DPM: Đủ tiền mua 51% Nhà máy Đạm Cà Mau

DPM: Đủ tiền mua 51% Nhà máy Đạm Cà Mau

(ĐTCK) Thuyết trình phương án mua lại Đạm Cà Mau tại ĐHCĐ, Tổng giám đốc DPM cho biết, DPM đủ tiền mua 51% nhà máy này mà không cần đi vay.

ĐHCĐ Tổng CTCP Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) đang diễn ra tại TP. HCM, ông Cao Hoài Dương Tổng giám đốc DPM cho biết, trong quý I tổng doanh thu còn thấp hơn 4% so với kế hoạch quý do doanh thu từ đạm Cà Mau hơi thấp so với kế hoạch, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 924 tỷ đồng bằng 52% kế hoạch năm.

Năm 2012, DPM đặt kế hoạch doanh thu 13.921 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.787 tỷ đồng. So với kế hoạch công bố thông tin vào đầu năm 2012, kế hoạch trình ĐHCĐ đã điều chỉnh tổng doanh thu giảm từ 15.810 tỷ đồng xuống còn 13.921 tỷ đồng. Dù giảm sản lượng và doanh thu bán hàng, DPM vẫn đảm bảo giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận nhờ giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất quản lý, bán hàng. Dự kiến DPM sẽ cắt giảm 150 tỷ đồng chi phí hoạt động.

Tại ĐHCĐ, DPM tiếp tục trình ĐHCĐ thông qua chủ trương đầu tư vào Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau.

Trong các tờ trình ĐHCĐ đáng chú ý là tờ trình chủ trương đầu vào dự án Nhà máy đạm Cà Mau. Theo tờ trình này DPM mua 51% dự án Nhà máy Đạm Cà Mau hiện tại do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư theo hình thức mua dự án và PVN, DPM sẽ tổ chức thực hiện quản lý, vận hành kinh doanh sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau theo hình thức hợp tác kinh doanh (BBC), trong đó PVN ủy quyền cho DPM trực tiếp quản lý và điều hành hợp danh (không thành lập pháp nhân mới).

Giá trị dự án căn cứ vào kết quả thẩm định giá của đơn vị thẩm định độc lập, không vượt quá 779 triệu USD. Nếu định giá thấp hơn 779 triệu USD, ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT DPM quyết định đầu tư và triển khai thực hiện. Trong trường hợp giá trị dự án vượt mức 779 triệu USD DPM sẽ trình ĐHCĐ phê duyệt.

PVN thỏa thuận và đồng ý tiến độ thanh toán tiền chuyển nhượng 51% dự án đạm Cà Mau của DM theo 2 đợt: năm 2012 thanh toán 75% và năm 2013 thanh toán nốt 25%. Chi phí mua 51% vốn chủ sở hữu đạm Cà Mau dự kiến là 2.503 tỷ đồng. DPM sẽ cân đối bằng nguồn vốn chủ sở hữu hiện có, không phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đồng thời DPM sẽ đàm phán thỏa thuận với PVN để có tiến độ thanh toán phù hợp với việc thu xếp vốn.

Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn thành đầu tư và cho sản phẩm thương mại đăng ký nhãn hiệu Đạm Cà Mau từ 22/3/2012. Dự án dự kiến hoàn thành chạy thử và bàn giao cho chủ đầu tư vào quý 2/2012.

Theo tính toán, Nhà máy Đạm Cà Mau có thời gian hoàn vốn có chiết khấu là 10,5 năm, tỷ lệ ROE là 14,3%. Việc mua dự án đạm Cà Mau, DPM sẽ trở thành nhà cung cấp và sản xuất phân Urê hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á với cả sản phẩm đạm hạt trong và hạt đục.

Hiện nay, để đảm bảo tiêu thụ sản lượng hàng lớn, trong điều kiện cung lớn hơn cầu ở thị trường trong nước, DPM đã chuẩn bị các điều kiện xuất hàng xá, xây dựng hệ thống phân phối ở Campuchia và Myanmar.

