Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) với mã chứng khoán DPM nằm trong chỉ số VN30 từ khi ra đời đến nay, được biết đến không chỉ là một công ty kinh doanh hiệu quả, mà còn là cổ phiếu thanh khoản tốt, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư chuyên nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, do có hoạt động IR (quan hệ NĐT) chuyên nghiệp và minh bạch.
ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền (ảnh bên), Phó chủ tịch HĐQT, người công bố thông tin của PVFCCo về cách làm để đạt được thành công này.
Bà có thể cho biết sự quan tâm của NĐT đến cổ phiếu DPM, thể hiện qua nhu cầu tìm hiểu thông tin, làm việc trực tiếp với Tổng công ty trong thời gian gần đây?
Ngay từ khi PVFCCo niêm yết trên thị trường chứng khoán, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã xác định cần phải ưu tiên và dành nguồn lực tương xứng cho công tác IR và sớm thành lập bộ phận thường trực về công tác IR. Trong thời gian qua, công tác IR đã được triển khai với nhiều hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp với cổ đông, NĐT. Đặc biệt, NĐT nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn trong số NĐT đến gặp gỡ và tìm hiểu về Tổng công ty. Trong 9 tháng đầu năm 2013, bộ phận IR của chúng tôi đã tổ chức khoảng 50 buổi gặp mặt riêng lẻ với hàng trăm NĐT trong và ngoài nước đến tìm hiểu thông tin, đồng thời tích cực tham dự các sự kiện gặp mặt NĐT tại các diễn đàn quan trọng của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài việc tiếp xúc NĐT một cách chủ động, cởi mở, Tổng công ty còn thực hiện các giải pháp gì để cổ phiếu DPM có thanh khoản tốt, thu hút được NĐT cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức đầu tư dài hạn?
Nhìn vào số lượng các buổi tiếp xúc NĐT trong suốt thời gian qua có thể thấy, các NĐT, nhất là NĐT nước ngoài thực sự quan tâm tới cổ phiếu DPM. Nhận thấy rằng, phát triển và duy trì tốt quan hệ với NĐT và cổ đông có tác động quan trọng trong việc gia tăng giá trị cổ phiếu, tạo thanh khoản, tạo niềm tin về sự minh bạch trên thị trường chứng khoán, cũng như thuận lợi trong việc huy động vốn của doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã đề ra nhiều giải pháp để thu hút NĐT trong và ngoài nước.
Thứ nhất, thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi thông tin trong công tác IR theo thời gian và theo NĐT. Mã chứng khoán DPM được coi là một trong những mã cổ phiếu chủ chốt của thị trường, nhận được sự quan tâm lớn từ công luận, bất cứ thông tin nào liên quan tới hình ảnh của Tổng công ty đều ảnh hưởng đến kỳ vọng của NĐT. Vì thế, sự trao đổi thông tin, nhận thông tin phản hồi từ NĐT được Tổng công ty nắm bắt, theo dõi chặt chẽ và nhất quán, giúp cho tính minh bạch được khẳng định, NĐT không gặp cảm giác khó hiểu trong quá trình tìm hiểu, tiếp cận thông tin về doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng tính chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu về thông tin của NĐT. Tổng công ty không chỉ tăng cường trao đổi thông tin tới nhóm cổ đông đã biết đến DPM, mà còn hướng tới cả nhóm NĐT chưa biết đến DPM. Đại diện Ban lãnh đạo Tổng công ty và Tổ IR thường xuyên truyền tải đầy đủ, chính xác và kịp thời về tình hình hoạt động, kết quả tài chính và kế hoạch kinh doanh tới cổ đông và cộng đồng NĐT.
Thứ ba, mở rộng giao lưu, tăng cường quan hệ với các NĐT trong nước và quốc tế để quảng bá hình ảnh và uy tín của Tổng công ty, làm bước đệm vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo. Song song với công tác tiếp xúc NĐT, Tổng công ty không ngừng đẩy mạnh truyền thông thông qua các kênh truyền thông đầu tư - tài chính.
Về cơ bản, nỗ lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh như đã cam kết với cổ đông cũng là nền tảng quan trọng để Tổng công ty thực hiện truyền thông hiệu quả, tạo ra những tác động tích cực đến thanh khoản và giá trị cổ phiếu DPM trên thị trường.
Gần đây, những vấn đề được NĐT quan tâm nhất liên quan tới cổ phiếu DPM là gì, thưa bà?
Ngoài các vấn đề liên quan đến thị trường phân bón nói chung, kết quả sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty, chính sách trả cổ tức, thì gần đây, các NĐT tập trung quan tâm tới lộ trình tăng giá khí; khả năng cạnh tranh và chiến lược phát triển dài hạn của DPM trong tương lai khi nguồn cung phân đạm lớn hơn cầu; các dự án đầu tư và cơ hội tăng trưởng trong tương lai… Ban lãnh đạo Tổng công ty đã chỉ đạo bộ phận IR giải đáp thỏa đáng các câu hỏi của NĐT, chủ động cập nhật kết quả sản xuất - kinh doanh định kỳ và minh bạch hóa các thông tin có liên quan.
Không mua lại Nhà máy Đạm Cà Mau, Tổng công ty có kế hoạch gì để sử dụng nguồn tiền mặt dồi dào hiện tại hiệu quả hơn? Việc giải ngân vào các dự án đầu tư khác đang được triển khai ra sao?
Thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, Tổng công ty đang triển khai một số dự án về sản xuất phân bón và hóa chất, với tổng mức đầu tư có thể lên tới 1 tỷ USD. Trước mắt, các dự án này đang trong quá trình nghiên cứu khả thi và chưa sử dụng nhiều vốn, nhưng trong vài năm tới, nhu cầu giải ngân sẽ là rất lớn và số tiền mặt hiện có chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; số còn lại, Tổng công ty phải thu xếp từ bên ngoài. Mặc dù vậy, căn cứ vào dòng tiền hiện tại với sự thay đổi từ việc không mua Nhà máy Đạm Cà Mau, chúng tôi đã đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các cổ đông.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chúng tôi nên sử dụng số tiền mặt này đầu tư vào một vài lĩnh vực khác để nâng cao hiệu quả dòng tiền. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là trong tình hình hiện nay, việc bảo toàn tài sản vẫn là lựa chọn phù hợp. Tổng công ty sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực chính của mình, đó là sản xuất - kinh doanh phân bón, hóa chất phục vụ ngành dầu khí và nông nghiệp.
Hiện Tổng công ty đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm sau: Tổ hợp Dự án NH3-NPK; Tổ hợp Dự án NH3 - Nitrat Amon; Dự án UFC85; Dự án H2O2. Đây là những dự án sẽ góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của Tổng công ty trong giai đoạn tới. Dự kiến, sau khi hoàn thành, các dự án trên sẽ đóng góp khoảng 50 - 60% doanh thu. Dòng tiền tích lũy chuẩn bị cho các dự án lớn hiện được gửi tại những ngân hàng lớn, uy tín.
Xin bà chia sẻ những nét nổi bật về hoạt động và kết quả kinh doanh của Tổng công ty?
Sản lượng kinh doanh của DPM trong quý III và 9 tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ năm trước, do năm nay Tổng công ty không còn phân phối Đạm Cà Mau. Ngoài ra, thời tiết có diễn biến thất thường trong quý III cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của DPM vẫn rất khả quan, ước tính lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 2.300 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2013.