Tăng trưởng GDP 2019 dự báo từ 6,9-7,2%
Ở kịch bản cơ sở, NCIF dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt mức 6,83% và năm 2019 tăng trưởng cao hơn, ở mức 6,9-7%. Ở kịch bản khả quan hơn, nếu tăng trưởng kinh tế 2018 về đích ở mức 6,9%, thì năm 2019 dự kiến tăng 7,1-7,2%.
Mặc dù kinh tế thế giới trên đà suy giảm, nhưng theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo của NCIF, có cơ sở để nhận định khả quan về kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020.
Trước hết, thương mại và đầu tư dự báo sẽ được đẩy mạnh nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sẽ được ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...
Tiếp đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc dẫn tới sự chuyển dịch xu hướng đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, cũng như dòng vốn từ các nước khác vào Việt Nam.
Về nội tại trong nước, TS. Đức Anh cho rằng, việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh được tăng cường, với nỗ lực của Chính phủ trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự gia gia nhập thị trường của doanh nghiệp, cũng như thu hút dòng vốn FDI. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng trong năm 2019 được dự báo tiếp tục gia tăng nhờ sự phát triển của tầng lớp trung và thượng lưu, góp phần tăng sức hấp thụ hàng hóa, sản phẩm tại thị trường nội địa.
“Mặc dù thế giới dự báo xu hướng tăng trưởng của Việt Nam ở mức thấp hơn, với tốc độ trung bình vào khoảng 6,5-6,6%/năm trong giai đoạn 2019-2020 do tác động không thuận từ quốc tế, nhưng nếu Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút tốt nguồn vốn FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thì sẽ phát huy sự tích cực. Thêm vào đó, với việc triển khai một số FTA ngay từ năm tới, tốc độ tăng trưởng có nhiều dư địa để gia tăng”, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc NCIF nhìn nhận.
Những rủi ro bất định
Bên cạnh các yếu tố tích cực, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới của NCIF cũng cảnh bảo nhiều yếu tố rủi ro bất định trong bối cảnh suy giảm của kinh tế thế giới giai đoạn tới. Theo ông Thắng, đây là những thách thức lớn mà nền kinh tế trong nước phải đối mặt trong trung và dài hạn, thậm chí có nhân tố là ngắn hạn.
Chẳng hạn, về biến động của giá dầu, ông Thắng nhận định, việc Mỹ cấm vận đối với Iran tạo kỳ vọng giá dầu tăng, song thực tế lại giảm mạnh. Trong giai đoạn 2019-2020, biến động đối với mặt hàng nhiên liệu sẽ vẫn là ẩn số.
Mặt khác, sự tác động trái chiều của nhiều yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư, cũng như tăng trưởng của thị trường trong nước, căng thẳng thương mại cùng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan đang ngày càng gia tăng là một xu thế điển hình.
Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang tăng cường bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.
“Việc thực thi các FTA sẽ tạo ra những tác động tích cực thông qua việc giảm thuế quan cho các doanh nghiệp Việt Nam vào các thị trường đối tác. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ tác động từ các biện pháp phi thuế quan sẽ không nhiều bởi các hàng rào bảo hộ như an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, nguyên tắc xuất xứ… gia tăng. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí này thì sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu, dù là có FTA”, TS. Thắng nhận định.
Một khó khăn khác xuất phát từ thực thi các FTA là ảnh hưởng tới chính sách tài khóa và thu chi ngân sách.
“Việc tham gia các FTA tác động không nhỏ tới ngân sách nhà nước, nên Chính phủ buộc phải tăng một số khoản thuế, phí. Điều này ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp và xã hội, còn tác động tích cực trong việc giảm thuế quan chưa rõ ràng. Đây cũng sẽ là một thách thức lớn với Việt Nam khi tham gia các FTA”, ông Thắng phân tích.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc - EU) diễn ra căng thẳng hơn sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường đối với thị trường ngoại hối, tài chính, từ đó ảnh hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Với độ mở kinh tế lên tới 90% của nền kinh tế hiện nay, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có thể chịu tổn thương nặng nề trước các cú sốc tài chính, thương mại nếu nền tảng trong nước không vững chắc.
Về tổng thể, NCIF nhận định, tăng trưởng năm 2019 có thể vẫn giữ mức cao nhờ kế tiếp đà tăng từ năm 2018, nhưng trong trung và dài hạn, khi nền kinh tế trong nước “ngấm đủ” tác động từ bên ngoài sẽ dẫn tới những hệ quả lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế và chuỗi sản xuất trong nước, lúc đó mới là ảnh hưởng lớn nhất.
Đặc thù nền kinh tế Việt Nam khi gặp rủi ro sẽ hấp thụ rất nhanh, trong khi chuyển hóa được các cơ hội lại chậm. Vì thế, nếu không tranh thủ giai đoạn này tích lũy các thuận lợi để tạo nền tảng vững vàng thì sẽ khó chống chịu được các cú sốc trong thời gian tới.
Chú trọng 3 động lực chính
Chỉ rõ những bất lợi của tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 như tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI, tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức cao, kéo dài, tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ lệ nợ công và nghĩa vụ trả nợ lớn..., các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm giữ tốc độ tăng trưởng cao trong cả ngắn, trung và dài hạn, Việt Nam cần dựa vào 3 động lực trụ cột: Phát triển khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để phát triển kinh tế tư nhân, song mới chỉ dừng ở việc khơi vấn đề. Do vậy, rất cần thể chế hóa bằng các chính sách cụ thể tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Về tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vốn ảnh hưởng lớn tới tái cấu trúc nền kinh tế, vị chuyên gia này cho rằng, cần đẩy nhanh tái cơ cấu các doanh nghiệp từ các bộ chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để nâng cao hiệu quả khu vực này.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp đẩy nhanh thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước cần chuyển về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần đặt rõ mục tiêu đạt được hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh thông qua lượng hóa rõ ràng việc triển khai thực thi ở cấp dưới trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp, chuyển hóa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng số doanh nghiệp gia nhập thị trường.