Dòng tiền rình rập trên thị trường chứng khoán

Dòng tiền rình rập trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty chứng khoán lớn mở lại margin, nhà đầu tư nạp thêm tiền vào tài khoản chứng khoán hoặc không rút ra. Một lượng tiền lớn đang rình rập chờ cơ hội giải ngân khi thị trường có những pha điều chỉnh mạnh.

Biến động mạnh

Thị trường chứng khoán vừa có một tuần biến động mạnh, với 4/5 phiên giảm điểm. Trong đó, phiên giao dịch ngày 28/1 đã chứng kiến mức giảm kỷ lục, chỉ số VN-Index mất tới gần 74 điểm, hàng trăm cổ phiếu nằm sàn, trắng bên mua.

Thị trường đang trong xu hướng điều chỉnh nên thông tin về số ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng như “đổ dầu vào lửa”, kích hoạt đà bán tháo của nhà đầu tư trong phiên này. Mặc dù cuối tuần qua chỉ số VN-Index đã có phiên hồi phục khá tích cực khi tăng tới 32,67 điểm, đóng cửa ở mức 1.056 điểm, nhưng đã rời khá xa mốc 1.200 điểm đã thiết lập được hồi đầu năm.

Thêm một lần nữa, chỉ số VN-Index lại điều chỉnh mạnh sau khi tiếp cận ngưỡng lịch sử 1.200 điểm, mà giới đầu tư vẫn ví von là “lời nguyền 1.200 điểm”.

Dựa trên phân tích kỹ thuật, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, mốc 988 điểm có ý nghĩa khá quan trọng với tâm lý nhà đầu tư.

Nếu chỉ số VN-Index chạm đến mốc 988 điểm và bật lại luôn trong một phiên thì cơ hội vượt 1.200 điểm trong năm 2021 là có, và chỉ số sẽ tăng 100 điểm chỉ trong 3 - 4 phiên. Ngược lại, nếu VN-Index thủng mốc 988 điểm về 950 điểm thì vẫn có khả năng bật lại vùng 1.050 - 1.100 trong ngắn hạn, nhưng có thể phải mất tới 2 năm mới vượt qua ngưỡng 1.200 điểm.

Trước đó, tại mốc 1.000 điểm, thị trường cũng phải mất nhiều phiên để vượt qua ngưỡng kháng cự này. Nhìn lại những cột mốc đáng nhớ của VN-Index cho thấy, tại thời điểm tháng 3/2007, đỉnh đầu tiên của VN-Index được hình thành ở mức 1.179,3 điểm.

Sau đó, VN-Index phải chờ tới 10 năm mới lại lần nữa vượt mốc 1.000 điểm vào quý I/2018 và xác lập đỉnh mới 1.204 điểm. Sang năm 2019, VN-Index có 2 lần vượt ngưỡng 1.000 điểm nhưng không trụ lại được lâu. Và bước sang năm 2021, khi chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 1.200 điểm cũng chỉ trụ lại được hai phiên.

Chực chờ cơ hội

Ngay sau phiên giảm điểm kinh hoàng ngày 28/1, người viết đã tiến hành khảo sát nhanh với một nhóm nhà đầu tư, mỗi người có quy mô tài khoản chứng khoán giá trị vài tỷ đồng. Họ cho biết, ngay trong phiên này đã nộp thêm tiền vào tài khoản.

Một nhà đầu tư trong nhóm cho biết, chị quan sát thấy ở phòng giao dịch Vietcombank, số người tới nộp tiền vào tài khoản chứng khoán khá nhiều.

Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán trong Top 10 thị phần môi giới tiết lộ, sáng 28/1, có hơn 100 tỷ đồng của nhà đầu tư được chuyển vào tài khoản tổng của công ty này. Tất nhiên, không phải tất cả nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản cũng bắt đáy ngay, nhưng điều này cũng thể hiện họ sẵn sàng để đón bắt cơ hội mua vào.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, phần lớn nhà đầu tư cá nhân đã bán chứng khoán từ tuần trước vẫn giữ tiền trong tài khoản.

Còn chuyện call margin ở các công ty chứng khoán thì sao?

