Dòng tiền lỏng còn hỗ trợ chứng khoán

Dòng tiền lỏng còn hỗ trợ chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phản ứng ngược của các chỉ số chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất do tác động của đại dịch Covid-19 đã không còn khiến nhiều người ngạc nhiên.

Thực tế, không có yếu tố huyền bí nào tạo nên đà tăng của TTCK, bởi ai cũng thấy, yếu tố chính là dòng tiền lỏng đang và sẽ còn được tung ra tới đây.

Hành trình phục hồi

Mặc cho đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, TTCK toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng cứ sống trong “giấc mộng” của riêng mình. Sau khi giảm khoảng 34% trong vòng 5 tuần vào tháng 2-3/2020, chỉ số S&P 500 thản nhiên leo dốc, tạo nên đỉnh mới, đánh dấu hành trình hồi phục hoàn hảo khi tăng hơn 52% kể từ đáy gần nhất trong tháng 3.

Động lực tạo nên đà tăng đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có hành động quyết liệt tạo bệ đỡ cho thị trường, trong khi Chính phủ bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính, thậm chí trao tiền mặt trực tiếp tới tay mỗi người dân - những người tiêu dùng cần tiền mặt hơn là các khoản tín dụng ngân hàng.

Thứ hai, cuộc đua sáng chế vắc-xin chống lại Covid-19 đang thiết lập những kỷ lục ấn tượng. Dù còn nhiều câu hỏi đặt ra, nhưng niềm hy vọng tìm ra vắc-xin đang gieo hạt mầm tích cực cho tương lai các thị trường.

Thứ ba, đà tăng của chỉ số chứng khoán trên nhiều thị trường xuất phát từ nhóm nhỏ cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô lớn, được hưởng lợi từ môi trường nơi đại dịch hoành hành. Đó là các công ty công nghệ và nhóm ngành y tế - chăm sóc sức khoẻ.

Chỉ khoảng 1/3 công ty thuộc chỉ số S&P 500 có cổ phiếu đang giao dịch trên ngưỡng đạt được vào giữa tháng 2/2020 - thời điểm trước khi Covid-19 bùng nổ và giá trung bình của các cổ phiếu trong chỉ số thậm chí vẫn thấp hơn thời điểm này khoảng 6%, theo tính toán của Bloomberg.

Chỉ số S&P 500 tăng trên 50% kể từ đáy gần nhất và tăng trưởng dương kể từ đầu năm tới nay nhờ sức mạnh của nhóm FAANG - 5 doanh nghiệp bao gồm Facebook Inc, Amazon.com Inc, Apple Inc, Microsoft Corp và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google).

Trong khi đó, 495 thành viên còn lại của chỉ số chứng kiến giá trị thị trường giảm trung bình khoảng 5% kể từ đầu năm tới nay.

Theo tính toán của Goldman Sachs, nếu giá cổ phiếu của 1 trong 5 ông lớn công nghệ kể trên giảm khoảng 10%, nhóm 100 cổ phiếu xếp cuối danh sách S&P 500 cần tăng 90% mới có thể bù đắp lại mức giảm.

Say trong giấc mộng tăng điểm, nhưng vẫn rất nhiều người muốn biết rằng, từ nay đến cuối năm, viễn cảnh các thị trường quốc tế sẽ ra sao?

Tham khảo câu trả lời từ nhiều tổ chức tài chính trung gian cho thấy cảm nhận có vẻ tích cực: Chứng khoán sẽ tiếp tục “không quan tâm” tới thực cảnh nền kinh tế do các động lực chính thúc đẩy đà tăng vẫn… tồn tại.

Tăng trong nhóm nhỏ

Tăng trưởng GDP quý II/2020 của Mỹ giảm 31,7%, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên hơn 1 triệu.

Trong số 500 doanh nghiệp thuộc S&P 500, có khoảng 450 công ty đang trong tình cảnh tồi tệ. Các ngành công nghiệp như bán lẻ, du lịch, năng lượng, giải trí, nhà hàng… chứng kiến doanh thu lao dốc chóng mặt.

Số lượng đơn phá sản chồng chất, mà mới đây nhất là nhà bán lẻ nổi tiếng Lord & Taylor… Vậy nhưng S&P 500 vẫn trỗi dậy mạnh mẽ từ tháng 3 và tăng trưởng 2% kể từ đầu năm tới nay.

Các nhà kinh tế đã lý giải nguyên nhân. Nhìn vào những nhóm cổ phiếu có màn biểu diễn tệ nhất kể từ đầu năm 2020 tới thời điểm cuối tháng 7: nhóm bán lẻ giảm 62,6%; hàng không giảm 55%; du lịch sụt 51,4%; khách sạn và các sản phẩm đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng giảm 41,9%.

Nhóm 15 ngành công nghiệp chịu thiệt hại nặng nhất từ Covid-19 tiếp theo chứng kiến giá cổ phiểu giảm từ 30,5 - 41,7%. Đáng chú ý, đến giờ đã là hơn 4 tháng kể từ khi thị trường chứng khoán hồi phục từ đáy tháng 3.

Các ngành công nghiệp này có mức độ hiện diện cao trong đời sống, xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, được các hộ gia đình “nhớ mặt, nhớ tên”. Dễ nhận thấy những nhóm ngành này đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng mức độ ảnh hưởng tới các chỉ số chứng khoán lại không đáng kể.

