Sẵn sàng bắt đáy
Thị trường có 3 phiên tăng điểm liên tục với đà tăng khá mạnh trước khi có nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần qua (26/11/2021), giúp chỉ số VN-Index lập mức đỉnh lịch sử mới: 1.500 điểm. Thanh khoản cải thiện và cao hơn mức trung bình cho thấy lực cầu vẫn rất tốt và dòng tiền đang chảy vào thị trường. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang di chuyển trong sóng tăng 5.
Guồng luân chuyển của thị trường đã gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư. Anh Hưng, một nhà đầu tư cá nhân có giá trị tài sản gần 30 tỷ đồng cho biết, anh đã cùng nhóm bạn nhẩm tính khi VN-Index lên tới gần 1.490 điểm sẽ chuyển danh mục tỷ trọng lớn sang VN30, nhưng rồi lại chần chừ một tuần vì muốn tối ưu hóa lợi nhuận ở nhóm penny đang cầm. Nhóm nhà đầu tư này chặc lưỡi vì đã chậm một bước với “chuyến tàu” VN30.
Việc chỉ sau 2 phiên giảm mạnh, thứ Sáu tuần trước nữa (19/11) và thứ Hai tuần trước (22/11), thị trường lại đi lên luôn với tốc độ tăng điểm rất cao cũng khiến không ít nhà đầu tư có kinh nghiệm e ngại.
Bởi lẽ, điều này đồng nghĩa với việc thị trường tạo nền chưa đủ. Nếu thị trường sau nhịp giảm có nhịp hồi phục ít và tiếp tục tích lũy trở lại, kỳ vọng đi lên bền vững sẽ lớn hơn lo lắng VN-Index tiếp tục đảo chiều.
Nhưng những nhà đầu tư F0 lại có tâm lý hoàn toàn khác. Họ hào hứng tham gia thị trường khiến dòng tiền luân chuyển mạnh.
Vào phiên thứ Tư tuần qua, hàng từ phiên giao dịch 2 tỷ USD về đến tài khoản nhà đầu tư nhưng thị trường vẫn tăng mạnh cho thấy sự hấp thụ rất tốt.
Ở giai đoạn này, “tay to” càng dễ kiếm lợi nhuận bằng cách “lướt” hàng có sẵn trong danh mục. Họ có thể lướt trong phiên hoặc lướt T+1, T+2.
Ở giai đoạn này, “tay to” càng dễ kiếm lợi nhuận bằng cách “lướt” hàng có sẵn trong danh mục. Họ có thể lướt trong phiên hoặc lướt T+1, T+2.
Với mức độ biến động mạnh tới 7-10%/phiên hoặc thậm chí 15 - 20% là tỷ suất không hề nhỏ và kiếm lợi nhuận không thấp. Việc vòng quay tiền nhanh như vậy diễn ra khiến giá trị giao dịch trong phiên tăng rất cao và neo ở mức lớn, duy trì thanh khoản các phiên ngưỡng 1,5 - 2 tỷ USD.
Sự máu lửa của nhà đầu tư là rất lớn khi trên một nhóm nọ có nhà đầu tư khoe vừa nạp thêm 8 tỷ đồng vào tài khoản, trong khi tài khoản của anh này đã có sẵn 20 tỷ đồng. Những nhà đầu tư cá nhân có tài khoản vài chục tỷ đồng không ít, họ có thể mua vài trăm nghìn cổ phiếu trong một lệnh và dùng lệnh MP để quét luôn một nhát nhằm đạt mục tiêu.
Trong khi cổ phiếu ngân hàng chưa khẳng định sóng tăng rõ ràng, không ít nhà đầu tư biện luận rằng cổ phiếu ngân hàng chỉ kéo lên nhất thời, không đáng để lưu tâm và dòng tiền nhỏ lẻ vẫn sẽ quay lại nhóm đã tăng nóng thời gian qua. Điều đó dẫn đến khả năng nhóm đầu cơ vẫn có những mã tăng.
Thông tin được nhiều nhà đầu tư truyền nhau về room tín dụng ngân hàng. Nguồn: FIDT. |
Một nhà đầu tư cầm khá nhiều cổ phiếu LDG kể, phiên Thứ Ba (23/11) anh đã mua vào 100.000 cổ phiếu này và đã nghĩ mình sai lầm khi cổ phiếu LDG cũng như các cổ phiếu đầu cơ khác giảm mạnh. Nhưng đến hôm sau, LDG lại tăng trần, khiến nhà đầu tư này tự tin trở lại.
Nhóm tiền lớn và đầu tư giá trị thì vẫn ưu tiên rót vào cổ phiếu ngân hàng và nhóm ngành tăng trưởng trong 2022, đặc biệt ưu tiên các dòng hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế có khả năng được tung ra vào cuối năm. Thị trường đang tồn tại hai phe đầu tư và đầu cơ song hành.
Giữ cái đầu lạnh trong thị trường nóng
Có tới 90% nhà đầu tư cảm thấy khó chịu với việc tư vấn cắt lỗ, họ nghĩ rằng việc cổ phiếu giảm chỉ là ngắn hạn và chỉ cần gồng lỗ là có lãi trở lại. Dù vậy, việc này không hẳn đúng.
Cái mất lớn khi gồng lỗ chính là chi phí cơ hội. Chẳng hạn, các nhà đầu tư gồng lỗ với cổ phiếu ngân hàng cơ bản chưa “về bờ”, còn nếu các nhà đầu tư biết cắt lỗ để chuyển sang các nhóm cổ phiếu có sóng đã kiếm bộn tiền trong quý III. Vì thế, hiện nay, nhà đầu tư F0 hành động rất nhanh, sẵn sàng cắt lỗ, khiến vòng quay tiền rất lớn.
Tuy nhiên, việc mắc lỗi khi cắt lỗ cũng bào mòn tài khoản rất nhanh. Chẳng hạn, nhà đầu tư vừa cắt lỗ một mã, cảm thấy không thể để trống danh mục, muốn mua ngay để có thể gỡ lại phần tiền đã mất, nhưng do thiếu định hướng, lao vào ngay các mã đang tăng trần vì nghĩ dễ ăn, không ngờ mua xong mã trần ấy lại giảm, mất thêm tiền. Đây là những lỗi lầm hay mắc phải nhất của nhà đầu tư, còn gọi là tâm lý “con bạc”, thay vì đầu tư.
Một nhà đầu tư có thâm niên trên thị trường chia sẻ kinh nghiệm, nếu nhà đầu tư đang lỗ và đã quyết tâm cắt lỗ thì cần bình tâm lại, ngồi xem mình sai ở điểm nào, có một khoảng nghỉ để xem lại bản thân sau khi cắt lỗ. Việc lao ngay vào để “ăn thua đủ” với thị trường thường tạo nên việc lỗ kép.