Thanh khoản của thị trường chứng khoán duy trì quanh mức 18.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Thanh khoản của thị trường chứng khoán duy trì quanh mức 18.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Dòng tiền mua chủ động trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại nhờ lực mua chủ động không phải là điều ngạc nhiên.

Vốn nội dồi dào

Các room chat sôi động trong suốt những ngày nghỉ lễ, thay vì chỉ sôi động vào tối trước ngày thị trường mở cửa lại như những kỳ nghỉ khác. Các thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục kèm theo những nhận định trái chiều về diễn biến thị trường sau lễ.

Nhiều nhà đầu tư nỗ lực đưa ra những nhận định bình tĩnh, khách quan, kêu gọi nhà đầu tư nhỏ lẻ không hoảng loạn bán tháo cho dù thị trường có giảm, để đối trọng lại với các nhận định thị trường “toang” gây hoang mang, lo sợ.

Thực tế là thị trường đã tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ và nỗi lo dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại đã không còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Nói đúng hơn, tâm lý nhà đầu tư đã bị tác động trước đó rồi.

Thị trường chứng khoán trước kỳ nghỉ lễ đã giảm điểm khi dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng và Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng. Trạng thái “tàu lượn” của chỉ số khiến không ít nhà đầu tư lo lắng và hành động tăng tỷ trọng tiền mặt trước kỳ nghỉ lễ dài ngày. Nhiều cổ phiếu đã chạm ngưỡng hỗ trợ.

Ông Trần Đình Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản 584.1, một nhà đầu tư lâu năm với số vốn trên trăm tỷ đồng cho biết, ông đã bán ra gần hết cổ phiếu vì giá đã cao. Ông Phong đang xem xét cơ hội giải ngân nếu có mức giá hợp lý hơn.

Số người chốt lời như ông Phong không phải là ít khi đã nhân đôi, nhân ba tài khoản trong năm ngoái, cùng với xu hướng chốt lời của cổ đông nội bộ nhiều doanh nghiệp khiến thị trường ghi nhận một lượng tiền được rút ra.

Nhưng tiền của nhà đầu tư F0 đã thay thế lượng tiền rút ra, thể hiện qua việc thanh khoản của thị trường chứng khoán duy trì quanh mức 18.000 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là tiền thật, bởi vì lý do kỹ thuật, lượng vốn margin chưa thể tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, việc giá trị giao dịch ký quỹ chỉ chiếm 13% tổng giá trị giao dịch, cho thấy dòng “tiền tươi” từ nhà đầu tư vẫn đóng vai trò chủ đạo và sẽ giúp thị trường đi xa hơn khi không quá phụ thuộc vào vốn vay ký quỹ.

Sau kỳ nghỉ lễ, dòng tiền trở lại bắt đáy khá mạnh, cầu chủ động tăng khi các cổ phiếu điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật hoặc có thông tin tích cực từ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, thép, chứng khoán, bất động sản thu hút dòng tiền mạnh.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, các yếu tố tiêu cực tác động tới tâm lý nhà đầu tư cá nhân thời điểm này có thể kể đến như áp lực bán từ nhu cầu chốt lời, dịch Covid-19, giá cả hàng hóa tăng tác động đến lạm phát và lãi suất, hiệu ứng “Sell in May”…

Nhưng các yếu tố tích cực hỗ trợ mạnh cho thị trường như sự khởi sắc của kinh tế trong nước, đặc biệt là xuất nhập khẩu, tình hình thu hút FDI tháng 4, và lạm phát thấp hơn so với dự báo ban đầu. Mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 rất thành công, với nhiều doanh nghiệp trong các ngành ngân hàng, thép, công nghệ thông tin… báo lãi lớn.

Trong tháng 5, theo ông Đức Anh, các yếu tố nền tảng vĩ mô, nền tảng cơ bản của doanh nghiệp vẫn đang hỗ trợ xu hướng tăng, nhưng hiệu ứng mùa công bố kết quả kinh doanh đang suy yếu dần, thị trường đi vào vùng trũng thông tin. Vì vậy, thị trường vẫn có thể có xu hướng tích cực nhưng chỉ tăng điểm nhẹ, và đà tăng vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Vốn ETF chủ động

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, hỗ trợ mạnh cho thị trường và củng cố tâm lý tự tin cho nhà đầu tư cá nhân thời điểm này là hoạt động của quỹ ETF. Quỹ ETF Fubon của Đài Loan giải ngân đã tạo tâm lý tích cực hơn cho nhà đầu tư.

Hiện Fubon là quỹ lớn nhất Đài Loan với tổng tài sản quản lý trên toàn cầu gần 400 tỷ USD. Trong 2 đợt công bố gần nhất, họ đã huy động được 7.000 tỷ đồng và giải ngân trước lễ đều đều mỗi ngày 300 - 400 tỷ đồng, có ngày mua đến 500 tỷ đồng. Lực mua này đã trung hòa lực bán cổ phiếu trụ, giúp thị trường không giảm điểm quá mạnh.

