Đột biến lợi nhuận quý I

Đột biến lợi nhuận quý I

(ĐTCK) Trong khi nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thua lỗ, giảm sút trong quý I/2013 thì một số công ty lại “lội ngược dòng”. Họ đã làm gì để có sự tăng trưởng đột biến này?

Trường hợp tiêu biểu

CTCP Nhiệt điện Phả Lại ( PPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2013, Theo đó, PPC ghi nhận doanh thu bán hàng trong quý I/2013 là 1.778 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính đạt 691 tỷ đồng, tăng 352% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm. Kết quả, LNTT quý I/2013 của PPC đạt 1.012 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ và gấp 2,5 lần kế hoạch lãi 400 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2013.

Đột biến lợi nhuận quý I ảnh 1

Theo giải trình từ PPC, sở dĩ Công ty có kết quả kinh doanh tốt như trên vì trong quý I/2013, PPC phát hơn 2 tỷ Kwh, tăng 25% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất cao là do thời gian này là mùa khô, các nhà máy thủy điện thực hiện tích nước nên hệ thống điện quốc gia yêu cầu PPC phát điện với công suất cao. Quý I/2013 cũng là thời điểm PPC không dừng các tổ máy để sửa chữa đại tu nên PPC đạt công suất sản xuất tối đa, làm cho lợi nhuận từ sản xuất điện trong quý I năm nay đạt 351 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Quý I năm nay, PPC còn ghi nhận 552 tỷ đồng từ tỷ giá JPY/VND giảm 1.983 đồng so với thời điểm cuối năm 2012. Nhờ đó, Công ty đã đánh giá lại khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ giúp cho PPC có thu nhập này. Ngoài ra, Công ty cũng thu được khoản đầu tư tài chính hợp nhất là 117,7 tỷ đồng, trong đó lãi tiền gửi là 103,6 tỷ đồng.

Không riêng PPC có kết quả kinh doanh ấn tượng, mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng công bố BCTC hợp nhất quý I/2013 với doanh thu thuần 3.934 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước và lãi ròng 457 tỷ đồng, tăng 134%.

Theo giải trình từ Hòa Phát, nguyên nhân dẫn đến lãi ròng tăng đột biến xuất phát từ việc giá vốn giảm mạnh. Và mặc dù thị trường thép còn nhiều khó khăn, nhưng HPG vẫn giữ vị trí thứ 2 trên thị trường, duy trì sản xuất ổn đinh.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh ấn tượng của HPG còn do doanh thu hoạt động tài chính quý I năm nay tăng lên 136 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ thu về 22 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm gần 100 tỷ đồng.

Những yếu tố làm nên sự “đột biến”

Thực tế, sự đột biến của PPC chủ yếu nhờ yếu tố chênh lệch tỷ giá đồng Yên. Chính vì thế, khi trả lời thắc mắc của cổ đông trong ĐHCĐ, ông Phạm Kim Lâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PPC có lưu ý, con số kinh doanh trong quý I/2013 có thể chỉ là tạm thời vì còn phụ thuộc vào chênh lệch tỷ giá đồng Yên ở ngày cuối năm 2013.

Với Hòa Phát, nguồn thu từ lãi đầu tư tài chính 105 tỷ đồng là cơ sở chủ yếu giúp HPG có bước nhảy vọt trong hoạt động này. Ngoài ra, do lãi vay của HPG trong quý I năm nay chỉ trả 9% năm, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất phải chịu là 17%/năm của cùng kỳ nên chi phí tài chính của HPG giảm mạnh.

Rõ ràng, PPC hay HPG đều đang hưởng lợi từ các nhân tố bên ngoài, như tỷ giá và chính sách. Nếu những nhân tố này thay đổi theo chiều bất lợi, doanh nghiệp sẽ khó duy trì được bước nhảy vọt như hiện nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang hy vọng, PPC sẽ tiếp tục lợi thế hiện có bởi Nhật có nhiều lý do chưa thể siết lại chính sách tiền tệ. Hay với các doanh nghiệp đang hưởng lợi từ lãi suất giảm, cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục hạ chi phí lãi vay vẫn còn khi Vietcombank, Viettinbank, Agribank… đều tiến hành giảm mạnh lãi suất huy động chỉ trong những ngày đầu tháng 5.

Một số trường hợp như Simco Sông Đà (SDA), Nam Kim (NKG) có lãi đột biến dựa vào yếu tố giá đầu vào giảm hoặc doanh nghiệp có thu nhập bất thường từ bán và bàn giao tài sản. Theo giới chuyên gia, các yếu tố này luôn biến động. Nghĩa là sự phấn khởi trong quý I/2013 chưa khẳng định gì nhiều cho bức tranh kinh doanh tổng thể cả năm 2013 của doanh nghiệp. Nhưng sự tăng trưởng vượt trội trong quý I/2013 sẽ là động lực để doanh nghiệp và cả nhà đầu tư phấn chấn.