DPM - Tiềm năng bứt phá từ chiến lược hai thị trường

DPM - Tiềm năng bứt phá từ chiến lược hai thị trường

(ĐTCK) Năm 2012, với việc được giao tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau và đẩy mạnh công tác xuất khẩu, DPM sẽ gia tăng mạnh mẽ thị phần cả thị trường trong nước và cả thị trường các nước lân cận.

Vị thế đầu ngành

DPM được đánh giá cao về tiềm năng phát triển. Cụ thể, trong các năm qua, doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty liên tục đạt mức cao, hiện các hạng mục chính của nhà máy đã khấu hao xong giúp hoàn vốn sau 6 năm hoạt động và tạo nguồn tích lũy để DPM đầu tư phát triển sản xuất. Báo cáo tài chính cập nhật nhất của DPM cho thấy, tổng công ty này nằm trong nhóm các doanh nghiệp có nguồn tiền mặt lớn nhất trong cả nước.

Trong ngành phân bón, DPM giữ vị thế dẫn dắt thị trường. Nhu cầu phân đạm ở Việt Nam vào khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm. Hiện Tổng công ty đáp ứng hơn 40% nhu cầu. DPM có hệ thống phân phối rộng khắp tại các vùng miền trong cả nước, bao phủ mọi địa bàn của ngành nông nghiệp Việt Nam, với 4 công ty con tại các vùng miền, hơn 100 chi nhánh và đại lý cấp 1, gần 3.000 đại lý cấp 2, bên cạnh đó là hệ thống kho đầu mối, kho trung chuyển với sức chứa 215.000 tấn tại các vùng trọng điểm. Với đặc thù của ngành kinh doanh phân bón, đây là một yếu tố rất quan trọng trong nâng cao tính cạnh tranh của Tổng công ty.

2011 là năm bản lề của kế hoạch tăng tốc phát triển trong giai đoạn 2011-2015, kết quả Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch. Nhà máy đã cán mốc sản xuất tấn thứ 5 triệu vào ngày 6/8/2011, sản lượng cả năm đạt 802.000 tấn, về đích trước kế hoạch sản lượng. DPM đã tiêu thụ hơn 1 triệu tấn đạm và phân bón nhập khẩu, đồng thời tăng cường hoạt động gia công kinh doanh hóa chất và dịch vụ, do đó doanh thu đạt 9.763 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục 3.510 tỷ đồng, bằng 223% kế hoạch năm.

 

Tiềm năng bứt phá

Năm 2012 là năm có sự thay đổi về bản chất của thị trường urê Việt Nam, cụ thể là thị trường bắt đầu chuyển trạng thái từ thiếu cung sang dư cung do có thêm sản lượng từ Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Ninh Bình. Tổng lượng cung từ nguồn sản xuất trong nước dự kiến sẽ đạt khoảng 1,8 - 1,9 triệu tấn, tăng gấp đôi so với 2011 và đáp ứng gần đủ nhu cầu khoảng 2 triệu tấn. Dự báo trong năm 2012, giá urê tại thị trường Việt Nam sẽ tương đối ổn định theo diễn biến giá  urê thế giới và tương quan cung - cầu.

DPM - Tiềm năng bứt phá từ chiến lược hai thị trường ảnh 1

Ngoài mở rộng thị trường trong nước, DPM cũng đang hướng đến thị trường của các nước lân cận

Năm 2012, với việc được giao tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau và đẩy mạnh công tác xuất khẩu, DPM sẽ gia tăng mạnh mẽ thị phần không chỉ tại thị trường trong nước mà cả thị trường các nước lân cận. DPM đặt mục tiêu tiêu thụ hết 1,6 triệu tấn phân đạm/năm của các Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau. DPM đã chính thức đưa vào hoạt động chi nhánh Campuchia, đưa tổng lượng đạm Phú Mỹ xuất khẩu sang các nước trong khu vực đạt trên 25.000 tấn. 

Cải tiến mạnh mẽ hoạt động kinh doanh phân bón trong nước với những chính sách linh hoạt bám sát thị trường để tiêu thụ kịp thời và hiệu quả đạm phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, đạm Cà Mau, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các thị trường khu vực Campuchia, Philippines, Myanmar. Bên cạnh nguồn thu từ phân đạm, DPM chuẩn bị khởi công xây dựng các nhà máy mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm hóa chất như dự án nhà máy sản xuất NPK, H2O2 và NH3, mục tiêu trước mắt có sản phẩm NPK vào 2013.

 

Chỉ số tài chính “đẹp”

Tổng tài sản năm 2011 tăng 26,3% so với năm 2010, chỉ số ROA và ROE đều đạt mức rất cao và có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2010. Bên cạnh đó, DPM có khả năng thanh toán các khoản nợ tốt, không gặp khó khăn về tài chính khi các khoản nợ đến hạn phải trả, thể hiện ở khả năng thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh trong năm 2011 của Tổng công ty đều ở mức cao. Vốn chủ sở hữu chiếm đến 88,6% trong tổng nguồn vốn thể hiện tình hình tài chính rất lành mạnh. Tổng công ty ít sử dụng nguồn vốn vay do đó không có rủi ro về vốn.

Những thách thức mà doanh nghiệp này phải giải quyết nằm ở chi phí nguyên liệu, giá khí dự kiến tăng 40%, năm 2011 tổng chi phí mua khí của DPM tăng 34,7% so với kế hoạch. Bên cạnh đó là chi phí bảo dưỡng, bảo trì nhà máy có thể tăng do phụ tùng thay thế chủ yếu được nhập từ nước ngoài bằng ngoại tệ. Giá xăng dầu tăng cũng làm tăng chi phí vận chuyển, bốc xếp từ 20 đến 25% và tăng các chi phí khác trong lưu thông lên từ 10 đến 15%. Một rủi ro nữa có thể đến từ diễn biến phức tạp của khí hậu, tác động đến mùa vụ và việc tiêu thụ sản phẩm phân bón.

Thận trọng với diễn biến thị trường, năm 2012, DPM đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.810 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng. Dẫu vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ của Công ty mẹ vẫn ở mức 46%, cổ tức 25%.