Đột kích các mã cổ phiếu nóng

Đột kích các mã cổ phiếu nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các đơn vị chức năng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang vào cuộc kiểm tra các giao dịch được cho là bất thường tại nhiều mã cổ phiếu mà thị trường chú ý thời gian qua.

Muôn mặt hành vi thao túng giá

Nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các đơn vị chức năng của cơ quan này đang vào cuộc giám sát các giao dịch bất thường, từ những việc đơn giản nhất như nghĩa vụ công bố thông tin, quản trị và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, đến các giao dịch mua bán cổ phiếu trên thị trường…

Sự chủ động vào cuộc của cơ quan quản lý được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao và tin tưởng sẽ giúp cho thị trường hoạt động chuẩn chỉ, nghiêm túc hơn. Có phát hiện được các hành vi vi phạm hay không, phải bắt tay vào làm mới có thể thấy được phần nào bức tranh thực tế.

Việc giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn có nhiều nguyên nhân, đến từ các "game" như M&A, thoái vốn giá cao, ban lãnh đạo và cổ đông lớn “thay máu”, tạo ra những kỳ vọng lớn vào sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một lý do được nhiều nhà đầu tư nhắc tới là tình trạng thao túng giá chứng khoán. Những cổ phiếu bị thao túng thường có giai đoạn tăng dựng đứng trong khi kết quả kinh doanh bết bát, không có cơ sở nào về triển vọng doanh nghiệp trong tương lai.

Mặc dù vậy, giá cổ phiếu tăng mạnh kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô mua vào, để rồi họ bị “úp bô”, không thể thoát ra khi giá cổ phiếu đổ đèo không phanh và “đội lái” đã rút hàng.

Thao túng thị trường thường được hiểu là khi ai đó làm ảnh hưởng một cách giả tạo đến cung và cầu của chứng khoán, làm thay đổi hành vi của các nhà đầu tư trên thị trường để đạt được lợi ích cá nhân, khiến giá cổ phiếu tăng hoặc giảm đáng kể.

Các hành vi thao túng thị trường đều bất hợp pháp và để phát hiện được các vụ việc thường mất thời gian dài và nhiều công sức.

Trên thị trường, việc thao túng diễn ra dễ dàng hơn đối với cổ phiếu của những công ty vốn hóa nhỏ, bởi giá thường thấp, số lượng cổ phiếu lưu hành ít.

Thông thường, “đội lái” sẽ tìm cách thỏa thuận ngầm với ban lãnh đạo công ty và các cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu với các yêu cầu để “đội lái” thực hiện phương án tạo sóng giả. Ban lãnh đạo được yêu cầu đưa ra các thông tin đúng thời điểm có lợi cho phương án làm giá, trong khi cổ đông lớn được yêu cầu không xả hàng vào thời điểm đẩy giá lên.

Cách thức làm giá điển hình được sử dụng trong thời gian thị trường sôi động là: đầu tiên, “đội lái” đè giá cổ phiếu để gom hàng, giá và khối lượng cổ phiếu sẽ đi ngang một thời gian khá dài đến khi “đội lái” gom đủ hàng.

Khi đã gom đủ, “đội lái” sẽ tập trung đẩy giá lên bằng cách lan truyền các thông tin tốt về cổ phiếu, để tin đồn truyền khắp thị trường, các lệnh mua/bán cũng được thực hiện giúp giao dịch cổ phiếu sôi động, thu hút nhà đầu tư chú ý tới cổ phiếu và không lo về thanh khoản ì ạch.

Giá được đẩy trần liên tục, tạo ra tỷ suất sinh lời tốt, khiến nhiều nhà đầu tư ham lợi, đổ tiền vào mua theo.

Lúc này, “đội lái” âm thầm xả hàng, chốt lời. Sau khi “đội lái” buông tay và nhà đầu tư nhỏ lẻ hết lực mua theo, giá cổ phiếu tuột dốc không phanh, nhà đầu tư muốn bán cũng không kịp, chỉ còn cách nhìn tiền của mình bay hơi cùng đồ thị chứng khoán đi xuống.

Những cổ phiếu bị thao túng thường có giai đoạn tăng dựng đứng trong khi kết quả kinh doanh bết bát.

Giới đầu tư chia sẻ câu chuyện về một cổ phiếu tăng nóng trong tháng 7 - 9 để thấy “cá mập” kiếm tiền từ thị trường thế nào.

Cổ phiếu này thuộc nhóm hóa chất, phân bón và thuộc diện Nhà nước thoái vốn toàn bộ, đã có phương án trình cơ quan quản lý từ năm 2020 nhưng hiện nay còn nhiều vướng mắc phải giải quyết. Đây cũng là ngành tăng trưởng nóng trong thời gian qua.

