Dự án Sân bay Long Thành: thu cổ phần hóa Vietnamairport giải phóng mặt bằng

Dự án Sân bay Long Thành: thu cổ phần hóa Vietnamairport giải phóng mặt bằng

(ĐTCK) Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành là 18,7 tỷ USD, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng ở giai đoạn 1 giảm so với dự trù ban đầu là 2.232,6 tỷ đồng, tương đương 106,31 triệu USD.

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Báo cáo giải trình bổ sung về dự án này, tổng mức đầu tư 3 giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD, trong đó, giai đoạn 1 là 7,837 tỷ USD, giai đoạn 2 là 3,818 tỷ USD và giai đoạn 3 là 7,061 tỷ USD.

Theo tính toán trong báo cáo đầu tư dự án, tổng chi phí giải phóng mặt bằng là 24.082 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1.

Sau khi tiến hành kiểm tra khảo sát, UBND tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo vào ngày 6/10 vừa qua, trong đó cập nhập lại số liệu về chi phí.

Cụ thể, tổng chi phí giải phóng mặt bằng là 18.537 tỷ đồng. Trong đó, chi phí ở phân kỳ 1 là  là 7.764,9 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2019); phân kỳ 2 là 10.772,5 tỷ đồng (giai đoạn 2024- 2026).

Như vậy, tổng chi phí giải phóng mặt bằng giảm so với dự trù ban đầu là 2.232,6 tỷ đồng, tương đương 106,31 triệu USD.

Đồng thời, tổng vốn ngân sách sử dụng cho giai đoạn 1 của dự án là 21.849,4 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn đầu là 11.076,9 tỷ đồng và giai đoạn tiếp theo là 10.772,5 tỷ đồng.

Để giảm phần vốn ngân sách dự kiến phải chi trong giai đoạn đầu của dự án, Chính phủ kiến nghị, cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Vietnamairport) được sử dụng khoản tiền thu từ cổ phần hóa Tổng công ty và các công ty con để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phân kỳ 1 với số tiền dự kiến là 5.000 tỷ đồng. Số tiền giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng phải bố trí từ Ngân sách nhà nước chỉ còn 6.076,9 tỷ đồng.

Cũng theo Báo cáo này, vốn vay ODA sử dụng cho các hạng mục khác như đường cất hạ cánh, sân đậu, trang thiết bị phục vụ bay… do DN đầu tư vay lại vốn ODA từ Chính phủ và tự trả nợ.

Vốn huy động ngoài nhà nước (vốn DN, hợp tác công tư – PPP) cho các hạng mục đầu tư có khả năng thu hồi vốn như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… giai đoạn 1 là 92.648 tỷ đồng, chiếm 56,3%. 

Trước đây, khi dự án này được đưa ra cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đã có nhiều ý kiến phản biện về câu chuyện vốn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vừa đưa ra tiếp tục cho rằng, con số 164.589 tỷ đồng mới chỉ là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn:18,7 tỷ USD.

Chưa kể, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với Cảng hàng không Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư dự án.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đầu tư xây dựng sân bay Long Thành từ nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách khó khăn là chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Do đó, có ý kiến đại biểu đề nghị việc huy động vốn cần quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, theo đó, huy động vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư.

Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng, dự án với phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn đến sau năm 2030 là quá dài, đề nghị rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Tin bài liên quan