Đợt phục hồi khó kéo dài

Đợt phục hồi khó kéo dài

(ĐTCK) Phiên phục hồi đầu tuần với khối lượng thấp khiến các CTCK cho rằng, đợt phục hồi khó kéo dài và có khả năng sẽ có bulltrap trong các phiên sắp tới.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 4/4.

 

Đợt phục hồi này khó kéo dài

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,74 điểm (+1,07 %) lên 445,77 điểm; HNX-Index tăng mạnh 3,17 điểm (+3,17%) lên 74,49 điểm. Khối lượng trên 2 sàn giảm nhẹ so với phiên trước với gần 60 triệu đơn vị trên HOSE  và 66 triệu trên HNX.

Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn giảm xuống mức 1.500 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ trên cả 2 sàn với tuy nhiên với 5,4 tỷ trên HOSE và gần 12,7 tỷ trên HNX. Họ mua vào PVS, HPG, HAG, STB… và bán nhiểu nhất các mã PPC, VSH, SCR.

Ba ngày nghỉ lễ đã phần nào giúp tâm lý các nhà đầu tư bình tĩnh trở lại,  trong khi đó mức giảm khoảng 20% ở nhiều mã đã bắt đầu tỏ ra hấp dẫn bên mua. Dòng tiền bắt đáy theo truyền thống vẫn tập trung chủ yếu ở các mã có lịch sử đầu cơ cao như nhóm chứng khoán, bất động sản và 1 số cổ phiếu penny có mệnh giá thấp. Giá trị giao dịch vẫn khá thấp là điều khiến chúng tôi lo ngại nhiều khả năng đợt phục hồi này khó kéo dài và do đó rủi ro T+4 vẫn là khá lớn.

Tuy vậy, mức độ hồi phục của thị trường trong phiên 3/4 có phần mạnh hơn kỳ vọng thể hiện qua việc nhiều mã tăng và giữ được giá trần cho đến cuối phiên giao dịch. Điều này có tác dụng giúp tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn và do đó xác suất thị trường tiếp tục giảm mạnh sau đó là khó xảy ra.

Nếu phiên tới thị trường tiếp tục tăng điểm với khối lượng giao dịch được cải thiện, các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân 1 phần nhỏ danh mục và các mã bluechip thanh khoản và cơ bản tốt.

 

Cần sự hỗ trợ thêm từ khối lượng

(CTCK ACB - ACBS)

Bên mua liên tục gia tăng các nỗ lực đẩy thị trường lên, trong khi đó thì bên bán không gia tăng thêm áp lực bán nào trong suốt phiên giao dịch ngày 3/4, giúp cho chỉ số VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tăng mạnh.

Mức tăng này chủ yếu đến từ sự đóng góp của các mã vốn hóa lớn như MSN, HAG, VNM, và MBB,… thêm vào đó thì số lượng mã cổ phiếu tăng điểm chiếm ưu thế so với mã giảm khi mà toàn sàn cứ 2 mã tăng thì mới có 1 mã giảm phần nào cho thấy những tín hiệu khả quan.

Với mức giá hiện tại thì chúng tôi vẫn duy trì quan điểm kỹ thuật rằng thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới, ở chiều hướng tích cực, thị trường có thể tiếp tục phục hồi nhẹ. Mặc dù vậy thì điều cần thiết lúc này chính là khối lượng giao dịch cần được cải thiện hơn nữa, nếu không thì các phiên tăng sẽ không thể kéo dài.

Trên sàn Hà Nội thì HNX-Index đã có một phiên tăng mạnh, và như vậy thì phiên breakout trước đó không là thật, như vậy, chúng tôi nghiên về khả năng HNX-Index có thể tiếp tục phục hồi nhẹ và di chuyển trong vùng 69-79. Ở chiều hướng tiêu cực hơn, khi mà các phiên tăng không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ khối lượng thì chỉ số này có thể giảm điểm xuống mức hỗ trợ 69-70.

 

Có thể xuất hiện Bulltrap

(CTCK Chợ Lớn - CLSC)

Trên đồ thị kỹ thuật, các chỉ số tăng điểm trở lại với KLGD khớp lệnh tiếp tục sụt giảm (117,24 triệu cp so với 132,77 triệu cp trong phiên giao dịch trước).