Ông Tuấn cho rằng, khi các ETF hút tiền nhiều thì sẽ dẫn dắt đà tăng của cổ phiếu bluechips, nhóm VN30.

Một thông tin đáng chú ý khác đến từ Quỹ Vietnam DC25 Ltd., một quỹ đầu tư liên quan đến Dragon Capital. Quỹ này đã công bố thông tin về việc đăng ký mua 100 triệu chứng chỉ quỹ từ Quỹ VFMVSF từ ngày 4/5 - 2/6/2021.

Vào ngày 27/4/2021, với giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ của VFMVSF là 11.931 đồng thì ước tính gần 1.200 tỷ đồng sẽ chảy vào thị trường (chủ yếu ở các cổ phiếu nhóm VN30).

Ngoài ra, việc dòng tiền tiếp tục vào Quỹ ETF VN Diamond trong 4 tháng liên tiếp với tổng giá trị là 111 triệu USD sẽ là tiền đề hỗ trợ nhóm VN30 “đổ bê tông” ở mặt bằng giá hiện nay.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam không bất ngờ trước sức tăng của thị trường vì đặc tính của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như châu Á là có đến 80 - 90% giao dịch trên thị trường là của nhà đầu tư cá nhân.

Hai dòng tiền chủ lực, ETF và F0, sẽ cân thị trường, giúp thị trường nếu điều chỉnh cũng sẽ nhẹ và điều chỉnh luân phiên

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Đây là dòng tiền nâng đỡ nhưng không phải tiên phong, nên luôn cần có dòng tiền lớn (hay gọi là các nhà đầu tư Bigboy - PV) dẫn dắt. Dòng tiền lớn thường có kinh nghiệm, tính bao quát, nắm và phân tích tốt các yếu tố vi mô, vĩ mô… tác động ra sao tới thị trường, do đó, họ thường có hành động đi trước thị trường. Trong lần này, ông Phương cho rằng, họ cũng đã nhìn ra cơ hội.

Lực cầu của ETF giúp mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu lớn vững chắc, cộng thêm các thông tin tốt lan tỏa sau các đại hội cổ đông, dòng tiền nội liên tục mua vào các cổ phiếu lớn, nhất là cổ phiếu ngân hàng, đưa các cổ phiếu này lên ngưỡng cao hơn.

“Hai dòng tiền chủ lực, ETF và F0, sẽ cân thị trường, giúp thị trường nếu điều chỉnh cũng sẽ nhẹ và điều chỉnh luân phiên”, ông Phương nhận định.

Nền tảng tăng trưởng

Trụ cột quan trọng nhất cho thị trường chứng khoán hiện nay vẫn là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp rất tốt, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Theo dữ liệu thống kê từ Bloomberg, thị trường đang kỳ vọng mức tăng trưởng EPS 18% trong năm 2021.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, việc kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong quý I là bệ phóng cho các doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2021.

Dựa vào phân tích độ nhạy, Công ty Chứng khoán Rồng Việt điều chỉnh +/-5% mức tăng trưởng EPS theo dữ liệu của Bloomberg, cùng với việc sử dụng P/E trung bình trong vòng 3 năm trở lại đây ở mức 15,8 lần và đưa ra kết luận rằng VN-Index có thể dao động trong vùng 1.240 - 1.370 điểm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, mức P/E 18 lần hiện nay của thị trường Việt Nam có thể nói không rẻ nhưng cũng không quá đắt.

Mức này cao hơn mức trung bình 5 năm của VN-Index là 16 lần nhưng rẻ hơn mức đỉnh lịch sử thiết lập trong năm 2018 là 22 lần và rẻ hơn các nước trong khu vực (Malaysia: 20 lần, Philippines, Indonesia: 27 lần, Thailand, Singapore: 38 lần).

“Chúng tôi cho rằng, P/E VN-Index có thể hướng tới mức 20 lần trong thời gian tới nhờ vào dòng tiền khối nội rất mạnh, sự quay lại của dòng vốn ngoại cũng như sự hồi phục mạnh tăng trưởng khoảng 25 - 30% lợi nhuận doanh nghiệp trong năm nay”, bà Tuyền nói.

Theo Maybank KimEng, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp trong quý II/2021 nhìn chung vẫn khả quan khi so sánh với cùng kỳ 2020 (là giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất).

Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB) là các ngân hàng có dư địa để tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Các doanh nghiệp ngành bán lẻ như Thế giới di động (MWG), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sẽ phục hồi mạnh do cùng kỳ bị ảnh hưởng quá mạnh. Tương tự, ngành dệt may cũng kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU hồi phục sau Covid-19.

Ngành thép vẫn kỳ vọng khả quan khi giá thép vẫn tiếp tục tăng như hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã chủ động trong các biện pháp phòng ngừa cũng như truy vết để chống dịch nên dịch bệnh được kiểm soát và sẽ khống chế thành công.

Tin bài liên quan