Tổng mức đầu tư 
của Sân bay Long Thành dự kiến là
15,8 tỷ USD

Tổng mức đầu tư của Sân bay Long Thành dự kiến là 15,8 tỷ USD

Dự án Sân bay Long Thành, còn nhiều ý kiến khác nhau

(ĐTCK) Hôm qua (4/6), Quốc hội đã thảo luận về siêu dự án Sân bay Quốc tế Long Thành. Nhìn chung, chủ trương xây dựng sân bay được các đại biểu đồng tình, nhưng với một số vấn đề cụ thể của dự án, vẫn còn ý kiến khác nhau.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) nhấn mạnh, cần làm sớm sân bay Long Thành, bởi nguy cơ quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đã hiện rõ. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải bến đỗ, quá tải nhà ga còn có thể tạm giải quyết, nhưng quá tải không lưu thì không giải quyết được. Theo báo cáo, đến năm 2025, mới hoàn thành giai đoạn 1 của sân bay Long Thành, nhưng đến năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, vì thế phải làm sớm để đảm bảo hàng không thông suốt.

Các đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Trần Hoàng Ngân, Nguyễn Thái Học… đều tán thành chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Nhưng khi đi vào chi tiết, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn ở một số vấn đề. 

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trình bày đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, đã hoạt động hết công suất thiết kế. Một số phương án khác được đưa ra để giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đều không khả thi hoặc đắt đỏ.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần sớm xây dựng sân bay Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu trở thành sân bay trung chuyển quốc tế của khu vực.

Dự án đòi hỏi phải giải phóng 2.750 héc-ta với kinh phí giải phóng một lần là 9.540 tỷ đồng. Phần diện tích còn lại gồm 1.050 héc-ta dành cho quốc phòng và 1.200 héc-ta dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không sẽ được giải phóng mặt bằng trong các dự án độc lập khác.

So với báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tổng mức đầu tư có sự thay đổi so với ban đầu, từ 18,7 tỷ USD xuống 15,8 tỷ USD. Trong đó, giảm phần lớn là ở giai đoạn 1, giảm từ 7,8 tỷ USD xuống còn 5,2 tỷ USD.

Theo báo cáo, việc giảm mức đầu tư là do Chính phủ giảm phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư, từ 5.000 héc-ta xuống còn 2.750 héc-ta, giảm hạng mục đầu tư và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư, áp dụng đơn giá thực tế tại Việt Nam, thay vì đơn giá theo suất đầu tư của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại đề xuất với Quốc hội giải phóng mặt bằng một lần và thu hồi toàn bộ diện tích 5.000 héc-ta của Dự án (tăng khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750 héc-ta). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ngoài nhu cầu đất trực tiếp dùng cho Dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng rất cần thiết, không nên tách rời khỏi Dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, việc thu hồi đất không nên gộp chung lại, trước mắt nên thu hồi một lần 2.750 héc-ta dành cho sân bay. Diện tích dành cho quốc phòng và thương mại dịch vụ nên thu hồi trong từng dự án triển khai sau này. Việc thu hồi toàn bộ 5.000 héc-ta sẽ đôn chi phí lên.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân thừa nhận Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, có tính lan tỏa nhưng đặt vấn đề, việc đặt tỷ suất sinh lời 24,5% là quá cao, trong khi tỷ suất sinh lời bình quân toàn xã hội là 12 - 15%. Nếu tính bằng USD thì càng cao vì lãi suất gửi USD 1%, vay USD thì 3 - 4%/năm.

Đại biểu Ngân đề nghị, khi lập Báo cáo khả thi, Chính phủ cần tính thêm chi tiết như là độ nhạy của dự án và lường trước biến động kinh tế - chính trị hiện nay. Riêng với việc giải phóng mặt bằng, đại biểu Ngân đề nghị tách riêng phần thu hồi cho sân bay và phần còn lại để làm rõ trong Nghị quyết và chú ý sau này khi giao đất sạch cho doanh nghiệp khai thác thì phải đấu thầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Đáng chú ý, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ băn khoăn, Dự án sân bay Long Thành là dự án thành phần của quy hoạch tổng thể khu vực Đông Nam Bộ. Các dự án thành phần khác đã triển khai rồi mà bây giờ mới bàn đến việc có làm hay không làm sân bay Long Thành. Nếu không làm thì cả quy hoạch bị vỡ và sẽ rất lãng phí.

Khẳng định quan điểm ủng hộ chủ trương xây sân bay Long Thành, song đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị, cần đẩy mạnh việc tiếp thu ý kiến của nhân dân và của giới chuyên môn để người dân yên tâm, tin tưởng. Đồng thời, cần thay đổi cách làm, không chỉ với Dự án sân bay Long Thành, để các đại biểu không cảm thấy được đặt vào tình thế đã rồi.        

Tin bài liên quan