Khoảng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho start-up Việt trong 3 năm tới đã được cam kết tại Vietnam Venture Summit 2019.

Khoảng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho start-up Việt trong 3 năm tới đã được cam kết tại Vietnam Venture Summit 2019.

Dòng vốn đang chảy vào miền đất màu mỡ

Không chỉ là kỳ vọng, các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo đã bắt đầu chảy nhanh và mạnh hơn vào Việt Nam.

Dòng vốn đã chảy

Bốn start-up của Việt Nam, bao gồm Propzy, Abivin, Finhay và Selex Motor, đã lần lượt có bài các bài pitching, để thuyết phục hơn 100 quỹ đầu tư có mặt tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2019, tổ chức ngày 10/6 tại Hà Nội. Kết quả, Propzy được Quỹ đầu tư DT&I (Hàn Quốc) cam kết đầu tư 1,4 triệu USD. Việc ký kết thỏa thuận được thực hiện ngay tại Diễn đàn.

DT&I hẳn phải mất thời gian để tìm hiểu về Propzy, một start-up được phát triển từ năm 2017 với mong muốn trở thành “Uber trong lĩnh vực bất động sản”, rồi mới quyết định đầu tư. Nhưng rõ ràng, đây là động thái cho thấy, dòng vốn từ các quỹ đầu tư luôn sẵn sàng chảy vào các start-up Việt.

Sự sẵn sàng lớn đến mức, Golden Gate Ventures đã thay mặt nhóm các quỹ đầu tư cam kết đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng cho giới start-up Việt trong 3 năm tới. Quỹ VinaCapital cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với 2 quỹ của Hàn Quốc để đánh dấu việc sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD cho các start-up Việt Nam trong cùng thời gian. Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thì chia sẻ về khoản quỹ trị giá 3 tỷ EUR dành cho giới start-up, trong đó có start-up Việt Nam.

Như vậy, nếu mục đích của Vietnam Venture Summit 2019 là khơi thông nguồn lực cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, thì bước đầu đã hoàn thành.

Trên thực tế, xu hướng Việt Nam trở thành một điểm đến của đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo khá rõ. Con số thống kê của TOPICA cho thấy, năm 2018, các khoản đầu tư vào công ty start-up của Việt Nam đạt 889 triệu USD, gấp 3 lần con số của năm 2017 và gấp 5 lần con số của năm 2016 ở Việt Nam.

“Trước đây, để gọi một khoản vốn chỉ 2 triệu USD cho Foody, chúng tôi đã phải chạy khắp nơi, sang cả Hàn Quốc mới có được cam kết đầu tư này. Nhưng nay, kêu gọi đầu tư 2-3 triệu USD khá đơn giản”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ CyberAgent chia sẻ.

Thách thức thời gian

Không còn nghi ngờ gì, Việt Nam đang trở thành đích đến của giới đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Ông Vinnie Lauria, đồng sáng lập quỹ Golden Gate Ventures, không ngần ngại nói: “Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội tại Việt Nam”.

Không được để các start-up phải ra nước ngoài thành lập chỉ vì vấn đề thủ tục.

- Trích phát biểu của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn

Nhưng thách thức bây giờ là làm sao biến các cam kết đầu tư trở thành hiện thực, rút ngắn thời gian nhận vốn, để các start-up có thể tập trung sản xuất và vươn ra toàn cầu. Đây là một trong những nội dung Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng muốn các nhà đầu tư hiến kế tại Diễn đàn.

“Đây là một phần của chiến lược lớn nhằm đưa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam lên một tầm cao mới”, Bộ trưởng khẳng định.

Đáp lời, đại diện một quỹ đầu tư lớn nhấn mạnh, để thúc đẩy sáng tạo thì cần kiểm soát việc cấp phép. “Ở nhiều quốc gia, Chính phủ có định hướng phát triển đổi mới sáng tạo, nhưng nếu quy trình, thủ tục thiếu minh bạch, chúng tôi sẽ đưa ra cảnh báo vàng. Phải đảm bảo thủ tục đơn giản và minh bạch”, vị này nói.

Trong khi đó, ông Hanno Stegmann, nguyên CEO Rocket Internet APAC, hiện là Giám đốc BCG Digital Ventures, nhắc đến sự xuất hiện của doanh nghiệp lớn đằng sau các start-up. Ông cho rằng, cần có sự đồng bộ về tầm nhìn trong mối quan hệ này.

“Đừng chỉ quan tâm đến tiền. Như thế là sai lầm. Phải quan tâm đến giá trị đằng sau các khoản đầu tư đó là gì”, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc IFC tại Việt Nam, thẳng thắn.

Và cam kết của Chính phủ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, người tiên phong đề xuất thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) luôn trăn trở làm sao để đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển của kinh tế Việt Nam trong tương lai. Vì thế, tại Diễn đàn, ông đã đưa ra 3 cam kết đối với các nhà đầu tư.