Chẳng hạn, nhóm bán lẻ chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh nhất, khoảng 62,3%, nhưng tổng giá trị vốn hoá thị trường của các cổ phiếu này chỉ chiếm 0,01% trong chỉ số S&P 500. Tương tự, ngành hàng không những tưởng đều là “khổng lồ”, nhưng thực tế chỉ chiếm tỷ trọng 0,18% chỉ số S&P 500. Câu chuyện này cũng diễn ra với dịch vụ du lịch, đầu tư bất động sản, casino, resort…

Vậy nhóm cổ phiếu nào mới là lực kéo đích thực với TTCK? 4 nhóm ngành bao gồm: nội dung Internet, hạ tầng phần mềm, điện tử tiêu dùng và bán lẻ hiện có tổng giá trị vốn hoá khoảng hơn 8 nghìn tỷ USD, tương đương gần 1/4 tổng giá trị vốn hoá TTCK Mỹ (khoảng 35 nghìn tỷ USD).

Kể từ đầu năm tới nay, nhóm 10 công ty công nghệ lớn nhất thuộc chỉ số S&P 500 có giá cổ phiếu tăng hơn 37%.

Đây chính là lý do dù số lượng lớn doanh nghiệp còn lại không làm tốt, nhưng chỉ số S&P 500 vẫn có thể “nhún vai” để tiếp tục leo dốc. Thậm chí, chỉ số Nasdaq Composite 100, bao gồm các công ty công nghệ lớn, đã tăng trưởng khoảng 26% kể từ đầu năm tới nay.

Bối cảnh hiện tại của nền kinh tế đang tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp công nghệ so với các ngành nghề khác. Trong tâm thái ấy, đa phần các thành viên thị trường đồng thuận với nhận định: Nhóm công ty công nghệ, vốn có nền tảng tốt, tốc độ phát triển nhanh sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong thế giới hậu đại dịch.

Nếu động cơ tăng trưởng này đang và sẽ hoạt động tốt, liệu có lý do để lo sớm rằng, đà tăng sẽ chấm dứt tới đây?

Fed sẽ tiếp tục bơm tiền?

Cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jeromy Powell đã có bài phát biểu cởi mở về cách thức điều hành chính sách trong thời gian tới, bao gồm việc chấp nhận để lạm phát tăng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường lãi suất ở mức thấp nhiều khả năng được kéo dài trong những năm tới.

Kể từ khi Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% vào năm 2012 cho tới nay, con số này chưa từng tiến gần tới mức mục tiêu, thậm chí có xu hướng giảm và ở mức trung bình chỉ 1,4%. Do đó, câu chuyện lạm phát không hẳn là mối lo hàng đầu đối với Fed trong bối cảnh hiện tại.

Không khó để nhận ra, Fed, cũng như Chính phủ Mỹ đang dành nhiều ưu ái cho TTCK và điều này đã từng có tiền lệ.

Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Fed đã quyết định hạ lãi suất sau vụ sụp đổ của TTCK năm 1987, từ đó tạo nên tiền đề được gọi là Greenspan Put - cam kết của ngân hàng trung ương về hỗ trợ giá cho tài sản.

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là lãi suất của Fed thường biến động theo diễn biến TTCK. Nếu S&P 500 giảm, lãi suất sẽ được hạ xuống. Nếu thị trường tăng điểm, Fed sẽ lựa chọn một thời gian thích hợp để tiến hành nâng lãi suất.

Với cách hành xử của Chủ tịch Fed Jeromy Powell, một lần nữa sự ủng hộ của ngân hàng trung ương với TTCK lại được thể hiện.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xem TTCK là “phong vũ biểu” quan trọng cho sự thành công của chính mình trên cương vị người lãnh đạo đất nước.

Vì vậy, có khả năng Fed, Quốc hội và Tổng thống Mỹ cùng hành động để củng cố thị trường chứng khoán tăng trưởng độc lập với nền kinh tế. Động thái này được gọi là Golden Put.

Một thị trường tràn ngập các gói kích thích chưa từng có tiền lệ sẽ đi về đâu? Theo giới chuyên gia, cần có một chất xúc tác tiêu cực tạo cú sốc lớn, mà đại dịch không phải yếu tố đủ mạnh.

Thực tế, đại dịch Covid-19 đã không còn là thông tin mới đối với giới đầu tư. Khó có khả năng thị trường điều chỉnh mạnh như tháng 3, dù có xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới.

Ẩn số cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới liệu có tạo nên sóng gió trên TTCK Mỹ và ảnh hưởng đến toàn cầu? Câu trả lời chưa thể nói trước, nhưng các chính sách tiền tệ sẽ không thay đổi đột ngột dù ai là người thắng cử.

Nếu ứng cử viên Robinette Biden, người có các đề xuất chính sách thân thiện hơn với Trung Quốc và châu Âu hơn so với ông Trump giành chiến thắng, sẽ đồng nghĩa với việc chính sách “Nước Mỹ trên hết” chấm dứt và mở ra thời kỳ mới, nhưng thị trường vẫn là “con cưng” đối với nhà quản lý trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, ông Biden cần phải giành chiến thắng và khả năng này lại không quá cao.

Tin bài liên quan