Phố Wall tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trước kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trước kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn (Ảnh minh họa: AFP)

Dow Jones và S&P 500 tiếp tục lập kỷ lục mới, giá vàng lao dốc

(ĐTCK) Trong khi phố Wall tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghiệp, thì giá vàng lại đồng loạt lao dốc trong phiên thứ Tư trước kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn.

Trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn hôm thứ Tư (23/11), giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ bị chốt lời mạnh sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp trước đó, khiến Nasdaq đảo chiều. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu công nghiệp trở thành “người hùng”, nâng đỡ chỉ số Dow Jones và S&P 500, giúp 2 chỉ số duy trì đà tăng, dù không mạnh, nhưng cũng đủ giúp 2 chỉ số này tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới.

Với cam kết chính sách đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhóm cổ phiếu công nghiệp đã có chuỗi tăng mạnh sau bầu cử. Ngoài ra, một báo cáo mới cũng cho thấy, số lượng đơn đặt hàng lâu bền trong tháng 10 có mức tăng 4,8%, cao hơn mức kỳ vọng 2,7% do nhu cầu với máy móc thiết bị gia tăng, cũng giúp nhóm cổ phiếu này tăng mạnh. Dữ liệu tháng 9 cũng được điều chỉnh tăng lên 4%.

Trong phiên thứ Tư, chỉ số S&P công nghiệp tăng 0,8% và có mức tăng 7% kể từ ngày 8/11 (ngày bầu cử Tổng thống Mỹ).

Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Dow tăng 59,31 điểm (+0,31%), lên 19.083,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,78 điểm (+0,08%), lên 2.204,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,67 điểm (-0,11%), xuống 5.380,68 điểm.

Trong khi đó, việc giá các kim loại giảm mạnh trong phiên thứ Tư đã khiến nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản trên thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh, kéo các chỉ số chứng khoán chính của khu vực đồng loạt đảo chiều sau 2 phiên tăng điểm đầu tuần.

Kết thúc phiên 23/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,01 điểm (-0,03%), xuống 6.817,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 51,41 điểm (-0,48%), xuống 10.662,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 19,14 điểm (-0,42%), xuống 4.529,21 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đều quay đầu giảm nhẹ. Chứng khoán Hồng Kông mở đầu phiên có mức tăng khá tốt nhờ hiệu ứng tích cực từ việc phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử, trong đó Dow Jones lần đầu vượt ngưỡng 19.000 điểm và S&P 500 cũng vượt qua 2.200 điểm trong phiên trước đó, cùng với hỗ trợ từ việc đồng nhân dân tệ giảm. Tuy nhiên, sau đó, thị trường dần hạ nhiệt và đóng cửa dưới tham chiếu khi giới đầu tư lo lắng đồng USD mạnh và khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 sẽ khiến dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng điều chỉnh nhẹ sau khi lên mức cao nhất hơn 10 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1,38 điểm (-0,01%), xuống 22.676,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,22 điểm (-0,22%), xuống 3.241,14 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi tạm nghỉ 2 phiên đầu tuần, đồng USD đã lấy lại đà tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, lên lại mức nhất hơn 13 năm, cùng với lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 sau dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan khiến giá vàng quay đầu lao dốc, đánh mất mốc 1.200 USD/ounce.

Kết thúc phiên 23/11, giá vàng giao ngay giảm 24,2 USD (-2,00%), xuống 1.187,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 21,9 USD (-1,81%), xuống 1.189,3 USD/ounce.

Đồng USD tăng mạnh, cùng với nghi ngờ về khả năng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khiến giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, nhờ thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ giảm 1,3 triệu thùng sau 3 tuần tăng liên tiếp, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ, đã giúp đà giảm của giá dầu thô được hạn chế rất nhiều.

Kết thúc phiên 23/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,07 USD/thùng (-0,15%), xuống 47,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,35%), xuống 48,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan