“Dòng tiền nóng” nguội dần!

“Dòng tiền nóng” nguội dần!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền nóng chảy “rần rật” và trạng thái đầu cơ quá mức khiến điểm số thị trường chứng khoán chạy nhanh hơn các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Nhưng câu chuyện đã bắt đầu diễn biến khác… 

Ðầu cơ thắng thế

Trên các sàn chứng khoán chính tại Việt Nam vài tuần qua, dù dòng tiền không còn “tùy tiện” như thời điểm bắt đầu chấm dứt giãn cách xã hội, song giá cổ phiếu ở thời điểm này vẫn bị chi phối bởi các yếu tố thị trường nhiều hơn là yếu tố tài chính, hoạt động của doanh nghiệp.

Ðiều này là khá dễ hiểu bởi sau giai đoạn cao điểm Covid-19, có cả trăm ngàn tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân mở mới.

Trong khi đó, đầu cơ và làm giàu nhanh thực ra vẫn là quan điểm xuyên suốt của đại đa số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.

Với số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ cực lớn như hiện nay thì việc thị trường bị tác động bởi xu hướng “đánh nhanh thắng nhanh” là điều dễ hiểu. Rất nhiều cổ phiếu tăng đáng ngạc nhiên, bất chấp kết quả kinh doanh đi xuống, thậm chí thua lỗ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng cho rằng, vừa qua, các yếu tố thị trường nói chung ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư hơn là các thông tin liên quan đến hoạt động của từng doanh nghiệp.

Việc một vài doanh nghiệp có thông tin đặc biệt hầu như ảnh hưởng rất ít, chỉ có tác động đến cổ phiếu trong ngắn hạn vài phiên. Nghĩa là nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào các thông tin vĩ mô, yếu tố thị trường chung hơn là các thông tin cụ thể, tác động trong phạm vi hẹp.

Theo ông Khánh, quan sát một tháng qua, thấy hiện tượng này rất rõ khi thanh khoản giảm dần đều.

Ðặc biệt, cả khi thị giá cổ phiếu tăng mà thanh khoản vẫn giảm và mỗi khi giá chạm vào những vùng kháng cự thì thanh khoản chỉ cần tăng nhẹ, người bán mạnh tay hơn một chút là giá giảm lại ngay.

Dĩ nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn được hỗ trợ hoặc tác động từ các thị trường quốc tế và cả giá vàng liên tục tăng những ngày qua. Tuy vậy, mức độ tương quan không còn quá mạnh như trước khi có nhiều thời điểm xu hướng 2 thị trường trong nước và quốc tế diễn biến trái chiều.

Trong ngắn hạn, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro không dự đoán trước được, đơn cử như khi nào chính thức có vaccin Covid-19 vẫn là một ẩn số, số ca nhiễm Covid-19 ở một số quốc gia tăng mạnh, yếu tố địa chính trị tại một số khu vực vẫn còn nhiều bất ổn...

Do đó, theo CTCK Bản Việt, tâm lý đầu cơ vẫn sẽ hiện hữu. Ngoài ra, các nhà đầu tư đều hiểu rằng, quý II hầu như tất cả các doanh nghiệp đều ngập trong khó khăn nên thông tin kết quả kinh doanh 6 tháng của từng doanh nghiệp không nhiều yếu tố bất ngờ. Thị trường sẽ diễn biến theo tâm lý ngắn hạn và các yếu tố vĩ mô nhiều hơn.

Những yếu tố bất lợi đối với thị trường như kết quả kinh doanh bán niên sụt giảm so với cùng kỳ dường như đã được phản ánh vào giá cổ phiếu và giới đầu tư cũng sớm đưa ra dự báo, thậm chí nhà đầu tư cũng đã chấp nhận những thiệt hại của các doanh nghiệp do dịch bệnh gây ra.

Có nghĩa là nếu giả sử doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực hơn dự kiến, giá cổ phiếu vẫn còn dư địa tăng.

Trong khi ở chiều ngược lại, giả như kết quả kinh doanh không tốt thì nó cũng đã nằm trong dự liệu của nhà đầu tư, vì thế giá cổ phiếu bị tác động không quá lớn.

Nhìn lại sự hồi phục của thị trường trong giai đoạn sau cao điểm Covid-19 cho thấy, dòng tiền của các nhà đầu tư F0 đóng vai chủ đạo nâng đỡ điểm số, thậm chí có phần “làm loạn” thị trường.

Từ thời điểm đầu tháng 7/2020 đến nay, các nhóm cổ phiếu phân hóa mạnh dù chưa phải thời gian cao điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2020 và báo cáo bán niên, một số cổ phiếu đã được phản ánh vào giá dựa trên kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh tốt.

Câu hỏi đặt ra là khi các doanh nghiệp công bố chính thức, sự phân hóa sẽ tiếp diễn theo chiều hướng như thế nào?

