Dow Jones đi trước suy thoái?

Dow Jones đi trước suy thoái?

(ĐTCK-online) Những gì đang diễn ra trên TTCK Mỹ cho thấy những lo lắng về suy thoái kép vẫn chưa hết.

Chỉ số chứng khoán Dow Jones Industrial Average ngày 4/8 rớt hơn 512 điểm, hay mất 4,31%, mức rớt kỷ lục trong một ngày giao dịch trong vòng hơn một năm qua và là mức giảm tệ nhất kể từ ngày 1/12/2008, khi chỉ số này rớt 679,95 điểm, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính.

Đây là cú rơi đáng quan ngại khiến chỉ số Dow Jones mất hơn 10% trong 9 ngày giao dịch. Thực tế, chỉ số này đã mất 1.340 điểm, hay 10,5% kể từ ngày 21/7 (12.747,49 điểm).

Chỉ số S&P 500 cũng rớt hơn 4%, Nasdaq rớt hơn 5%. Cả ba chỉ số chứng khoán đều rớt hơn 10% kể từ mức đỉnh ngắn hạn gần đây và rơi vào vùng điều chỉnh. Tính tới nay, tất cả thành quả từ đầu năm của nhà đầu tư đã mất sạch.

Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX), chỉ số đo lường sự lo lắng của thị trường, đã tăng lên mức 30 điểm, mức tăng mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 5/2010, cho thấy sự lo lắng của nhà đầu tư đang gia tăng. Xét về vốn hóa thị trường, khoảng 800 tỷ USD đã "bốc hơi" trong ngày 4/8. Tính chung trong 9 ngày qua, khoảng 1.900 tỷ USD vốn hóa thị trường đã "bốc hơi".

Theo nhà kinh tế Paul Krugman, cú rớt hơn 500 điểm của Dow Jones và việc lãi suất thấp kỷ lục như hiện nay chứng minh một điều là kinh tế Mỹ chưa hồi phục. Đó không chỉ là lo lắng về suy thoái kép, mà thực tế là kinh tế Mỹ chưa và chưa bao giờ đang trên đường hồi phục.

"Mọi người đang tháo chạy vì không có chỗ nào yên ổn. Có rất nhiều lo lắng về kinh tế Mỹ", Milton Ezrati, nhà chiến lược thị trường tại Lord Abbett Co, đang quản lý 110 tỷ USD tài sản nhận định.

Nhà đầu tư khắp thế giới đang lo lắng về khủng hoảng chính trị và kinh tế gần đây. Tại Mỹ, nhà đầu tư đã chuyển lo lắng về nguy cơ Chính phủ vỡ nợ sang tình trạng kinh tế ảm đạm. Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo đang cố gắng ngăn chặn tình trạng khủng hoảng nợ công leo thang.

"Thị trường hiện tại là của thị trường lo lắng (fear). Đó không phải là ngày thứ Hai hay thứ Năm đen tối, nhưng nó lại cực kỳ xấu", Christian Thwaites, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sentinel Investments nói.

TTCK Mỹ tệ hại gần đây bắt nguồn từ nhiều yếu tố như kinh tế Mỹ đang xấu đi, khủng hoảng nợ công ở châu Âu có dấu hiệu lan rộng tới Tây Ban Nha và Italy, khi lãi suất trái phiếu chính phủ của hai quốc gia này đã tăng cao lên gần với mức lãi suất của trái phiếu chính phủ Hy Lạp. Trong ngày 4/8, chỉ số chứng khoán chính của Tây Ban Nha cũng rớt gần 4%, còn của Italy rớt 5,16%.

"Bây giờ, đó là sự hoảng loạn", Jeffrey Saut, Giám đốc đầu tư của Raymond James tại Mỹ nhận xét.

Theo Investment Company Institute, trong tháng 6, nhà đầu tư đã rút hơn 23 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán, mức cao thứ ba kể từ năm 1997. Nhiều nhà đầu tư cũng chuyển sang đầu tư vàng khi giá vàng đã tăng hơn 25% trong vòng 6 tháng qua.

"Kinh tế thì ốm yếu, khủng hoảng nợ thì chưa có giải pháp và có dấu hiệu lan tràn, đặc biệt là tại châu Âu", Barry James, Giám đốc điều hành của James Advantage Funds nói.

Mỗi nhà đầu tư đang tự hỏi điều gì sắp xảy ra. Liệu thị trường đang gần đáy hay cần giảm thêm nữa? Theo MSNBC, khả năng giảm tiếp vẫn cao, khi lo lắng về thị trường việc làm và kinh tế Mỹ vẫn ngự trị trong tâm trí nhiều nhà đầu tư.

"Chúng tôi cho rằng, sau những gì trồi sụt từ đầu năm tới nay, nền kinh tế Mỹ chỉ cần một cú sốc nữa là rơi vào suy thoái", một báo cáo kinh tế của Bank of America Merill Lynch có đoạn viết.

Tuy nhiên, một vài nhà phân tích vẫn lạc quan tin rằng, những vấn đề của hôm nay như nợ công của Mỹ và châu Âu sẽ được cải thiện.

"Tôi tin rằng, cú rớt này chỉ là cơn gió mạnh (blow-off) cuối cùng của đợt điều chỉnh, hơn là sự bắt đầu của một đợt suy giảm mới do lo ngại suy thoái kép trở lại", William C. Roney, Phó chủ tịch Raymond James tại Anh phát biểu.

Không phải một mình Roney tin như vậy. "Chúng ta vẫn chỉ đang tăng trưởng ì ạch, không phải suy thoái", Christopher Ruth, nhà chiến lược thị trường của Comerica Asset Management tại Anh nhận xét.

"Tôi không biết liệu chúng ta đang tiến tới suy thoái kép hay không. Tôi chỉ nghĩ là chúng ta đang bước vào giai đoạn tăng trưởng đi ngang", Bob Bilkie, Chủ tịch Sigma Investment Counselors nói.

Suy thoái hay không suy thoái kép, nhưng chính sách kinh tế của Mỹ trong 2 năm qua chưa phát huy hiệu quả và hàng triệu người Mỹ cần việc làm nhưng lại không thể.