Cổ phiếu giao dịch quanh mức 13.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian dài, khối lượng khớp lệnh mỗi phiên đạt từ 3 - 5 triệu đơn vị. Từ mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu, trong vòng 1 tháng, cổ phiếu này đã chạy tới vùng giá 4x.

Trong thời gian đó, nhiều công ty chứng khoán cũng hô hào nhà đầu tư “ăn theo” với thông tin về "game" Nhà nước sẽ thoái vốn trong tháng 10. Trên thực tế, phương án và định giá cổ phần của doanh nghiệp này đến nay còn chưa có, đến năm 2022 may ra mới triển khai được việc thoái vốn. Một số doanh nghiệp lớn cũng được kéo vào với thông tin “rỉ tai” sẽ là bên mua cổ phần…

Nhóm nhà đầu tư lớn xuất hiện công bố trở thành cổ đông lớn, sở hữu 5% cổ phần của doanh nghiệp. Giới thạo tin cho rằng, nhóm có liên quan sở hữu lượng cổ phiếu gấp 3 lần con số họ công bố.

Như vậy, nếu mua ở vùng 15.000 đồng/cổ phần, bán ra ở vùng 35.000 đồng/cổ phần với số lượng cổ phiếu chiếm 2/3 lượng đã gom (không phải công bố thông tin), nhóm này đã kiếm được mớ tiền lớn.

Trong khi với lượng cổ phiếu 5% đang nắm giữ ở vùng giá trị thực của cổ phiếu, dưới định giá bằng tài sản của doanh nghiệp, họ cũng chẳng phải lo giá cổ phiếu sẽ rớt quá sâu.

Phương thức kiếm tiền này đơn giản, nhanh và hiệu quả hơn cả trăm lần các doanh nghiệp đang phải vật vã sản xuất. Tuy nhiên, nó khiến một bộ phận các nhà đầu tư phải trả giá quá đắt và mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp niêm yết khác ở trên sàn. Nguy hiểm hơn, còn tạo ra trào lưu, lôi kéo các doanh nghiệp khác tham gia vào trò chơi tài chính như vậy, bất chấp để lại hậu quả tiêu cực lâu dài cho thị trường.

“Hiện tượng các cổ đông lớn ở nhiều doanh nghiệp tính bài kiếm chác từ thị trường có dấu hiệu nở rộ thời gian qua, phong trào này càng lên thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đầu tư quy mô lớn nhận xét.

Cần sự nghiêm khắc và thông tin sớm từ cơ quan quản lý

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc giám sát các giao dịch bất thường được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm và kỳ vọng các yếu tố bất thường (nếu có) cần được thông tin, cảnh báo sớm, tránh để vụ việc phình ra rất to, có nhiều người bị ảnh hưởng khi bong bóng nổ tung.

Một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, giao dịch bất thường ở mã chứng khoán nào cũng được đưa vào tầm ngắm “giám sát”. Nếu đúng như vậy thì đây là tín hiệu đáng mừng. Dù vậy, các thông tin về những đợt giám sát này chưa được chia sẻ nhiều ra thị trường nên nhà đầu tư ít có những bài học hoặc thông tin cảnh báo để hạn chế dính vào những cổ phiếu thiếu lành mạnh.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong nửa đầu năm, cơ quan này tiến hành 7 vụ kiểm tra các cổ phiếu của doanh nghiệp có dấu hiệu giao dịch bất thường. Tuy nhiên, đến nay, kết quả của 7 vụ kiểm tra đó chưa được công bố.

Tất nhiên, dịch bệnh Covid-19 có thể là một nguyên nhân khách quan, nhưng diễn biến trên thị trường đòi hỏi tốc độ và tính thời điểm, nên hiệu quả của việc xử phạt răn đe sẽ tăng lên nếu thông tin đến kịp thời, kịp lúc.

Rất nhiều vụ thao túng giá chứng khoán được cơ quan chức năng điều tra và xử phạt, nhưng thời điểm từ khi vụ việc diễn ra đến khi bị phanh phui và công bố xử phạt ra công chúng cách xa tới cả năm trời, khiến nhà đầu tư và thị trường ít chú ý, yếu tố răn đe bị giảm đáng kể.

Đơn cử, vụ thao túng giá cổ phiếu CDO diễn ra vào năm 2015 – 2016 thì tới tận năm 2020, các cá nhân vi phạm mới chính thức bị xử phạt. Hay vụ FTM nóng suốt đầu năm 2020 thì mới đây các cá nhân liên quan mới bị xử phạt.

Tổng giám đốc của công ty này khi vụ việc vỡ lở còn lớn tiếng thanh minh không dính vào các hành vi thao túng giá cổ phiếu, song kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy ông này cùng đồng phạm sử dụng hơn 50 tài khoản để tạo cung cầu giả cổ phiếu FTM, vay margin các công ty chứng khoán, vay tiền ngân hàng để sử dụng kéo giá cổ phiếu suốt thời gian dài.

Tin bài liên quan