiến đạt 61.600 tỷ đồng doanh thu. Dù thị trường bảo hiểm duy trì tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm gốc trên GDP ở mức thấp (dưới 2%). Tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là còn rất lớn, cả với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.

Dự báo năm 2018

Tình hình tổn thất, bồi thường nhiều khả năng vẫn có diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Công tác hoàn thiện và xây dựng mới các chính sách về kinh doanh bảo hiểm sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường phát triển.

Sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển các dự án/sản phẩm bảo hiểm mới (nông nghiệp, kỹ thuật, tài sản công, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm trách nhiệm môi trường, bảo hiểm tàu cá…) sẽ là một trong những đòn bẩy chính cho sự tăng trưởng ổn định của thị trường bảo hiểm và góp phần đa dạng hóa sản phẩm cung cấp trên thị trường.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tăng trưởng chung của toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 đạt bình quân 19%/năm, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 26%/năm, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%/năm.    

Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhưng vẫn thiếu hụt so với nhu cầu bảo hiểm. Với sự thâm nhập thị trường Việt Nam của các nhà tái bảo hiểm quốc tế trong thời gian gần đây, phát triển sản phẩm mới hứa hẹn sự bùng nổ về mặt số lượng sản phẩm cũng như doanh số phí.

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục phát triển các kênh phân phối, trong đó kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng được tăng cường. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trong tổng số 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều dùng ngân hàng như một kênh bán hàng chủ đạo, đặc biệt là các công ty có vốn hoặc thuộc sở hữu của ngân hàng.

Xu hướng này có thể sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2018, khi mà ngành ngân hàng và bảo hiểm ngày càng có sự hợp tác và quan hệ chặt chẽ, với việc nhiều ngân hàng lớn góp vốn thành lập hoặc mua lại cổ phần từ các doanh nghiệp bảo hiểm.

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, hoặc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài nhằm tăng sức mạnh tài chính, năng lực quản trị, cũng như lợi thế cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ rất có thể sẽ là xu thế phổ biến trên thị trường.

Năm 2018, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, với tỷ lệ tăng khoảng 13%. Trong đó, các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, con người, sức khỏe, sản phẩm liên kết ngân hàng - bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm… dự kiến tăng trưởng 25 - 30%. 

Một số điểm cần lưu ý

Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, giảm cạnh tranh phi kỹ thuật, tăng cường đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn bảo hiểm, cải thiện điều kiện, điều khoản. Đồng thời, tăng cường ý thức của người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu rủi ro đạo đức, cải thiện chất lượng dịch vụ. 

Doanh nghiệp cũng cần tăng cường hợp tác với các nhà bảo hiểm/tái bảo hiểm quốc tế để phát triển sản phẩm và kênh phân phối mới. Áp dụng công nghệ trong quá trình triển khai phát triển sản phẩm và kênh phân phối bên cạnh các kênh phân phối truyền thống.

Với các nghiệp vụ bảo hiểm có kết quả kinh doanh không tốt trong nhiều năm liền, ngoài việc tăng cường công tác quản trị, doanh nghiệp nên phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để hoàn chỉnh, ban hành mới các chính sách quản lý liên quan.

Liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, cần cẩn trọng đánh giá rủi ro và định phí  khi khai thác bảo hiểm. Bởi lẽ, xu hướng giảm giá phí và mở rộng điều kiện/điều khoản thực sự là mối quan ngại trong vài năm trở lại đây.

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu,  cần đặc biệt quan tâm trong định phí cho các rủi ro phụ, tàu già, rủi ro do thiên tai…

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm, cần tăng cường tuyên truyền, khơi dậy nhu cầu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về bảo hiểm trách nhiệm; áp dụng phổ biến các bộ điều kiện, điều khoản mà Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã ban hành.

Bên cạnh đó, chú trọng quản trị doanh nghiệp nói chung, lĩnh vực quản trị rủi ro và các kỹ năng định phí nói riêng. 

Tin bài liên quan