Theo tờ trình giao dịch mua khí của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) thì giá khí DPM mua năm 2012 là 6,43 USD/tr.BTU và tăng lên từng năm là 6,56; 6,59; 6,83 vào 2015. GIá khí của nhà máy Đạm Cà Mau mua được dự toán là 6,43 USD/tr.BTU năm 2012, mỗi năm tăng 2% cho giai đoạn 2012-2015. Giai đoạn 2016-2032, giá khí sẽ được tạm tính mỗi năm 2%.

Việc mua lại 51% dự án Đạm Cà Mau là một quyết định quan trọng mà DPM đã trình ĐHCĐ cách đây 4 năm nhưng không được thông qua. Đây là giao dịch nội bộ với cổ đông lớn PVN nên PVN không được quyền bỏ phiếu, các cổ đông ngoài PVN mới là người có quyền quyết định. Chính vì thế, DPM đã đề nghị có 2 cổ đông độc lập không phải là người của Công ty tham gia ban kiểm phiếu, cụ thể là đại diện của quỹ đầu tư ACB và Vinacapital.

15h30: Đích thân Tổng giám đốc DPM ông Cao Hoài Dương là người thuyết trình phương án mua nhà máy ĐCM. Đây là một bản thuyết trình được chuẩn bị khá chi tiết và toàn diện. Ông Dương nhấn mạnh, thị trường phân bón, nguồn cung phân đạm trong nước đã tăng 100% từ năm 2012, thị trường chuyển từ thiếu cung sang cung vượt cầu. Trong số các nhà máy đạm đi vào hoạt động năm 2012 chỉ có ĐCM là nhà máy có công suất lớn nhất và sử dụng khí thiên nhiên.

Vị  trí nhà máy Đạm Cà Mau đặt ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn của cả nước cũng rất thuận tiện xuất khẩu sang các nước lận cận. Hình ảnh nhà máy Đạm Cà Mau được trình chiếu cho thấy sự hiện đại, đóng bao tự động. Đến nay đã có 60.000 tấn sản phẩm được bán qua đấu thầu với giá bán rất cao.

Tình huống đặt ra cạnh tranh hay mua lại là câu hỏi ông Dương cũng đặt ra cho cổ đông? PVN muốn bán một phần hoặc toàn bộ dự án Đạm Cà Mau để thu hồi vốn đầu tư. Đây là cơ hội cho DPM để sở hữu Đạm Cà Mau.

Ông Dương đưa ra 2 kịch bản, mua và không mua Đạm Cà Mau. Nếu mua Đạm Cà Mau, DPM đã loại bỏ được đối thủ cạnh tranh và có thêm khả năng cạnh tranh với Nhà máy đạm Ninh Bình, Hà Bắc và nhất là với phân bón nhập khẩu. Nếu không mua Đạm Cà Mau thì DPM phải cạnh tranh với Đạm Cà Mau, một nhà máy có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Nếu mua Đạm Cà Mau, DPM sẽ đa dạng được sản phẩm mở rộng thị trường, thị phần thay vì chỉ vỏn vẹn có DPM. Nếu có cả DPM và Đạm Cà Mau, DPM sẽ chủ động điều tiết thị trường trong nước và xuất khẩu vì nhu cầu tiêu thụ đạm hạt trong và hạt đục là như nhau. Nếu không có Đạm Cà Mau, DPM phải từ chối những đơn hàng xuất khẩu hạt đục, sản phẩm của Đạm Cà Mau. Ngoài ra, với bộ máy quản lý hệ thống phân phối có sẵn công ty có thể giảm chi phí, nâng cao cạnh tranh.

