Bên cạnh những vườn cây cà phê bạt ngàn, ở mảnh đất bazan huyền thoại, Dray Sap được coi như một di sản của núi rừng Tây Nguyên, bởi vẻ hùng vỹ của dòng nước đổ xuống mặt suối mát trong như thanh xuân và sức trẻ, dồn dập, mạnh mẽ, hoang dại, mang đậm hơi thở đại ngàn.
Từ năm 1993, “Tây Nguyên đệ nhất thác” đã được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia.
Nối liền 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, Dray Sap sừng sững như một bức tường thành nước khổng lồ, gắn liền với những truyền thuyết tình yêu được đồng bào truyền miệng.
Chuyện kể rằng, ở hai bên bờ sông Sêrêpôk có một đôi nam nữ đem lòng yêu nhau nhưng bị gia đình cấm đoán. Vì muốn ở bên nhau bên họ đã cùng nhau gieo mình xuống sông. Từ ấy, dòng sông Sêrêpôk chia làm hai nhánh là Krông Knô (Krông là sông, Knô là đực) và Krông Ana (Ana là cái). Dòng chảy nhánh sông đực đã tạo ra thác Dray Sap, và sông cái tạo ra thác Dray Nur, còn được người bản địa gọi là thác Chồng và thác Vợ.
Bên cạnh đó, cũng có một truyền thuyết khác được lưu truyền, kể về đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Ê Đê. Một hôm, người chồng đau bệnh nặng, người vợ, Hmi phải đi tìm lá cây thuốc cho chồng trong rừng sâu. Tuy nhiên, người chồng không thể qua khỏi, vì quá đau lòng, Hmi khóc ròng rã nhiều ngày đêm. Tiếng khóc của nàng vang vọng trời xanh, tới Giàng.
Tiếc thương cho mối tình, Giàng đã tạo ra thác để tưởng nhớ về đức hạnh Hmi. Bởi vậy, thác mới có tên là Dray Sap, nghĩa là thác khói (Dray là thác, Sap là khói).
Drap Sap khiến người ta mê đắm ngay từ con đường dẫn vào thác tựa bức tranh đầy mơ mộng, pha màu sắc cổ tích với những cây cầu đá phủ rêu, những vũng nước trong xanh như ngọc bích, thi thoảng còn có dòng nước nhỏ đổ từ vách đá xuống khiến du khách không thể hào hứng hơn.
Khắp không gian được bao phủ bởi màu xanh của thảm thực vật và cây cổ thụ nhưng vẫn đủ chỗ cho những giọt nắng óng ánh xuyên qua tán cây, đậu trên những hòn đá tròn xoe được dòng nước mài giũa theo thời gian.
Càng vào sâu, những đàn bướm đa sắc càng xuất hiện đông đúc, dập dờn bay lượn như mời gọi, như trêu đùa những vị khách từ phương xa. Rồi bất chợt, một chú chim lạ bất ngờ kêu réo, vụt bay lên không trung, hay những chú sóc chuyền cành đuổi bắt trên cao.
Khung cảnh vắng lặng, vừa hoang sơ, vừa kỳ vĩ, đậm chất ma mị núi rừng Tây Nguyên, thật giống với một vương quốc thần tiên bí ẩn, lẩn khuất mà bạn chợt khám phá ra. Cảm giác ấy thật đong đầy xúc cảm.
Trong chuyến khảo sát và làm việc của Sở Du lịch Hà Nội tại các tỉnh Tây Nguyên mới đây, hướng dẫn viên của Đoàn cho biết, thác Dray Sap được hình thành từ rất lâu về trước, khi các mảng địa chất sụt xuống tạo thành một thung lũng cắt ngang qua dòng sông lớn. Ngọn thác cao khoảng 20m và rộng đến gần 100m. Nhờ vào chiều rộng ấn tượng nên không gian chốn này bao la, mát mẻ, kích thích bước chân khám phá của những tín đồ yêu thích thiên nhiên.
Nằm giữa thiên nhiên xanh rì bởi cây cổ thụ cao vút và cỏ dại, nên nguồn nước ở đây trong xanh và hầu như không nhìn thấy chút vấy bẩn. Đi dọc con đường quanh hồ, men theo vách đá lên đỉnh thác, nơi dòng suối đổ xuống tạo thành thác khói, là đến suối nước trong, nơi mọi người thoải mái đầm mình trong dòng nước trong vắt, mát lạnh.
