Năm 2022, nhiều tổ chức nhận định, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng khoảng 20 - 25%

Năm 2022, nhiều tổ chức nhận định, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng khoảng 20 - 25%

Dự báo điểm đến dòng tiền 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một số chuyên gia và nhà đầu tư chuyên nghiệp, năm 2022, việc lựa chọn kênh đầu tư đòi hỏi nhiều chất xám và chọn ngành để đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng vậy.

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Giám đốc Tư vấn và nhận định thị trường Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Năm 2022, GDP có thể tăng 6,8%, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (6 - 6,5%). Bên cạnh đó, sự phục hồi của tiêu dùng nội địa hậu Covid-19 cùng với chính sách tài khoá, tiền tệ nới lỏng và gói kích thích kinh tế sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán.

Tôi cho rằng, có 3 chủ đề đầu tư trọng điểm trong năm nay. Thứ nhất, xu hướng tiềm năng được kế thừa năm 2021 với các nhóm ngành đầu tư công, siêu chu kỳ giá hàng hoá và năng lượng sạch. Sự ra đời của Quy hoạch điện VIII với trọng điểm đầu tư là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các nhà máy sản xuất điện khí, nhà máy điện gió, điện mặt trời sẽ trực tiếp được hưởng lợi.

Thứ hai, xu hướng hồi phục từ đáy đại dịch với nhóm ngành xuất khẩu. 15 hiệp định thương mại tự do sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hạ tầng cho xuất nhập khẩu có dư địa tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, sự hồi phục dòng vốn FDI và sản xuất khu công nghiệp là lợi thế cho các đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp và các ngành nghề đi theo sự phát triển của các khu công nghiệp. Sự hồi phục từ đáy đại dịch cũng sẽ tạo đà tăng trưởng cho các ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, du lịch, khách sạn...

Thứ ba, câu chuyện riêng của năm 2022 đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Tín dụng tăng trưởng cao và sự hồi phục kinh tế sẽ là điểm sáng cho ngành ngân hàng “bật dậy”.

Tuỳ theo kinh nghiệm, kiến thức và mục đích của mỗi nhà đầu tư mà sự chọn lựa nhóm ngành sẽ khác nhau. Nhà đầu tư lâu năm có thể chọn nhóm dầu khí, ngân hàng, năng lượng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp. Còn nhà đầu tư mới và nhà đầu cơ thường ham “lướt sóng” có lẽ sẽ ưa thích những cổ phiếu có mặt bằng giá thấp như trong nhóm bất động sản, vận tải biển, vận tải dầu khí.

Với các nhà đầu tư giá trị, hay còn gọi là nhà đầu tư tích sản, họ thường ít sử dụng đòn bẩy và luôn có chiến lược rõ ràng. Nhóm đầu tư này chấp nhận chờ đợi và không ngại đầu tư vào những ngành có mặt bằng giá cao. Tâm điểm chú ý có thể sẽ thuộc về nhóm cổ phiếu hàng không, du lịch, y tế.

Bà Hoàng Lê Tâm, Nhà đầu tư chuyên nghiệp

Các nhà đầu tư vừa trải qua một đợt điều chỉnh khá sốc, có người “cháy” tài khoản vì sử dụng “kho hàng” (một dịch vụ cho vay mua chứng khoán không chính thức). Những người cân bằng được danh mục sẽ có cơ hội đi tiếp trên thị trường.

Hiện tại, chúng tôi quan tâm sóng ngành nào sẽ mạnh sau Tết. Cá nhân tôi cho rằng, cổ phiếu bất động sản vẫn có sóng. Cổ phiếu ngân hàng hay thép rất khó tạo sóng, nhất là khi báo cáo tài chính quý IV/2021 của một số đơn vị trong cả hai ngành này cho thấy kết quả kinh doanh thua lỗ như Bản Việt, Bắc Á, Thép Vicasa - Vnsteel...

Quan sát của tôi nhiều năm qua cho thấy, khi các nhà tạo lập tạo sóng thì những doanh nghiệp tệ trong ngành đều công bố lãi với những mục tiêu như phát hành cổ phiếu tăng vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hoặc đặt kế hoạch kinh doanh rất cao. Ngành nào mà có vài doanh nghiệp báo lỗ thì thường không có sóng ngành trong ngắn hạn, thậm chí trung hạn.