Theo đó, KLGD khớp lệnh giảm 12,4% trên HOSE và 11,2% trên HNX. Điều này cho thấy động lực của thị trường là yếu. Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm như trong bản tin cuối tuần trước, thị trường có thể xuất hiện các phiên phục hồi mang tính chất Bulltrap nhưng xu hướng chính của các chỉ số vẫn đang là giảm điểm.

Về mặt điểm số, các thị trường đang bị kháng cự và khó có thể vượt các mức đỉnh gần đây nhất (quanh mức 78-80 điểm với HNX; 460 điểm với VNI). Ngược lại, mức 425-430 điểm (VNI) và mức 69-70 điểm (HNX) đang đóng vai trò chống đỡ trong ngắn hạn cho thị trường.

 

Thận trọng để tránh bulltrap

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 đã ghi nhận phiên tăng điểm khá tích cực của các chỉ số chính trên cả hai sàn HOSE và HNX. Đóng cửa, HNX-Index tăng 2,15 điểm lên mức 74,35 điểm và VN-Index cũng ghi được 4,74 điểm lên mức 445,77 điểm.

Nhìn chung, đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên 3/4 diễn ra khá thuyết phục khi cả hai chỉ số chính đều đóng cửa với mức tăng cao nhất trong phiên. Thanh khoản thị trường tuy chưa có sự cải thiện nhưng đà hồi phục diễn ra trên diện rộng đã mang đến tín hiệu khá lạc quan về xu thế của thị trường. Ngoài ra, phải kể đến tâm lý ổn định trở lại của nhà đầu tư đã góp phần củng cố cho diễn biến đi lên của thị trường sau kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy chỉ số tồn kho của quý I/2012 đang ở mức báo động. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ do ảnh hưởng của bất ổn kinh tế. Trong khi đó, mặc dù lãi suất đang có dấu hiệu giảm dần nhưng tốc độ giảm khá chậm và chính những chính sách ổn định kinh tế đã tác động đến tình hình sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng những thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2012 sẽ không có nhiều đột biến tích cực.

Khả năng cao sẽ xuất hiện sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên giao dịch tiếp theo. Mặc dù xu hướng chính của thị trường vẫn đang là đi lên song khoảng biến động của các chỉ số đang dần bị thu hẹp cho thấy khả năng của giai đoạn giằng co đi ngang trong ngắn hạn.

Trong trung và dài hạn, xu thế hồi phục vẫn chiếm ưu thế bởi tình hình kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục thận trọng trong phiên giao dịch tiếp theo để tránh bulltrap. Mặt khác, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tiếp tục giải ngân vào những mã có cơ bản tốt, thanh khoản.

 Đợt phục hồi khó kéo dài ảnh 1

Khó tiếp tục xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn

(CTCK Mirae Asset)

Phiên phục hồi 3/4 cho thấy tâm lý thị trường đã được cải thiện đáng kể sau kỳ nghỉ lễ vừa qua, bên bán đã trở nên bình tĩnh hơn khi không còn vội vã bán giá thấp như những phiên trước.

Hành động bán mạnh vào cuối phiên cũng không xuất hiện mặc dù lực mua theo đánh giá chúng tôi là không mạnh.

Thị trường đang có sự cân bằng nhất định về tâm lý và cung cầu. Tuy nhiên, sự cân bằng này khó duy trì lâu nếu thịu trường tiếp tục tăng điểm, bên bán nhiều khả năng sẽ lại chiếm thế áp đảo.

Do đó, thị trường sẽ khó tiếp tục xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn, thay vào đó sự điều chỉnh có thể xuất hiện để kiểm tra lực cầu. Chúng tôi khuyến nghị NĐT nên lựa chọn phương án an toàn, không nên vội tham gia và thị trường tăng là cơ hội giảm tỷ trọng cổ phiếu mang tính chất đầu cơ.

