Hiện có khoảng 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển của các liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước được nộp, vượt dự đoán của chính Bộ GTVT. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng các nhà đầu tư hạ tầng, tài chính trong và ngoài nước đối với một trong những dự án giao thông có quy mô về vốn cùng sức lan tỏa lớn bậc nhất Việt Nam trong 5 năm tới.
Trong vòng 2 tháng tới, các cơ quan chức năng của bên mời thầu sẽ phải đánh giá khách quan trên cơ sở các tiêu chí mời sơ tuyển đã được công bố trước đó để chọn ra tối đa 40 nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm nhất, đưa vào danh sách ngắn nhận hồ mời mời thầu chính thức vào tháng 10/2019.
Đã có không ít tiếc nuối khi trong các bộ hồ sơ dự sơ tuyển được nộp thiếu vắng khá nhiều doanh nghiệp tư nhân tên tuổi trong nước từng được kỳ vọng là sẽ tạo ra đối trọng mạnh với các nhà đầu tư nước ngoài. Những đơn vị này, với năng lực của mình, hoàn toàn có thể tự đứng độc lập thay vì phải chấp nhận liên danh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc tìm cách liên kết với 3-4 nhà đầu tư nội khác để thỏa mãn các tiêu chí tối thiểu về vốn chủ sở hữu hoặc công trình tương tự. Có thể, các nhà đầu tư này đã có sự lựa chọn khác cho các lĩnh vực đầu tư vốn thuộc thế mạnh của họ hoặc ít rủi ro hơn so với các dự án hạ tầng.
Ngay trước khi hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành, đã xuất hiện những ý kiến đề xuất hạ tiêu chí để các nhà đầu tư trong nước có thể tham gia nhiều hơn tại các dự án PPP cao tốc Bắc Nam.
Cần phải nói thêm rằng, khác với đấu thầu rộng rãi xây lắp quốc tế – nơi các nhà thầu ngoại với ưu thế về năng lực thi công thường lấn sân, giành việc của các nhà thầu nội, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP đơn giản là việc chọn những nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt nhất mang vốn tới Việt Nam để đầu tư. Với mục đích này, càng nhiều nhà đầu tư ngoại đưa vốn vào Việt Nam thì càng được hoan nghênh, bởi điều đáng lo nhất là không tìm được nhà đầu tư. Đó là chưa kể việc, với quy mô vốn đầu tư lên tới 4 - 5 tỷ USD, trong đó phần vốn góp của nhà đầu tư tư nhân từ 2 đến 3 tỷ USD, 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam chính là những công trình thâm dụng vốn đầu tư rất lớn và kéo dài.
Nhìn ở góc độ khác, việc hạ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước rất có thể khiến bên mời thầu chọn phải những nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, năng lực yếu kém như đã từng xảy ra tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1.
Trong cuộc đấu này, nếu doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, thì đó là tín hiệu tích cực cho thấy sự vươn lên của nhà đầu tư nội. Việc nhà đầu tư Việt Nam không trúng cũng không phải là vấn đề quá lớn, nhất là khi mục tiêu quan trọng nhất là chọn ra được nhà đầu tư tốt nhất, có sự tin tưởng cao nhất để trao gửi tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Cần nói thêm rằng, sơ tuyển chỉ một trong hai bộ lọc đầu tiên trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Hiện tại, cùng với việc tiến hành mở và đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng cho 8 dự án cao tốc Bắc – Nam triển khai theo hình thức PPP. Đây chính là bộ lọc thứ hai, đóng vai trò quyết định sự thành bại của các dự án và cũng là thách thức lớn nhất đối với bên mời thầu trong giai đoạn hiện nay.
Do chưa có kinh nghiệm, quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu cần sự chung tay của các bộ ngành, thay vì để Bộ GTVT đơn độc. Trên thực tế, nếu không đưa được các cơ chế kiểm soát hữu hiệu liên quan đến tiến độ huy động vốn, tiến độ thi công, sử dụng nhà thầu nội, vật tư do Việt Nam sản xuất... thì nguy cơ chủ dự án bị các nhà đầu tư qua mặt là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thể còn phải bồi thường do không lường trước được các rủi ro liên quan tới giải phóng mặt bằng, bố trí vốn... cho nhà đầu tư, bất kể họ đến từ quốc gia nào.