Tháng 1 năm ngoái, thị trường có một cú sập nặng, sau đó là sóng ngân hàng nổi lên khi thị trường hồi phục, những mã cổ phiếu kém nhất trong ngành cũng “tưng bừng”. Năm nay, hiện tượng đó có thể diễn ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản. Thông thường, trước mỗi đợt sóng, các “nhà tạo lập” có những chiêu thức để nhà đầu tư khác bán sạch, hoặc bán phần lớn cổ phiếu.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty SGI Capital

Hai biến số có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường chứng khoán năm 2022 là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và khả năng tăng trưởng kinh tế nói chung, các doanh nghiệp trên sàn nói riêng.

Về biến số thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố giảm quy mô mua lại trái phiếu và sẽ tăng lãi suất trong năm 2022. Theo thống kê của SGI Capital, tính đến nay đã có 30% ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt các gói hỗ trợ và tăng lãi suất trở lại. Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022.

Điều đó sẽ khiến tình trạng dư thừa thanh khoản không còn và các tài sản hưởng lợi từ dòng tiền dễ dãi trước đó bị ảnh hưởng. Cổ phiếu công nghệ, tài sản số là tiền số, tài sản mã hoá, các cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao đã có đà tăng nóng sẽ nhạy cảm với môi trường lãi suất tăng.

Với biến số thứ hai, kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số VN-Index đã tăng 35,7% trong năm 2021, trùng hợp với con số tăng 35% của lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).

Điều đó có nghĩa, VN-Index tăng trưởng bằng đúng sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. P/E của VN-Index là 16 - 17 lần, dù chỉ số tăng 35,7% trong năm qua, chứng tỏ thị trường chứng khoán đi lên bằng yếu tố nội tại, đó là khả năng tăng trưởng tốt của lợi nhuận doanh nghiệp.

Năm 2022, nhiều tổ chức nhận định, EPS tăng khoảng 20 - 25%. Theo đó, cuối năm 2022, P/E của VN-Index nếu giữ ở mức 16 - 17 lần thì chỉ số có thể đạt 1.800 điểm. Hiện tại, không ít định chế tài chính, công ty chứng khoán dự báo, VN-Index sẽ đạt 1.700 - 1.800 điểm, tức EPS tăng 20% trở lên.

Năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, đi sau về dịch bệnh so với nhiều nước trên thế giới. Do đó, dựa trên nền tảng thấp của của năm ngoái, chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng trên 20% trong năm nay.

Biến số lớn nhất đó là thị trường quyết định trả P/E bao nhiêu cho các cổ phiếu. Trong 5 năm vừa qua, P/E của VN-Index dao động phổ biến trong khoảng 16 - 17 lần. Với bối cảnh Việt Nam hiện tại, mặt bằng lãi suất thấp, mặt bằng định giá chung có thể duy trì như vậy trong dài hạn.

Song năm 2022 và một vài năm sau đó, VN-Index có một biến số khác, đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi và thị trường có thể bùng nổ trước khi được nâng hạng. Thống kê của SGI Capital cho thấy, P/E của các thị trường mới nổi trong khu vực dao động từ 20 - 25 lần.

Tất nhiên, việc nâng hạng bao gồm nhiều bước, quy trình và có những điều cần phải làm, mất khoảng 2 - 3 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, dòng tiền sẽ tìm đến và định giá được nâng dần lên.

Lưu ý, khi đồng tiền không còn dễ dãi, việc chọn lựa kênh đầu tư đòi hỏi nhiều chất xám. Điều đó quyết định hiệu quả đầu tư cao hơn.

Thực tế, năm nào cũng có làn sóng đầu tư vào tài sản. Nửa đầu năm 2021, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu cơ bản tốt, kể từ tháng 6 chuyển sang nhóm vốn hoá nhỏ và vừa, nhóm đầu cơ, nhóm bất động sản.

Bây giờ, cổ phiếu “trà đá” có giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu rất ít, trong khi cách đây nửa năm có hơn 100 mã. Những cổ phiếu tăng từ vài ngàn đồng lên 25.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu rất nhiều, một số mã tăng 7 - 10 lần chỉ trong 3 - 4 tháng cuối năm 2021. Không doanh nghiệp nào có sự tăng trưởng đột phá trong một thời gian ngắn như vậy, nên sự tăng giá đó chủ yếu là do yếu tố đầu cơ. Rủi ro của cổ phiếu đầu cơ trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ lớn hơn.

Tin bài liên quan