Phép thử về dòng tiền từ vàng sẽ tiếp tục đối với TTCK trong tuần này và cả tuần sau

Phép thử về dòng tiền từ vàng sẽ tiếp tục đối với TTCK trong tuần này và cả tuần sau

Dòng tiền từ vàng - Cơ hội cuối cho cổ phiếu?

Phép thử về dòng tiền từ vàng sẽ tiếp tục đối với TTCK trong tuần này và cả tuần sau. Nếu thị trường không bật dậy được, kèm theo sự xác nhận chắc chắn về sự hiện hữu của dòng tiền từ vàng chuyển vào tài khoản chứng khoán, thì TTCK sẽ đánh mất cơ hội cuối cùng về tiếp nhận dòng tiền mới trong năm 2011.

 

Lại thêm một cơ hội nữa đang chờ đợi chứng khoán. Điểm ấn tượng nhất trên hệ thống liên thị trường trong tuần qua không phải là một phiên tăng mạnh bất ngờ của chỉ số chứng khoán, mà là Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước.

 

Chỉ 2 ngày sau cuộc họp thường kỳ được duy trì nghiêm túc và đều đặn với nhóm G12+1, vào ngày 6/10 Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư 32, lặp lại nội dung của Thông tư 11 (cũng của Ngân hàng Nhà nước, ký ngày 29/4/2011) yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, đồng thời bổ sung những điều kiện cụ thể đối với các tổ chức tín dụng muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh vàng tài khoản.

 

Có thể hiểu động thái trên của Ngân hàng Nhà nước như thế nào? Chuyện "loạn lạc" của thị trường vàng tự do và mục tiêu cần phải dẹp loạn thì đã rõ. Cơ chế hình thành một nhóm "tạo lập thị trường" mới bao gồm SJC và một số ngân hàng nhằm bán vàng ra cũng nằm trong động thái can thiệp để bình ổn giá vàng trong nước. Giá vàng trong nước vì thế sẽ có khuynh hướng giảm về mức quy đổi tương đương với giá vàng thế giới.

 

Nhưng có lẽ trên hết, các tiệm vàng tư nhân sẽ lâm vào tình thế khó khăn trong tương lai không xa. Kinh doanh vàng qua tài khoản được tái lập, đề án huy động vàng của Ngân hàng nhà nước chỉ còn chờ được Chính phủ thông qua, trong đó có ý tưởng xây dựng sàn vàng quốc gia. Chưa kể đến khả năng áp trần lãi suất vàng chỉ còn 0,5%/năm như cơ chế đã từng áp dụng đối với tiền đồng và USD.

 

Với những yếu tố đang hình thành và mang tính hội tụ trên, người dân sẽ không còn quá quan tâm đến việc mua bán vàng trên thị trường tự do nữa. Mặt khác, nếu nhận thức rằng vàng đang nằm trong kênh giảm giá, thậm chí là giảm trung hạn, thì càng khó có việc củng cố lực mua. Những ngày qua khi giá vàng trong nước giảm dần đều, thực trạng lực mua cũng giảm theo đã chứng minh cho điều đó.

 

Không còn là một kênh đầu tư hấp dẫn và cũng chẳng có sóng vàng trong ngắn hạn, thị trường vàng vì thế sẽ giảm dần tính thanh khoản. Một bộ phận vàng sẽ có nhu cầu chuyển sang ngoại tệ hoặc tiền đồng để dùng cho việc khác. Việc khác đó là gì? Chứng khoán có lẽ là một trong những điểm ngắm của dân đầu cơ và đầu tư.

 

Cần nhắc lại, 3 tuần trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02 về tái lập trần lãi suất huy động 14%, TTCK đã khởi động một đợt tăng, được cho là sự đón đầu đối với dòng tiền tiết kiệm chuyển từ ngân hàng ra ngoài. Còn lần này, liệu TTCK có phản ứng thuận chiều với xu hướng dòng tiền thoát ra từ kênh vàng không?

