Khối ngoại vẫn có thể là chỉ báo tốt cho những cổ phiếu chất lượng. Ảnh: Shutterstock.

Khối ngoại vẫn có thể là chỉ báo tốt cho những cổ phiếu chất lượng. Ảnh: Shutterstock.

Dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán, giảm vai trò nhưng vẫn là chỉ báo tốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù không còn giữ vai trò quan trọng như ở giai đoạn trước, nhưng động thái của dòng vốn ngoại vẫn được xem là chỉ báo khả tín mà các nhà đầu tư có thể tham khảo.

Giảm vai trò…

Phiên giao dịch cuối tuần, dù thị trường tiếp đà rơi mạnh nhưng khối ngoại lại cho thấy động thái mua ròng khá mạnh.

Trên HOSE, chốt phiên ngày 9/7, khối ngoại đã mua ròng 19,51 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 789,11 tỷ đồng. Cổ phiếu được mua/bán ròng mạnh nhất trong phiên này lần lượt là MBB, HPG, VHM, STB, KDH, GEX, CTG/NVL, VPB, MSB.

Trên HNX, khối ngoại đã bán ròng 620.670 đơn vị và mua ròng 7,5 tỷ đồng. Cổ phiếu được mua/bán ròng mạnh nhất trên HNX lần lượt là VND, THD, MBS, BSI, BVS/PVS, APS, NBC.

Trên UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 65.650 đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 0,64 tỷ đồng. Cổ phiếu được mua/bán ròng mạnh nhất trên HNX là VTP, LTG, MSR/VEA, QNS.

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 9/7, khối ngoại đã mua ròng 18,82 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 795,97 tỷ đồng. Tính chung trong tuần giao dịch từ 12 - 16/7, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2.500 tỷ đồng.

Quan sát diễn biến dòng tiền của khối ngoại thời gian qua, nhà đầu tư Nguyễn Đức Linh (Hà Nội) đánh giá, dòng vốn này đã không còn giữ nhiều vai trò như thời gian trước.

“Hiện khối ngoại chỉ chiếm 5 - 10% dòng vốn, nên sức ảnh hưởng của nhà đầu tư nước ngoài lên thị trường là không nhiều. Giờ thực sự là sân chơi của các nhà đầu tư nội”, anh Linh nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Việt Quang, kể cả với việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường cổ phiếu thời gian qua cũng chưa đến mức tiêu cực hoặc chưa phải là vấn đề cần phải có sự tác động từ chính sách. Lý do là bởi khối ngoại bán ròng cổ phiếu nhưng mua ròng trái phiếu, chứng tỏ có sự dịch chuyển trong phân bổ danh mục. Cùng với đó, việc bán ròng khác với rút ròng, con số thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy số dư tiền mặt trên tài khoản nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường vẫn lớn, chứng tỏ khối ngoại tiếp tục chờ đợi cơ hội giải ngân tiếp theo.

Vai trò của khối ngoại đã suy giảm nhiều so với trước. Ảnh: Shutterstock.
Vai trò của khối ngoại đã suy giảm nhiều so với trước. Ảnh: Shutterstock.

… Nhưng vẫn là chỉ báo tốt

Theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, giai đoạn trước dòng vốn ngoại chiếm tỷ trọng lớn, nhưng gần đây dòng vốn nội lại cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ và nhà đầu tư ngoại cũng cẩn trọng hơn với thị trường, không mạnh tay như nhà đầu tư trong nước nên vai trò của họ dần đang giảm nhẹ.

Dù vậy, theo ông Hiếu, khối ngoại vẫn có thể là chỉ báo khả tín vì họ là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có công cụ quan sát, phân tích tình hình tốt. Điều này là trái ngược hẳn với các nhà đầu tư trong nước khi chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân chứ không phải tổ chức, nhóm này còn mang tính bầy đàn, chạy theo số đông và chưa hẳn đã mang lại sự tích cực cho thị trường.

Ở một góc nhìn khá lạc quan, nhà đầu tư Lê Kế Thọ (TP.HCM) đánh giá, thị trường chung vẫn tốt và những tháng cuối năm có thể chứng kiến việc khối ngoại không chỉ ở lại mà còn bỏ thêm tiền vào các doanh nghiệp/cổ phiếu tốt. Cũng cần lưu ý rằng khối ngoại là giao dịch tổ chức nên không hẳn theo như cách của nhà đầu tư cá nhân.

“Việc lỗi hệ thống được khắc phục thì khối ngoại có thể sẽ trở lại mạnh mẽ hơn và có sự phân hóa chứ không chỉ tập trung vào các lĩnh vực: bank, thép, chứng khoán. Đang có dấu hiệu cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của dòng tiền khối này vào bất động sản qua những mã cụ thể như VHM, NVL…”, anh Thọ cho biết thêm.

Tin bài liên quan