Dragon Capital bán 61 triệu CP STB cho chính STB

Dragon Capital bán 61 triệu CP STB cho chính STB

(ĐTCK-online) Gần dây dư luận rất quan tâm đến việc Dragon Capital bán toàn bộ số cổ phiếu STB đang nắm giữ. Tuy nhiên, điều bất ngờ theo chia sẻ của Dragon Capital là Quỹ này chuyển nhượng lại số cổ phiếu STB cho những người liên quan tới STB.

ĐTCK online đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Quỹ đầu tư Dragon Capital liên quan đến vấn đề này.

 

Tại sao lại DC nhượng lại toàn bộ cổ phần tại STB, thưa ông? 

Dragon Capital bán 61 triệu CP STB cho chính STB ảnh 1

Ông Phạm Nguyễn Vinh

Đối với các quỹ đầu tư, việc tái cấu trúc danh mục là một hoạt động định kỳ nhằm đảm bảo danh mục đầu tư của quỹ luôn tuân thủ các tiêu chí đầu tư do các cổ đông của mình đặt ra. Đặc biệt là trước những biến động của  kinh tế thế giới và của Việt Nam hiện nay, việc tái cấu trúc danh mục phải được tiến hành thường xuyên hơn nhằm đảm bảo hiệu quả và mang lại lợi ích tối ưu nhất cho các cổ đông.

Hiện nay, tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngành ngân hàng trong các quỹ của chúng tôi đã rất cao, đồng thời vượt quá các tiêu chí về quản lý danh mục đầu tư và quản trị rủi ro được quy định bởi cổ đông của các quỹ. 

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư của chúng tôi cam kết đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp Việt Nam với thời gian nắm giữ trung bình cho mỗi khoản đầu tư là từ 5 đến 7 năm. Riêng đối với khoản đầu tư vào Sacombank, chúng tôi đã tham gia được 10 năm liên tục từ năm 2000, do đó chúng tôi nhận thấy hiện nay cũng là thời điểm phù hợp để xem xét để nhượng lại khoản đầu tư này. 

 

Xin ông cho biết, ai sẽ là đối tác của vụ chuyển nhượng cổ phần STB của Dragon Capital?

Chúng tôi cũng đã làm việc và thương thảo với Ban quản trị của Sacombank để đạt được các điều kiện tốt nhất cho các bên và đi đến quyết định đồng ý chuyển nhượng lại cho người có liên quan với HĐQT của Sacombank và đối tác do HĐQT giới thiệu.

Đây là quan điểm nhất quán, tương tự như những trường hợp trước đây chúng tôi cũng đã nhượng lại số cổ phần sở hữu của mình cho ban quản lý của ngân hàng PNB và VPB. Thông thường, đối với các khoản đầu tư mà chúng tôi nắm giữ lâu dài và lớn, khi cần cơ cấu, chúng tôi sẽ ưu tiên chào bán cho chính doanh nghiệp để họ có thể tập trung vào ngành nghề chính của mình.

 

Mức giá chuyển nhượng là bao nhiêu, thưa ông?

Thứ nhất, đây là một giao dịch thỏa thuận với khối lượng giao dịch lớn, tương đương hơn 8% vốn của một ngân hàng cổ phần hàng đầu; thứ hai, theo chúng tôi thì giá trị cổ phiếu hiện nay đang giao dịch trên sàn chưa phản ánh đúng với giá trị của ngân hàng. Do đó, mức giá chuyển nhượng sẽ được thực hiện cao hơn giá cổ phiếu STB đang giao dịch trên sàn.

 

Liệu số tiền này có bị rút khỏi Việt Nam không, thưa ông ?

Chúng tôi là nhà đầu tư dài hạn tại Việt Nam, làm sao để tối ưu hoá nguồn vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư cho thật hiệu quả là điều mà chúng tôi luôn phải tập trung, các quỹ đầu tư trên thế giới đều làm như vậy. Việc nhượng lại cổ phiếu lần này cho STB sẽ tạo điều kiện tốt cho chúng tôi có những cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam . Chúng tôi vẫn sẽ chú trọng vào các công ty có nền tảng vững chắc, tập trung vào các ngành nghề hoạt động chính, có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, có khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, tạo ra dòng tiền lớn và ổn định, chỉ số nợ/vốn ở mức hợp lý, và đặc biệt EPS không bị pha loãng do việc liên tục tăng vốn. Về ngành để đầu tư, chúng tôi sẽ tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng hoá nguyên liệu, công nghệ, dịch vụ phần mềm, và dịch vụ tài chính.