Ngoài phân tích định tính, Tổng công ty cũng đưa ra dự báo định lượng cụ thể: dựa trên cở sở đầu vào giá bán sản phẩm là bình quân của năm 2010 và 2012  tương đương 366 USD/tấn, trượt giá 2%/năm; giá khí 6,43 USD/tr.BTU, trượt giá 2%/năm; chi phí chiết khấu 2-3% trên giá bán (chi phí chiết khấu nếu Công ty vẫn duy tri vị trí số 1. Trước đây, khi cầu lớn hơn cung thì công ty chỉ ấp dụng chiết khấu dưới 2% hoặc có khi không chiết khấu) thì lợi nhuận từ sản xuất và bao tiêu Đàm Cà Mau là 400 tỷ đồng/năm, 2 năm đầu là 50 tỷ đồng/năm.

So sánh với việc gửi số vốn 2.500 tỷ đồng vào ngân hàng lãi suất bình quân 10%/năm trong giai đoạn 10 năm thì việc mua Đạm Cà Mau mang lại lợi nhuận lớn hơn cho Tổng công ty.

Mua 51% Đạm Cà Mau để giành quyền kiểm soát chi phối kiểm soát là phương án đề xuất của Ban lãnh đạo DPM. Tổng vốn đầu tư Đạm Cà Mau là 779 triệu USD với tỷ lệ vốn tự có của chủ đầu tư PVN/vốn vay là 30/70%. Vì vậy vốn cần để mua Đạm Cà Mau là (779 triệu USDx30%x51%) x21.000 (tỷ giá)= 2.503 tỷ đồng.

So với thời điểm DPM trình mua Đạm Cà Mau ba năm trước thì vốn đầu tư thực tế nhà máy Đạm Cà Mau thấp hơn tổng vốn đầu tư dự kiến là 900 triệu USD. Khi đó, DPM nguồn vốn chủ sở hữu cũng chưa nhiều nên nếu mua sẽ phải vay vốn ngân hàng dẫn đến chi phí lớn. Với nguồn vốn tự có hiện nay, DPM đủ khả năng mua 51% Đạm Cà Mau mà không cần vay, không cần phát hành thêm cổ phiếu theo phương án thanh toán linh hoạt nói trên mà vẫn đảm bảo trả cổ tức 35% bằng tiền mặt cho cổ đông.

“Các cổ đông tổ chức, cá cô chú các bác hãy ủng hộ, hãy ủy quyền cho chúng tôi thực hiện thương vụ mua bán này để duy trì vị trí số 1 của Tổng công ty trên thị trường”, ông Dương kêu gọi các cổ đông bỏ phiếu thông qua tờ trình này.

16h: Ông Bùi Minh Tiến Chủ tịch HĐQT DPM cho biết thêm, nếu ĐHCĐ không thông qua phương án mua vốn nhà máy Đạm Cà Mau thì Tập đoàn Dầu khí có thể giao phần vốn 61% ở DPM cho Đạm Cà Mau quản lý.

16h15: Đại hội nghỉ giải lao

 

16h30 ĐHCĐ ĐPM bước vào phần thảo luận.

Các cổ đông chất vấn Ban lãnh đạo DPM vì sao DPM đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp khi quý I đã có lợi nhuận cao?

Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Minh Tiến cho biết, Mặt bằng giá phân bón quý I còn cao so với năm 2011. Năm 2012 điểm rơi của giá chưa đến. Mặt khác, do diễn biến của thời tiết vụ đông xuân kéo dài sang quý I nên toàn bộ lượng hàng đáng ra tiêu thụ vào tháng 11 năm ngoái đã được bán trong quý I năm nay. Lý do khách quan là đạm Ninh Bình chưa đi vào hoạt động nên tiêu thụ của DPM vẫn tốt.

Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc DPM bổ sung thêm, có một lý do khác là sản phẩm của đạm Cà Mau là hạt đục được các nhà sản xuất phân NPK chờ đợi để mua thay thế cho hàng nhập khẩu. Nhưng đạm Cà Mau đi vào hoạt động chậm 1 tháng nên khan hàng, giá bán cao. Nhưng tình hình này sẽ thay đổi trong các quý tới khi một số nhà máy đạm sản xuất ổn định hơn, vì vậy giá bán khó cao như hiện nay.