Thứ nhất, đối thoại và thảo luận thường xuyên với cộng đồng nhà đầu tư mạo hiểm; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan triển khai xây dựng các giải pháp thích hợp, nhanh chóng giải quyết khó khăn để khơi thông và không ngừng tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Thứ hai, thông qua NIC và các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cam kết sẽ hỗ trợ giới khởi nghiệp tiếp cận các nguồn tài trợ hơn; để cộng đồng nhà đầu tư tiếp cận với nhiều cơ hội chất lượng hơn.

Thứ ba, thông qua mạng lưới tổ chức trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cam kết hỗ trợ hết sức cho một cộng đồng đổi mới sáng tạo năng động, gắn kết và chất lượng cao…

Khi các cam kết được đưa ra từ cả hai phía, không chỉ về nguồn lực vốn, thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

GGV là tập trung vào các công ty công nghệ bắt kịp xu hướng thế giới.

Ông Vinnie Lauria, Sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures

Golden Gate Ventures (GGV) đang cố gắng tìm kiếm thêm nhiều start-up Việt để đầu tư, dự kiến gấp 3-5 lần số dự án hoặc số tiền đã đầu tư thời gian qua.

Tiêu chí lựa chọn của GGV là tập trung vào các công ty công nghệ còn non trẻ, khoảng một vài năm tuổi, bắt kịp xu hướng thế giới về các dòng sản phẩm, giải pháp, đã có người dùng và có giao dịch nhất định trên thị trường, chứ không phải chỉ có mỗi ý tưởng.

Các start-up Việt có đội ngũ nhân sự tốt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Ông Lê Văn Thụ, Giám đốc Công ty TNHH Intelligent Investment and Management (IIM)

Các start-up Việt có đội ngũ nhân sự tốt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tôi tin rằng, họ có thể hoàn thành dự án, mục tiêu đề ra một cách tốt đẹp và trọn vẹn. Tất nhiên, để thành công, họ cần thời gian, thời cơ vì phần lớn đang trong giai đoạn ấp ủ. Nhưng chỉ vài năm nữa, sẽ có nhiều dự án start-up đồng loạt thành công và nở rộ. Đây là lý do các nhà đầu tư coi đây là mảnh đất đầu tư màu mỡ.

Để rút ngắn thời gian, các start-up cần sự kết nối, va đập và học hỏi được nhiều hơn, có thể thông qua việc kêu gọi đầu tư từ sớm. Khi các quỹ đầu tư có kinh nghiệm tham gia vào, các start-up sẽ được hỗ trợ cả về kỹ năng quản trị, cập nhật xu hướng công nghệ và cả định hướng chiến lược kinh doanh…

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vượt qua rào cản để tham gia thị trường start-up tại Việt Nam.

Ông Hanno Stegmann, Giám đốc BCG Digital Ventures

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng như khu vực đang thay đổi tốc độ chóng mặt trong 15 năm trở lại đây. Khi một số thị trường đang trở nên quá đông đúc, thì Việt Nam lại nổi lên như một thị trường rất tiềm năng. Đây là nơi có thể tuyển nhân tài với giá rẻ hơn, ít cạnh tranh hơn, thị trường tiêu thụ lớn, ổn định vĩ mô... Nên dù còn không ít rào cản, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã sẵn sàng nhảy qua để tham gia vào thị trường start-up Việt Nam.

Việt Nam có chất lượng nhân lực công nghệ tương đương Hàn Quốc.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc điều hành VISA.vn

Tôi còn nhớ, vào năm 2018, khi công nghệ Blockchain bùng nổ, các nhà phát triển Việt Nam chỉ cần 3 tháng đã theo kịp xu hướng. Nhiều nhà phát triển ở Hàn Quốc đã đến gặp tôi, đề nghị giới thiệu với đội ngũ ở Việt Nam. Chỉ sau một dự án, phía Hàn Quốc đánh giá, chất lượng nhân lực công nghệ của Việt Nam tương đương Hàn Quốc, mà chi phí chỉ bằng 1/10.

Đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai.

IFC sẽ cung cấp nhiều giá trị cho nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam.

Ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc điều hành quốc gia IFC tại Việt Nam, Lào, Campuchia

Chúng tôi quan tâm thị trường Việt Nam vì hai lý do. Một là, chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của khu vực tư nhân. Hai là, những giải pháp khu vực tư nhân đang đưa ra để cải thiện đời sống con người.

Trong khi nhiều nhà đầu tư quan tâm thị trường Việt Nam, với lợi thế hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994, IFC tin tưởng sẽ mang đến nhiều giá trị, không chỉ là tiền mà tri thức, hiểu biết của chúng tôi về thị trường, văn hóa Việt Nam.

Anh Trung (thực hiện)

Tin bài liên quan