Bị cáo Phạm Mạnh Cường (sinh năm 1952, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST) lĩnh mức án chung thân và Nguyễn Thị Minh Thương (sinh năm 1964, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án) bị phạt 20 năm tù. Ngoài mức hình phạt trên, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc Công ty TST phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho các khách hàng.
Điều này khiến hàng chục khách hàng rót vốn vào đây “chưng hửng”. Bởi lẽ, cơ quan điều tra đã xác định đích đến của nguồn tiền, nhưng cơ quan tố tụng lại không đưa người có trách nhiệm tham gia phiên tòa để giải quyết triệt để vấn đề dân sự của vụ án.
Cơ quan điều tra đã xác định số tiền TST huy động vốn trái phép của các khách hàng là 265,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới có 88 bị hại đến trình báo với số tiền bị chiếm đoạt là 166,7 tỷ đồng. Số tiền trên, Công ty TST đã đưa cho bị cáo Nguyễn Thị Minh Thương 249 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng chuyển nhượng dự án cho CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải. Công ty Hưng Hải đang cầm giữ số tiền trên. Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 28/3-30/3/2019, Hội đồng xét xử xác định Công ty Hưng Hải là người làm chứng của vụ án. Đặc biệt, công ty này vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (bào chữa cho bị cáo Cường) cho rằng, người làm chứng chỉ là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án. Song Công ty Hưng Hải là phía ký kết hợp đồng chuyển nhượng 90% dự án cho Công ty TST và hiện đang cầm 248 tỷ đồng tiền Công ty TST huy động vốn từ khách hàng. Vì vậy, Công ty Hưng Hải không phải là người làm chứng, mà phải xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe cũng đề nghị tòa án phải xem xét lại vai trò của Công ty Hưng Hải. Luật sư cho rằng, nếu xác định Công ty Hưng Hải là người làm chứng, thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, trường hợp người làm chứng cố ý vắng mặt mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì tòa án có thể dẫn giải họ đến tòa, sau đó phải xác định họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Việc xác định vai trò tham gia tố tụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, ở từng địa vị pháp lý khác nhau, người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ khác nhau.
Trong vụ án này, nếu tòa án xác định Công ty Hưng Hải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì họ buộc phải chấp hành quyết định của cơ quan tố tụng. Tức là, nếu tòa án xác định số tiền 248 tỷ đồng là vật chứng của vụ án thì Công ty phải giao trả lại cho Công ty TST để thi hành án và bồi thường cho các bị hại. Đây cũng là điều mà khách hàng kỳ vọng tại phiên tòa xét xử này, bởi vì mục tiêu lớn nhất của họ là lấy lại tiền.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, năm 2018, Công ty Hưng Hải đã có đơn khởi kiện dân sự đối với Công ty TST để yêu cầu thanh toán nốt số tiền còn lại của hợp đồng. Theo hợp đồng ký kết năm 2010, giá trị hợp đồng là 295 tỷ đồng. Công ty TST mới thanh toán 248 tỷ đồng, còn nợ hơn 40 tỷ đồng. Vấn đề dân sự đang được giải quyết ở vụ kiện khác nên tòa án không xem xét trong vụ án hình sự này.
Trước phán quyết trên, phía khách hàng cho biết họ sẽ làm đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Theo cáo buộc, Dự án Viet-inc do CTCP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt là chủ đầu tư và Công ty Hưng Hải góp vốn 90%. Năm 2008, dự án bị tạm dừng triển khai do TP. Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Mặc dù dự án chưa có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhưng Công ty Hưng Hải và Công ty Bất động sản Việt đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty TST.
TST nhận chuyển nhượng từ Công ty Hưng Hải 90% quyền thực hiện dự án, tương đương 295 tỷ đồng; gấp 5 lần số tiền Công ty Hưng Hải đã bỏ ra ban đầu.
Công ty Hưng Hải chưa bàn giao hồ sơ giấy tờ dự án, song Nguyễn Mạnh Cường đã thống nhất với Nguyễn Thị Minh Thương tạo lập bản đồ quy hoạch, thay đổi quy hoạch, chủ yếu bán nhà liền kề để tăng lợi nhuận. Các bị cáo trực tiếp và thông qua các sàn bất động sản để huy động vốn khách hàng trái phép.
Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, bản chất hợp đồng hợp tác giữa ba pháp nhân là chuyển nhượng dự án đầu tư trái pháp luật vì dự án vẫn đang làm thủ tục, chưa được giao đất. Đây là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Ông Nguyễn Mạnh Cường đã làm việc với ông Mai Thạch Kim (Giám đốc Công ty Hưng Hải) và Vũ Văn Tâm (Giám đốc Công ty Bất động sản Việt) để thanh lý hợp đồng, lấy lại tiền song họ cố tình lẩn trốn, quanh co, không hợp tác.