 

NĐT tạm thời chưa nên tham gia vào thị trường

(CTCK Dầu khí - PSI)

Phân tích kĩ thuật. Phiên tăng mạnh 3/4 kèm theo sự sụt giảm của thanh khoản sẽ không có giá trị của một tín hiệu đảo chiều. Theo đó, trạng thái dao động sẽ vẫn được tiếp tục trên chỉ số thị trường: VN-index dao động trong khoảng 435 - 455 điểm và HNX-Index tiếp tục khoảng sideway 72 - 78 điểm.

Tuy nhiên, thống kê trên một số mã cổ phiếu bluechips trên 2 sàn, chúng tôi nhận thấy sẽ có nhiều cổ phiếu chính thức phá vỡ kênh xu thế tăng trước đó nếu phiên sắp tới tiếp tục giảm giá. Những cổ phiếu này thường có tác động mạnh tới chỉ số và tâm lý thị trường. Nếu sức cầu tiếp tục yếu đi thể hiện qua sự sụt giảm của KLGD thì nguy cơ giảm ngắn hạn có thể vẫn còn hiện hữu.

NĐT tạm thời chưa nên tham gia vào thị trường, và nên giảm bớt tỷ lệ cổ phiếu ngắn hạn trong danh mục nếu thanh khoản thị trường tiếp tục suy giảm trong phiên sắp tới. Tuy nhiên việc bán tháo bằng mọi giá có thể là không cần thiết do thị trường hiện vẫn đang có nhiều yếu tố hỗ trợ và tiềm năng phục hồi trong trung - dài hạn vẫn đang khá lớn.

 

Giảm tỷ trọng các giao dịch bắt đáy T+4

(CTCK Sài Gòn - SSI)

VN-Index có phiên hồi phục tăng điểm thứ 2 sau khi đảo chiều giảm nhanh ở vùng đỉnh cũ. Đóng cửa chỉ số tăng 4,74 điểm (1,07%) lên mốc 445,77 điểm với 169 mã tăng giá, 57 mã giữ tham chiếu và 84 mã giảm giá.

Lượng cung chốt lời tạm thời giảm sau mấy phiên liên tiếp bán ra, khiến cầu thắng thế trong ngắn hạn. Cây nến ngày tăng điểm và vận động trong vùng giằng co 437-450 điểm. Mặc dù tăng điểm nhưng tính thanh khoản lại giảm sút về mức hơn 54 triệu đơn vị, giảm 12,35% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Chỉ số VN-Index vẫn vận động ở dưới đường hỗ trợ xu hướng và nằm trong vùng Bearish Zone cùng với tín hiệu tiêu cực của MACD. Các giao dịch có sẵn cổ phiếu phòng rủi ro nhiều khả năng tăng mạnh ở vùng này và bên cầm cổ phiếu sẽ gia tăng trở lại khi chỉ số tăng với tính thanh khoản không được cải thiện mạnh mẽ. Nhà đầu tư lướt sóng nên giảm tỷ trọng các giao dịch bắt đáy T+4 khi tín hiệu chưa có độ tin cậy.

 

Tiếp tục quan sát thị trường để xác định xu thế

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Nhìn chung, phiên giao dịch trong tuần đầu tiên của tháng 4/2012 đạt được diễn biến tích cực về điểm số song dòng tiền tham gia vào đà tăng này có thể thấy là cực kỳ thận trọng. Hiện kỳ vọng rõ rệt nhất trong ngắn hạn chính là báo cáo KQKD quý I/2012 của các doanh nghiệp niêm yết.

Trước mắt, chúng tôi cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ không có nhiều biến động trong bối cảnh tín dụng thắt chặt và hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng đều sụt giảm.

 Thị trường đang phải đối mặt với giai đoạn thiếu thông tin tích cực hỗ trợ và phiên tăng điểm 3/4 vẫn chưa thể giúp xác định xu hướng tiếp tục đi lên trong các phiên giao dịch tiếp theo. Tâm lý giao dịch bất ổn trong tuần trước phần nào đã dịu bớt song chúng tôi cho rằng đây vẫn là thời điểm các NĐT cả nội và ngoại đang tiếp tục quan sát thị trường để xác định xu thế.