Dự án khiến VEAM “bay hơi” hàng triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù dự án chưa được phê duyệt đầu tư nhưng Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp – VEAM đã chi 2,5 triệu USD để thực hiện dự án.

Theo kết luận điều tra, VEAM được thành lập năm 1995, hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước, thuộc Bộ Công thương. Từ năm 2017, VEAM chuyển sang công ty cổ phần, vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, vốn nhà nước vẫn chiếm 88,47%.

Ngày 10/4/2014, HĐTV của VEAM đã nghị quyết số 04 phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư là 1.357 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2022.

Theo các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, Bộ Công thương là đơn vị chủ quản của VEAM, có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, chấp thuận nội dung dự án trên (phê duyệt báo cáo dự án khả thi – F/S).

Ngày 22/9/2014, VEAM báo cáo Bộ Công thương xin ý kiến về chủ trương đầu tư. Ngày 9/10/2014, Bộ Công thương có văn bản nêu: “VEAM cần làm rõ nguồn vốn đầu tư (kể cả phương án liên doanh) và thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”.

Vào thời điểm đó, ông Trần Ngọc Hà là Tổng giám đốc VEAM, đã ký tờ trình nội dung về việc phê duyệt phương án thực hiện lập báo cáo khả thi. Ngày 11/3/2016, HĐTV của VEAM có nghị quyết phê duyệt.

Theo đó, Công ty thuê Công ty TNHH ISEKI Nhật Bản thực hiện tư vấn kỹ thuật, công nghệ và thiết bị sản xuất với giá trị hợp đồng là 100.000 USD.

Đến ngày 11/3/2016, HĐTV đã họp phiên mở rộng, đồng ý ký hợp đồng với ISEKI. Đến tháng 7/2016, ông Trần Ngọc Hà và ISEKI tiếp tục ký hợp đồng cung cấp li-xăng với giá 2,5 triệu USD. Đây là hợp đồng không được hủy ngang. Theo đó, ISEKI sẽ tiết lộ và cung cấp cho VEAM các thông tin kỹ thuật liên quan đến việc sản xuất, lắp ráp, bán và cung cấp dịch vụ cho máy kéo…

Ngày 28/12/2016, ông Trần Ngọc Hà tiếp tục gửi tờ trình lên Bộ Công thương về việc thẩm định thiết kế cơ sở dự án. Bộ Công thương có kết luận: “Thực hiện phê duyệt lại hoặc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án… Đối với những tồn tại và thiếu sót trong hồ sơ thiết kế cơ sở, chủ đầu tư cần tiếp thu sửa đổi bổ sung theo kiến nghị…”.

Sau khi tiến hành thẩm định lại dự án, ngày 5/10/2018, ông Bùi Quang Chuyện - khi đó là Chủ tịch HĐQT của VEAM đã ký văn bản gửi Bộ Công thương đánh giá: “Dự án sẽ không đạt được thông số trong báo cáo khả thi về công suất 10.000 máy kéo/năm, thời gian thu hồi vốn… dẫn đến dự án sẽ không có hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro…” và kết luận: “Đề nghị không tiếp tục dự án”.

Do đó, ngày 5/11/2018, Bộ Công thương có văn bản đồng ý với kết luận trên. Đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của HĐTV/HĐQT VEAM và các cá nhân liên quan trong việc thẩm định, quyết định các nội dung chuẩn bị đầu tư.

Năm 2019, Thanh tra Bộ Công thương có kết luận việc không thực hiện dự án dẫn đến thiệt hại chi phí là hơn 69 tỷ đồng.

Tuy nhiên, VEAM đã thu hồi hơn 9,4 tỷ đồng đặt cọc thuê đất và một số chi phí khác thuộc giai đoạn chuẩn bị dự án nên không bị xem xét trách nhiệm.

Kết quả điều tra xác định, việc ký hợp đồng li-xăng khi chưa có quyết định đầu tư là sai phạm, gây thiệt hại cho nhà nước 2,5 triệu USD (hơn 56,5 tỷ đồng).

Xác minh tại Bộ Công thương thể hiện, đơn vị này chỉ ban hành Quyết định số 6369 phê duyệt danh mục dự án không phải là quyết định phê duyệt chấp thuận đầu tư.

Tại cơ quan điều tra, ông Hà trình bày việc ký hợp đồng li-xăng với ISEKi để VEAM lập báo cáo khả thi chính xác hơn. Công ty có thể sử dụng các thông tin từ hợp đồng vào việc khác, song ông Hà cũng thừa nhận việc này không mang lại hiệu quả.

Về việc ký các chứng từ thanh toán cho ISEKI khi dự án chưa có quyết định định đầu tư, chưa có dự toán được duyệt, ông Hà khai nhận không nhớ có thực hiện đúng các quy định hay không.

Tin bài liên quan