Năm 2019, ông nhìn nhận như thế nào về mối liên hệ và tác động từ các yếu tố vĩ mô trong việc giữ nhịp tăng cho thị trường chứng khoán (TTCK)?
Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng, bắt đầu từ năm 2012. Trong giai đoạn này, các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thay đổi quan điểm điều hành nền kinh tế, không quá chú trọng tăng trưởng ngắn hạn, mà tập trung ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, nền kinh tế có sự thay đổi rõ nét về chất, thể hiện qua tỷ lệ thâm dụng tín dụng giảm mạnh và năng suất lao động tăng cao.
Ông Trần Hải Hà
Trong năm 2019, các yếu tố như tăng trưởng GDP và xuất khẩu có thể bị tác động nhẹ do các yếu tố rủi ro từ bên ngoài đến từ môi trường tăng trưởng toàn cầu suy giảm (do hai nền kinh tế đầu tàu và cũng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm tăng trưởng). Tuy nhiên, về cơ bản, xu hướng tích cực của nền kinh tế Việt Nam được giữ vững, nhờ động lực từ khu vực tư nhân và khu vực FDI.
Xét trong dài hạn, sự tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô luôn là nền tảng để TTCK phát triển lành mạnh. Giai đoạn 10 năm qua, từ 2009 đến 2019, chúng ta có thể thấy các năm TTCK đi xuống hoặc biến động mạnh rơi vào năm 2010 và 2011 là những năm kinh tế vĩ mô bất ổn, tăng trưởng suy giảm, lạm phát cao và VND mất giá.
Từ năm 2012 đến nay, khi môi trường kinh tế vĩ mô được cải thiện và các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững, TTCK đã thiết lập một xu hướng đi lên dài hạn, với mức tăng ấn tượng của chỉ số VN-Index từ 334 điểm lên gần 1.000 điểm. Ngoại trừ một nhịp điều chỉnh giảm khoảng 10% trong năm 2018 (do năm 2017 thị trường đã tăng quá mạnh, với mức tăng 48%), TTCK Việt Nam đều đặn tăng trưởng liên tục trong các năm qua và đem lại hiệu quả đầu tư tốt cho các nhà đầu tư.
Do đó, chúng tôi đánh giá, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng ổn định trong năm 2019 nhờ các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững, hỗ trợ cho đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, với nền tảng vĩ mô ổn định, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm động lực tăng trưởng cho TTCK.
Theo ông, TTCK sẽ chịu tác động và chi phối bởi những yếu tố bên ngoài nào trong năm nay?
TTCK thế giới đã trải qua năm 2018 nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhà đầu tư rút vốn khỏi nhiều TTCK mới nổi và cận biên, sự điều chỉnh mức định giá… Các yếu tố này đã tác động mạnh đến các chỉ số chứng khoán chính trên toàn cầu và đa phần đều giảm điểm trong năm qua.
Tuy nhiên, bước sang năm 2019, diễn biến TTCK thế giới trở nên tích cực với các tin tốt về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ, sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed, cùng mùa báo cáo lợi nhuận 2018 bước vào giai đoạn đỉnh điểm.
Dựa trên bối cảnh đó, tôi cho rằng, năm nay, chính sách tiền tệ của Fed vẫn là một trong những yếu tố cơ bản tác động lớn đến diễn biến TTCK toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Khả năng tác động nghiêng về thiên hướng tích cực khi Fed có thể chỉ nâng lãi suất 1 lần và ngừng cắt giảm số dư trên bảng cân đối tài sản trong năm 2019 (dừng bán ra trái phiếu).
Với dự báo này, TTCK 6 tháng đầu năm sẽ có một giai đoạn tương đối “yên bình” và thị trường toàn cầu phục hồi tích cực. Theo quan sát của tôi, dòng vốn đã gia tăng trở lại tại các thị trường mới nổi, kéo theo khả năng hút vốn vào TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý một số sự kiện quan trọng sẽ diễn ra và có thể tác động tới thị trường tài chính như Brexit vào cuối tháng 3/2019, họp chính sách của Fed tháng 6/2019, diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc…
Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK năm 2019 sẽ khó hình thành một xu hướng dài hạn, rõ nét, mà biến chuyển linh hoạt theo các diễn biến khách quan tác động. Góc nhìn của ông như thế nào?