So với năm 2012, năm nay doanh thu lớn hơn, nhưng lợi nhuận thấp hơn vì giá khí tăng từ 4,59 lên 6,43 USD/tr. BTU. Từ quý II cung sẽ vượt cầu nên lợi nhuận kỳ vọng không thể như năm ngoái.

Các cổ đông cho thắc mắc, giá bán của DPM và Đạm Cà Mau bị Chính phủ chi phối hay Tổng công ty được chủ động? Ông Tiến cho biết, giá bán là do doanh nghiệp quyết định và không bị điều hành. Giá thành của Đạm Cà Mau hiện nay là 7.700 đồng/kg. Giá bán hiện nay cao hơn mức giá bán trung bình dùng để tính toán hiệu quả dự án Đạm Cà Mau mà Tổng công ty trình bày cho cổ đông.

Về Nhà máy Đạm Cà Mau, ông Dương cho biết, giá trị 779 triệu USD của Nhà máy chỉ là vốn đầu tư không phải là định giá. Trước mắt, Tổng công ty bỏ 2.500 tỷ đồng mua 51% vốn góp của PVN. Còn lãi vay ngân hàng thì lấy từ chính lợi nhuận của Nhà máy chứ không phải lấy thu nhập của DPM trả cho Đạm Cà Mau.

Một số cổ đông thắc mắc về việc Tổng công ty trả cổ tức quá ít trong khi trích quỹ phúc lợi 10% là cao. Về vấn đề này, ông Dương cho rằng, bản thân Ban lãnh đạo chỉ là những người làm thuê. Năm ngoái, dù ĐHCĐ đã thông qua mức thưởng bậc thang nhưng cuối năm Ban Lãnh đạo tự nhận mức thưởng thấp hơn.

“Tôi nghĩ phải hài hòa lợi ích của cổ đông và người lao động. Lợi nhuận cũng phải để lại để tái đầu tư”, ông Dương nói.

Còn theo ông Tiến, khi sử dụng quỹ thưởng, Tổng Công ty sử dụng rất công bằng trong toàn bộ cán bộ công nhân viên chứ không chỉ Ban điều hành và tỷ lệ trích lập quỹ khen thưởng này thấp hơn nhiều doanh nghiệp nhà nước hay công ty cùng ngành khác. Nếu lợi nhuận năm nay đạt cao chúng tôi có thể đề xuất tỷ lệ cao hơn cho năm 2012.

Trước những lo lắng của một số cổ đông về việc có những rủi ro khi mua Đạm Cà Mau, ông Dương khẳng định: “Chúng tôi thay mặt Ban điều hành xin cam kết, Ban điều hành sẽ chỉ nhận thưởng nếu Đạm Cà Mau có lãi”.

Các cổ đông cho biết, Đạm Cà Mau vay 620 triệu USD thì lãi suất bao nhiêu và có phải khấu hao mỗi năm 1.000 tỷ đồng không?

Trả lời câu hỏi này, Lãnh đọa DPM cho biết, Đạm Cà Mau đang vay 500 triệu USD của ba ngân hàng lớn và một nhóm ngân hàng BIDV, Viettinbank… lãi suất bình quân 16 triệu USD mỗi năm. Khấu hao 750 triệu đồng/năm.

 

18h

ĐHCĐ DPM đã bỏ phiếu thông qua tất cả các tờ trình. Việc trích thưởng bổ sung từ lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch: DPM không trích theo 3 mức lũy tiến mà ĐHCĐ phê duyệt và không căn cứ vào kế hoạch lợi nhuận năm 2011, mà đề xuất trích bổ sung quỹ khen thưởng trên phần LNST thực hiện vượt so với LNST thực hiện năm 2010 và chỉ theo mức thấp nhất trong 3 mức lũy tiến, là 5% trên lợi nhuận sau thuế 2011 vượt so với LNST thực hiện năm 2010.

Tức DPM đã chủ động xin trích thưởng bổ sung thấp hơn mức mà ĐHCĐ đã phê duyệt.