Chiều 28/1, giám đốc tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán cho biết, Công ty vừa họp rà soát danh mục margin và thấy tình hình bình ổn, không có tài khoản nào bị call margin bởi nhà đầu tư chủ động bán hoặc nạp thêm tiền. Ở công ty chứng khoán trong Top 10 thị phần môi giới nói trên, trong cùng ngày, chỉ có 20 tài khoản bị cảnh báo.

Ông Giám đốc Công ty cho biết, với tỷ lệ cho vay Công ty đang áp dụng, trong vòng 3 ngày sau khi bị cảnh báo, nhà đầu tư phải nạp thêm tiền hoặc chủ động bán cổ phiếu để bù đắp. 20 tài khoản này chỉ có quy mô vay ký quỹ dưới 1 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư lớn cũng chia sẻ thông báo của các công ty chứng khoán lớn về việc mở lại hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ về lại trạng thái bình thường cho toàn bộ khách hàng, áp dụng từ ngày 29/1 với HSC hoặc từ ngày 1/2 với ACBS...

Trước đó, ngày 25/1, nhiều công ty chứng khoán lớn đã siết lại margin, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư bán ra.

Một nhà đầu tư ví von, “hiện nay là cuộc chiến giữa phe bị force sell”, phe tâm lý e ngại Covid và phe cầm tiền muốn tìm kiếm cơ hội và vị thế đang nằm ở bên mua.

Một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là những nhà đầu tư lớn, lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư chứng khoán có lãi lớn sẽ tiếp tục bán ra hay không?

Lý giải câu hỏi này, một nhà đầu tư có kinh nghiệm phân tích, các nhà đầu tư tham gia thị trường với lượng lớn thì thường trải theo từng lớp, nghĩa là cứ mua vào xong giá lên lại bán bớt. Dù sức mua lớn nhưng họ phải quay vòng liên tục để thúc đẩy thanh khoản.

Bản chất họ mua bán liên tục với một biên lợi nhuận mỏng và khi nào cổ phiếu còn lên, tâm lý còn tích cực thì người ta còn làm việc đó. Lợi ích thu về không phải một cục là giá bán - giá mua, mà ngay quá trình mua - bán họ đã thu lợi nhuận.

Mỗi nhịp giảm mạnh của thị trường sẽ là một cơ hội giải ngân từng phần cho các nhà đầu tư theo giá trị.

Thị trường càng tích cực về lâu dài thì các nhà đầu tư dạng này càng thu được nhiều lợi ích, nên khi ngay thị trường đổ đèo họ đã xả ra để cân bằng margin cho sức mua sau này khi thấy lượng bán ra quá nhiều. Sau đó, khi thị trường mất thanh khoản, nhà đầu tư cá nhân mới đổ ra bán thì lúc đó họ đã sẵn tiền để vợt lại.

“Lo ngại những nhà đầu tư này xả mạnh tiếp có thể không phải là quá lớn”, nhà đầu tư trên phân tích.

Mỗi nhịp giảm mạnh của thị trường sẽ là một cơ hội giải ngân từng phần cho các nhà đầu tư theo giá trị. Môi giới tại Công ty Chứng khoán VPS cho thấy, trong phiên giao dịch 28/1, nhiều nhà đầu tư lớn đã dần mua vào, trong khi nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bán ra nhiều hơn.

Trong khi tại MBS, theo chia sẻ từ một môi giới, lượng nhà đầu tư mở mới vẫn tăng.

Vùng 900 - 910 điểm là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS

Diễn biến sụt giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán trong nước, với thanh khoản lớn là điều rất đáng ngại trong giai đoạn hiện tại.

Đà bán tháo cổ phiếu chưa có dấu hiệu dừng lại. Thị trường sẽ cần nhiều thời gian để có thể quay trở lại giai đoạn "hoàng kim" như cách đây mấy tháng.

Giống như các đợt lây nhiễm trong năm giai đoạn đầu năm và giai đoạn tháng 6 thì thông tin dịch bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index có khả năng giảm thêm một số phiên. Trước mắt, vùng 900 - 910 điểm đang là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số này.

Tin bài liên quan