Thử tưởng tượng, giữa cái nắng oi bức, gắt gỏng của đại ngàn Tây Nguyên, được đắm mình trong làn nước mát lành ấy và chìm đắm trong thanh âm sôi động của dòng nước ầm ào hòa tấu với tiếng lá rừng xào xạc, tiếng chim rừng thánh thót, tiếng ve đầu hè râm ran; rồi tận hưởng những làn gió mang hơi thở thiên nhiên trong veo của hương hoa cỏ thấm vào từng chân tơ, kẽ tóc... thì còn gì tuyệt vời hơn. Tất cả mang đến cảm giác thư thái và yên bình bất tận, để bạn mặc sức thả hồn vào hư không, quên đi những bộn bề thường nhật.
Chưa hết, ngay dưới chân thác, bạn sẽ phát hiện ra những mỏm đá có nhiều hình thù khá kỳ lạ với đủ kích thước, tạo nên vẻ đẹp rắn rỏi, mạnh mẽ của ngọn thác hùng vĩ này.
Khi đã thỏa thuê với dòng nước, bạn có thể tìm cho mình một phiến đá rồi ngồi nghỉ ngơi, thưởng thức hương vị của thiên nhiên tươi mát. Nếu yêu sách thì thêm một quyển sách, thích câu cá thì chuẩn bị cần, thích ca hát thì một cây guitar… vậy là bạn có thể thoải mái phiêu du tâm hồn trong thiên nhiên khoáng đạt rồi.
Những ngày mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, con thác trông rất hiền hòa, êm dịu. Nước trên đỉnh thác có chỗ chỉ xăm xắp mắt cá chân, những hốc đá hiện ra rõ ràng và nổi bật trên nền xanh của mặt nước, của bầu trời và dòng thác trắng xóa.
Còn vào mùa mưa, “thác Khói” đổ nước ầm ào, như sức mạnh của đại ngàn dội về, đầy kiêu hùng, tỏa hơi nước mát rượi, bụi nước bay như sương khói tỏa khắp cả một vùng rộng lớn, thỉnh thoảng còn xuất hiện cầu vồng khiến khung cảnh càng trở nên huyền diệu.
Điều đặc biệt là Đray Sáp chính là con nước cuối của dòng sông chảy ngược huyền thoại Sêrêpôk. Thác không cao vời vợi nhưng đặc biệt ở chỗ được trải dài, nên vào mùa khô, du khách có thể để chân trần lội từ bên này qua bên kia thác.
Nhưng có lẽ, vẻ mộc mạc, hoang dại của Dray Sap sẽ được bộc lộ rõ nét nhất vào mùa lá rụng. Khi ấy, không gian đặc quánh sắc vàng đặc trưng như mùa cháy nắng, rồi những hàng cây trơ trọi khẳng khiu sừng sững, xám xịt đợi chờ thay lớp áo mới đối lập với dòng thác mượt mà, chứng minh cho sức sống tiềm tàng của những người dân đồng bào Tây Nguyên.
Bạn có thể khám phá thác từ đỉnh xuống chân thác hoặc ngược lại. Nhưng dẫu đi từ hướng nào thì bạn vẫn dễ dàng bị hút mắt bởi những tia nước long lanh ánh sắc cầu vồng nhỏ xinh dưới sự bức xạ của ánh mặt trời đầy ấn tượng, khiến ai đến một lần là nhớ, ai gặp một lần là thương...
Mùa hè này, đến Dray Sap khi bình minh lên hoặc lúc hoàng hôn buông màu vàng sóng sánh như mật ngọt, du khách có thể dạo bước trên cây cầu nối sang thác vợ gần đó để chụp hình và thưởng lãm vẻ đẹp ma mị của đại ngàn Tây Nguyên.
Dray Sap chính là hình ảnh đậm nét của đại ngàn Tây Nguyên đất đỏ. Vẻ đẹp ấy vừa mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, lại vẫn giữ được sự dịu dàng, đằm thắm mà chẳng kém phần lãng mạn, là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ đam mê trải nghiệm, khám phá.