Ngày 1/6/2021, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã cập nhật danh sách mới nhất của 36 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo quản vắc xin, trong đó có vắc-xin ngừa Covid-19.
Trong danh sách 36 doanh nghiệp được nhập khẩu vắc-xin, có 3 cái tên đáng chú ý hiện đang giao dịch trên thị trường niêm yết và thị trường UPCoM. Đó là: CTCP Dược phẩm Bến Tre (Bepharco, mã DBT - sàn HOSE); CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã DP1 - UPCoM) và CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (mã YTC - UPCoM).
Sau thông tin chính thức của Cục Quản lý dược, giá các cổ phiếu trên đã bắt đầu có những biến động.
Bật tăng mạnh
Sau đợt biến động giằng co quanh vùng giá 13.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm về dưới ngưỡng 12.000 đồng/CP trong 5 tháng đầu năm 2021, cổ phiếu DBT của Dược Bến Tre đã bất ngờ tăng vọt trong 2 phiên giao dịch gần đây.
Với 2 phiên liên tục khoe sắc tím, cổ phiếu DBT tạm đứng tại mức giá 14.050 đồng/CP trong phiên giao dịch sáng ngày 3/6. Đồng thời, thanh khoản của DBT cũng sôi động, trong đó khối lượng giao dịch trong phiên 1/6 đạt 84.700 đơn vị, cao đột biết so với mức khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây (26.480 đơn vị) và trong phiên sáng nay 3/6, giao dịch tiếp tục tăng cao với 94.700 đơn vị được khớp lệnh.
Tương tự, cổ phiếu DP1 của Dược phẩm Trung ương CPC1 cũng đóng cửa phiên 2/6 ở mức trần giá 28.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 44.500 đơn vị, cao đột biến so với thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây (5.620 đơn vị). Đáng lưu ý, trước đó, có không ít ngày giao dịch, cổ phiếu này chỉ ghi nhận mức khớp lệnh bằng 0 hoặc 100 cổ phiếu.
Và trong phiên giao dịch sáng 3/6, cổ phiếu DP1 vẫn duy trì sức nóng khi xác lập mức giá trần ngay từ khi mở cửa. Tạm chốt phiên sáng nay, DP1 tăng 15% lên mức giá trần 31.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 22.300 đơn vị và dư mua trần 8.500 đơn vị.
Cổ phiếu “bất động”
Trái với diễn biến của cặp đôi DBT và DP1, cổ phiếu YTC của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bất động ở mức giá 76.000 đồng/CP. Mức giá này đã được xác lập sau phiên giảm sàn ngày 21/5 và là phiên không có giao dịch thứ 9 liên tiếp của YTC.
Theo tìm hiểu của phóng viên, diễn biến giá này có thể đến từ kết quả kinh doanh và sự biến động trong đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, thay đổi đơn vị kiểm toán.
Theo giải trình kết quả điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính năm 2020 (ngày 19/5/2020) của YTC, thì nội tại doanh nghiệp vẫn đang có những vấn đề chưa thể giải quyết, trong đó, YTC buộc phải hồi tố các số liệu liên quan như: Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá tồn kho; doanh thu, giá vốn ghi nhận chưa đủ điều kiện; chi phí thuê đất, chi phí lương thưởng chưa được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh…
YTC giả trình ý kiến ngoại trừ của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C. |
Đánh chú ý, không ít số liệu trước và sau điều chỉnh của YTC có biến động lớn: Tài sản ngắn hạn tăng từ 692 tỷ đồng lên 710 tỷ đồng; nợ phải trả từ 692 tỷ đồng lên 745 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác từ 194 tỷ đồng lên 274 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối biến động mạnh, từ trên 6,3 tỷ đồng thành âm 27,7 tỷ đồng.
Báo cáo của YTC cũng nêu rõ, các quy trình theo dõi và quản lý công nợ của YTC rất lỏng lẻo, số lượng đối tượng nợ của Công ty là rất lớn, trên 2.000 đối tượng, hồ sơ lưu trữ của đội ngũ kế toán cũ không khoa học, rõ ràng.
Cũng trong báo cáo này, YTC đã đề cập đến ý kiến ngoại trừ của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C với các khoản công nợ lớn của Công ty.
Trước quan điểm này của Công ty A&C, phía YTC cũng khẳng định không thể kiểm tra được các khoản công nợ nói trên bằng các thủ tục kiểm toán khác.