TTCK Việt Nam đã có sự khởi đầu ấn tượng sau kỳ nghỉ dài ngày, mức tăng không riêng ở chỉ số, mà có sự lan tỏa trong nhiều nhóm cổ phiếu. Đà tăng được sự hỗ trợ của dòng tiền lớn, giúp VN-Index vượt mốc kháng cự 970 điểm thành công và vượt lên trên kháng cự trung hạn tại đường trung bình 200 ngày.
Mức tăng trong tuần vừa qua đã giúp TTCK Việt Nam đứng trong Top 2 các thị trường tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Thanh khoản cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tuần, một phần nhờ khối ngoại tăng cường giải ngân vào các nhóm cổ phiếu như xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng và thực phẩm.
Chúng tôi nhận thấy, dòng tiền lớn đã trở lại thị trường, đặc biệt là dấu ấn từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi mua ròng mạnh mẽ trong 2 tháng đầu năm 2019. Dòng tiền lớn đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường, triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư, cả nội và ngoại mạnh mẽ hơn.
Xét về nội tại, tăng trưởng kinh tế 2018 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, các cân đối vĩ mô như tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng tín dụng ổn định. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một yếu tố sẽ tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung trong dài hạn. Có thể dễ dàng nhận thấy, vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam được nâng tầm trong khu vực trong 2 năm trở lại đây, nhất là khi Hà Nội được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Về xu hướng thị trường, tôi cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã đi qua. Thị trường đi lên từ vùng đáy với P/E dự phóng 13 - 14 lần, mức hấp dẫn dòng vốn đầu tư trung và dài hạn, khi nền tảng kinh doanh của các doanh nghiệp là tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi. Đây có lẽ là cú huých tích cực nhất với các thay đổi cụ thể của chính sách như hoàn thành dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, chuẩn bị thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, thay đổi nền tảng công nghệ thông tin của TTCK, thúc đẩy các giải pháp nâng hạng từ phía doanh nghiệp và các cơ quan liên quan…
Với các kỳ vọng như vậy, đặc biệt là VN-Index đã thoát khỏi kênh giảm giá kể từ đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4/2018, kỳ vọng thị trường năm 2019 sẽ bước vào một xu hướng tăng mới. Vùng điểm mục tiêu của chỉ số là 1.100 điểm và có thể sẽ vượt lại đỉnh cũ, với nhiều kỳ vọng từ tăng trưởng kinh tế, triển vọng nâng hạng thị trường và lạc quan từ nội tại doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về khả tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2019. Nếu để lựa chọn đầu tư thì nhóm ngành nào có nhiều cơ hội hơn trong năm nay?
Năm 2018 là một năm tăng trưởng ấn tượng của các doanh nghiệp niêm yết thuộc hầu hết các nhóm ngành, với mức tăng trưởng lợi nhuận 16%. Năm 2019, môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô trong nước nhìn chung vẫn duy trì ổn định, tạo tiền đề phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số yếu tố kém thuận lợi đã và đang xuất hiện như lãi suất có chiều hướng gia tăng, kinh tế Mỹ bước vào vùng đỉnh, kinh tế Trung Quốc đi xuống, bất ổn trong thương mại quốc tế… sẽ tác động ít nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết.
Cùng với đó là mức nền lợi nhuận năm 2018 tương đối cao, do đó, chúng tôi cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2019 sẽ giảm tốc, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10%. Trong bối cảnh đó, chúng tôi ưu tiên các nhóm ngành có khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn, gắn với nhu cầu từ cơ cấu dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Đó là các ngành bán lẻ, tiêu dùng, ngân hàng, tiện ích…
Nhóm ngành bán lẻ, tiêu dùng vẫn còn nhiều dư địa phát triển gắn với quá trình đô thị hóa và gia tăng thu nhập của người dân. Nhóm ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trên hai con số và đang đứng trước những thay đổi lớn liên quan đến nới “room” nước ngoài cũng như các hoạt động thoái vốn nhà nước, tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Nhóm ngành tiện ích (điện, nước) duy trì tăng trưởng cùng đà tăng của nền kinh tế cũng như lộ trình tăng giá bán trong các năm tới.