Thường thì khi báo cáo bán niên được công bố, diễn biến thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Số liệu thực tế sẽ cho thấy ảnh hưởng của dịch bệnh lên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Khi đó, những nhà đầu tư tổ chức có nhiều căn cứ mang tính định lượng để tham gia vào các cổ phiếu của các doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh hơn mặt bằng chung và ước lượng ban đầu.

Chiều hướng ngược lại sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng thực tế trầm trọng hơn. Do sự tham gia mạnh mẽ hơn từ nhóm nhà đầu tư tổ chức nên nhiều khả năng thị trường sẽ phân hóa sâu sắc sau thời điểm này.

Dòng tiền không còn “tùy tiện”

Sau khi làn sóng Covid-19 thứ nhất thoái trào, nhiều TTCK trên thế giới diễn biến tích cực với kỳ vọng về chính sách nới nỏng tiền tệ. Ðiều này khiến dòng tiền chảy mạnh vào thị trường cổ phiếu, dẫn đến trạng thái đầu cơ quá mức. Paul Krugman, nhà kinh tế học đạt giải Nobel năm 2008 phải thốt lên ngạc nhiên trong một bài viết rằng: “Tại sao các nhà đầu tư đổ xô đi mua những thứ rác rưởi!?”.

Tại sao các nhà đầu tư lại đổ xô đi mua những thứ rác rưởi!?

- Paul Krugman - nhà kinh tế học đạt giải Nobel 2008

TTCK Việt Nam cũng đã có thời điểm như vậy với tính đầu cơ rất cao và dòng tiền chảy mạnh vào một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh rất kém.

Tuy nhiên, từ đỉnh ngắn hạn của VN-Index ngày 10/6, có vẻ mọi thứ đã thay đổi theo hướng thị giá cổ phiếu gắn liền với thực tế kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hơn.

Dẫn chứng cho nhận định dòng tiền đã không còn tùy tiện như trước, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCK TP. HCM (HSC) đã đưa ra hai luận điểm.

Thứ nhất, dòng tiền vào nhóm các cổ phiếu mang đậm tính đầu cơ, có thị giá dưới mệnh giá giảm mạnh. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này có thanh khoản giảm đến 70 - 80% giai đoạn gần đây.

Nhóm cổ phiếu này điều chỉnh và giảm mạnh về thanh khoản cho thấy những cái đầu của nhà đầu tư F0 đã bớt nóng. Thanh khoản thị trường giảm phân nửa so với đỉnh, chủ yếu do sự đóng góp bởi sự suy giảm của dòng tiền đầu cơ này.

Thứ hai, sự phân hóa sau mốc đỉnh ngắn hạn ngày 10/6 cho thấy nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên những nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và mang tính an toàn cao. Cụ thể, các nhóm ngành diễn biến tốt nhất đều có những triển vọng lợi nhuận tốt và mang tính ổn định cao.

Chẳng hạn như nhóm doanh nghiệp hàng hóa và dịch vụ công nghiệp (ACV, VEA, REE…) với ACV quý I đã hoàn thành kế hoạch năm, VEA có lợi nhuận tăng trưởng trong qúy I; nhóm ngành tài nguyên cơ bản mà nổi bật là nhóm ngành thép với triển vọng lợi nhuận tích cực; nhóm doanh nghiệp xây dựng và vật liệu do không chịu ảnh hưởng quá lớn bởi Covid-19 và kỳ vọng hưởng lợi từ việc tăng tốc đầu tư công; nhóm bất động sản; nhóm thực phẩm đồ uống cũng được xem là một trong những nhóm ngành phòng thủ, hay nhóm doanh nghiệp dịch vụ tài chính như chứng khoán do thanh khoản thị trường quý II rất cao nên kết quả kinh doanh sẽ khả quan…

Một số nhóm ngành khác cũng thu hút dòng tiền nhờ vào khả năng đề kháng tốt trước tình trạng giãn cách xã hội như các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin; nhóm cổ phiếu y tế, dù nhóm này đã tăng khá mạnh trong thời gian qua do quan điểm đây là ngành được hưởng lợi từ nhu cầu vật tư y tế trong dịch bệnh.

Thực tế, một danh mục cổ phiếu của từng nhà đầu tư cũng được ví von như “vườn cây ăn trái”. Mỗi loại sẽ có cơ hội trổ bông, kết quả và được thu hái vào một thời điểm nào đó trong năm, nhưng cũng có những mùa vụ cây không ra trái.

Nên nói như ông Lê Ðức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCK Dầu khí, việc xây dựng một danh mục cổ phiếu cũng cần linh động theo từng giai đoạn. Nếu có thể giao dịch ngắn hạn nhằm tận dụng tốt những cổ phiếu biến động mạnh có lẽ cũng là lựa chọn không tồi.

Ngược lại, nếu không có khả năng lướt sóng ngắn hạn thì hãy chọn ra một số cổ phiếu có triển vọng lớn để nắm giữ với tầm nhìn 3 - 6 tháng trở lên cũng là giải pháp hợp lý để hạn chế rủi ro và không phải chịu sức ép tâm lý canh bảng điện tử hàng ngày.

Tin bài liên quan