Dự án cao tốc Bắc-Nam đã giải phóng mặt bằng được hơn 90%

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra thực tế, phối hợp với địa phương, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam.
Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam. (Nguồn: TTXVN)

Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam. (Nguồn: TTXVN)

Khối lượng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam chỉ còn khoảng 10% nhưng đa phần lại rơi vào phần đất thổ cư nên công việc còn lại sẽ rất phức tạp.

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã đủ điều kiện để bàn giao mặt bằng tương đương với chiều dài tuyến là 594,4 km/652,77km (đạt 91,1%).

Trong đó, các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt trên 95% gồm Quảng Trị (100%), Thừa Thiên Huế (97,4%), Ninh Thuận (96,7%), Bình Thuận (95,4%), Vĩnh Long (100%).

Các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt dưới 90% gồm Ninh Bình (89,6%), Thanh Hóa (89,4%), Nghệ An (87%), Hà Tĩnh (82,3%), Khánh Hòa (73%), Đồng Nai (85,7%).

“Nếu không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý 3/2020 do vẫn còn các vướng mắc trong triển khai một số khu tái định cư, và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật,” đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cảnh báo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng mặc dù hơn 90% công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành nhưng phần lớn đây là đất nông nghiệp, do vậy mặc dù chỉ còn khoảng 10 % mặt bằng cần giải phóng nhưng đây lại là phần đất thổ cư nên công việc còn lại sẽ rất phức tạp.

Nếu các đơn vị không quyết liệt sẽ không đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Thể yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra thực tế, bám sát, phối hợp với địa phương trong công tác mặt bằng, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tập trung giải quyết ngay các vướng mắc về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện hạ thế, cấp thoạt nước, cáp quang.

Cơ bản di dời xong các công trình này trong tháng 10/2020 và hoàn thành toàn bộ việc di dời này trong năm 2020.

Đối với hệ thống công trình điện cao thế, ông Thể chỉ đạo các Ban quản lý dự án phải khẩn trương làm việc, phối hợp với Tổng công ty truyền tải điện Việt Nam để thực hiện di dời, chậm nhất trong tháng 6/2021 phải hoàn thành công tác này.

Đối với các khu tái định cư, Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo các đơn vị quản lý dự án tuân thủ đúng quy định của Chính phủ về xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn mới, không đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vượt quá quy mô đã được quy định.

Bộ trưởng Thể cũng giao Vụ Kế hoạch và Đầu tư điều hòa đáp ứng đủ dủ vốn cho các dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn trung hạn cho các dự án có tiến độ và giải ngân tốt.

Hiện nay, ngành Giao thông Vận tải đang khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp để có thể sớm triển khai đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư trong tháng 9/2020; khởi công 5 dự án thành phần PPP trong quý 2/2021.

Bộ Giao thông Vận tải cũng phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.

Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông được triển khai chia thành 11 dự án thành phần (6 dự án đầu tư công, còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT) với tổng chiều dài 654 km đi qua địa phận 13 tỉnh (Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long).

Tổng mức đầu tư của 11 dự án là khoảng 100.816 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

Tin bài liên quan