 

Có một hy vọng nho nhỏ cho khả năng xảy ra phản ứng như thế. Mặc dù thanh khoản vẫn tiếp tục sụt giảm trên cả hai sàn trong tuần qua, nhưng hiện tượng đó cũng có thể phản ánh lực bán không mạnh, tâm lý bán tháo chỉ xảy ra trong cục bộ một vài phiên chứ chưa hình thành một cách hệ thống cho một chuỗi phiên.

 

Những công ty chứng khoán quen phân tích kỹ thuật có thể đang nhận ra xu hướng kéo ngang của VNI và rõ hơn là đối với HNX. Xu hướng này có thể duy trì trong ngắn hạn, và nếu thị trường không giảm thêm nữa thì cho dù thanh khoản thấp, chỉ số vẫn có thể phục hồi phần nào đó.

 

Khả năng phục hồi của thị trường trong những phiên tới chiếm xác suất khoảng 30%. Một lần nữa, giới phân tích và dự báo chứng khoán lại đối mặt với một sự đánh đố: liệu thị trường đang dần tạo lập mô hình đáy chữ W để từ đó đi lên?

 

W là một khả năng, một phương án trong trung hạn. Hiện tượng này cũng đã tùng xảy ra vào giai đoạn năm 2003-2004 và đang mang lại hy vọng cho một số nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay. Chỉ có điều, chẳng có nhiều nhà đầu tư hài lòng khi quan sát làn sóng bán cổ phiếu của khối đầu tư nước ngoài cứ mỗi tuần, mỗi tháng lại dâng cao hơn. Tuần qua cũng lại thêm một lần nữa, việc bán ròng của khối nước ngoài trở nên thịnh hành, mang lại triển vọng tháng 10/2011 doanh số bán ròng của khối này có thể không mấy thua kém so với tháng 9/2011.

 

Hiện tượng bán ròng trên lại đang nằm trong xu hướng thoái vốn tại một số thị trường mới nổi ở châu Á của nhà đầu tư châu Âu và Mỹ. Hàn Quốc là một trong những tiêu điểm đang được báo động về xu hướng thoái vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Còn đối với TTCK Việt Nam, một thị trường mà còn lâu nữa mới được xếp vào loại thị trường mới nổi có tiềm năng, việc nước ngoài bán ròng càng làm nhụt thêm ý chí tăng trưởng của nó.

 

Trong nhận định gần đây nhất, chúng tôi đã không còn quá quan tâm về mặt điểm số của thị trường, bởi cho dù chỉ số chứng khoán sắp tới có vận động theo hướng răng cưa đi lên, nhưng thực trạng dòng tiền sẽ không bảo đảm yếu tố bền vững cho xu hướng vận động như vậy.

 

Thiếu vắng và gần như không còn hy vọng vào dòng tiền tiết kiệm, TTCK giờ đây chỉ còn trông cậy vào dòng tiền từ vàng. Kỳ vọng này là có cơ sở và có thể xảy ra, tiền từ vàng sẽ chảy vào kênh chứng khoán không nhiều thì ít. Tuy nhiên, cũng cần xét đến yếu tố tâm lý của dân đầu tư vàng.

 

Với đa số người kinh doanh vàng, khi đã chọn vàng như một lọai tài sản và loại hình đầu tư ít rủi ro, họ sẽ khá ngần ngại để chuyển vàng sang loại hình có độ rủi ro lớn hơn hẳn như chứng khoán. Thêm vào đó, vàng và đất đai, nhà cửa thường có quan hệ mật thiết trong chuyển đổi lẫn nhau trong tâm lý người kinh doanh và giữ vàng. Vì thế, e rằng nếu có hiện tượng dòng tiền thoát ra từ vàng thì tiền sẽ có thể chảy vào kênh bất động sản nhiều hơn là vào chứng khoán.

 

Phép thử về dòng tiền từ vàng sẽ tiếp tục đối với TTCK trong tuần này và cả tuần sau. Nếu sau thời gian đó mà thị trường không bật dậy được, kèm theo sự xác nhận - xác nhận một cách chắc chắn chứ không phải theo cảm tính - về sự hiện hữu của dòng tiền từ vàng chuyển vào tài khoản chứng khoán, thì TTCK sẽ đánh mất cơ hội cuối cùng về tiếp nhận dòng tiền mới trong năm 2011.